Bàn cuối ơi, đâu rồi?

GD&TĐ - “Bếp dầu! Chảo nóng! Khoai tây rán đê …ê…ê…!” Choàng tỉnh bởi giấc mơ trưa ngắn ngủi, nó thẫn thờ cả buổi. Lâu, lâu lắm rồi, giấc mơ ấy không còn về trong nó nữa. Bao nhiêu năm những ngón tay xòe ra cũng chẳng còn đủ mà đếm. Vậy mà… Bàn cuối thuở nào mơ cũng đành quên.

Bàn cuối ơi, đâu rồi?

Hay đi muộn, ưa nghịch, thích vẽ Quan Công mặt đỏ vì thiếu dây thần kinh xấu hổ, tranh núi cao vì tồn đọng bao nhiêu rác rưởi, cãi biển rộng và sâu vì lắm kẻ dấm đài… Tìm mãi không nổi một lí do chính đáng nào khiến chúng nó đều chọn bàn cuối là địa chỉ để chành chọe khi vào lớp. 

Mỗi đứa một quê, mỗi mặt một trò, nhăn nhăn nhở nhở. Hai thằng con trai dí dủm, tầm ngầm, học đâu biết đấy. Ba đứa con gái ngơ ngơ ngáo ngáo, giờ Toán chỉ để lọt tai mỗi “Trâu ăn khoai lang ảnh hưởng hòa bình thế giới” - câu chuyện của ông giáo dạy Toán hài hước. Thân nhau kể cũng lạ.

Nó phải thi lại môn Hóa, hai tên cùng bàn bỗng dưng lên chức. Thầy - không phải đúng môn sở trường của hai tên thì đừng có tưởng. Có cái xe gật gù vừa đi vừa nhảy của Phương, ba đứa chất nhau lên nhằm nhà “thầy” thẳng tiến. 

Đến nơi thì ôi thôi! Bút ơi là bút, vở ơi là vở, đi học mày lại trốn tao đâu rồi. Xe nhảy, người gật gù hay vì màn múa lụa mềm mại của cánh đồng lúa mướt xanh thì con gái trải ra níu kéo suốt dọc đường? A, tại lũ chim ngoài rặng bạch đàn đây mà. 

Ai bảo chúng ầm ĩ đông vui quá thế chứ. Đôi cánh biếc xanh vừa vút lên rót ngay những dòng thanh âm ngọt lịm xuống, đám bạch đàn lao xao tán thưởng chưa kịp ngừng, lại lấp ló ngay cái cổ cườm mềm mịn như nhung với ánh mắt trong veo đang ngó ngiêng lấy nhịp. 

Bỗng chốc cả cánh đồng ngập tràn những bản tình ca rộn rã. Nắng sớm cũng ngỡ ngàng sựng lại. Trách chi ba đứa “tam đại dở hơi” chúng nó.

Không sách vở, không lí thuyết bài tập thì thực hành. Nghe lời thầy quá còn gì, thầy vẫn bảo “Học. Học nữa. Học mãi!” như lời dạy của

Lê-nin ấy. Đang tìm hiểu “Sự biến đổi hóa học của các chất” thế thì phải kiểm tra xem các loại vật chất có nguồn gốc tự nhiên biến đổi thế nào dưới tác động của nhiệt độ, khoai tây cắt lát sẽ tàng hình ra sao sau khi đưa vào chảo dầu đang sôi. Kế hoạch đưa ra được duyệt ngay tắp lự. Nhưng đứa nào ra chợ, đứa nào nhóm cái bếp dầu hôi đen xì muội khói. Chí chóe cũng đủ một giờ.

Ngày thi, sợ nó lơ mơ, hai “thầy” vặn vẹo hết công thức này kí hiệu, công thức khác. Vào phòng, R lớn, r nhỏ, như chong chóng tít mù cả lên. Báo điểm, bõ công các “thầy”. Chúng nó lại chất nhau lên cái xe tòng tọc, vừa đi vừa nhảy vào cảm ơn. 

Oa, “thầy” mừng hơn thì phải, nửa đường gặp “thầy” cũng đang hơn hớn phi ra chúc mừng trò. Đoán cái bếp dầu đã đến thì trơ đáy, đang run như cầy sấy nép mình trong góc bếp, thương tình chúng nó vội tìm hỏi thăm cây ổi. Săm soi mấy lần áng chừng lũ quả non đã đến thì đến lứa, đang mỡ màng xinh đẹp không quan tâm, bọn bạn “thầy” liệu có để yên?

Ổi chưa kịp thơm lựng trên cành, phượng đã thập thò sắc đỏ. Bàn cuối ngày nào, góc lớp thành xa xăm.

Ô, kia kìa! Hình như bàn cuối tụ họp bên nhau kể cho nhau nghe những ngày cơm niêu nước lọ, những ngày ôn thi xong đứa nào đứa nấy như một lũ ma đói, mắt trũng sâu thâm quầng, chia nhau hai đứa một suất cơm, sẻ nhau từng hạt của bắp ngô nướng vội. 

Ngoài cửa, hình như có hai “ông mặt trời” sùm sụp mũ lưỡi trai, đùn đẩy nhau mãi bước không vào tới cửa; đó là ngày mùng 8 tháng 3 năm đầu tiên khi có hai tên con trai biết mình vừa thêm mấy đứa bạn mang tên con gái thì phải. 

Và hình như cuộc sống tất bật lắm, bận rộn lắm. Mà hình như tại mình nữa, cứ ngụp mãi. Chẳng thể ngăn dòng chảy của thời gian, chỉ mong dòng chảy ấy một lần chững lại. “Bao nhiêu năm rồi, kí ức mãi là kỉ niệm. Đừng lặn nữa!”. 

Muốn nghe lời Tâm sao khó quá! Những kỉ niệm hồng không lẽ chỉ như bong bóng xà phòng, lung linh rực rỡ và vụt tan biến vào hư không? Rất nhiều lần nhấc máy lên lại bỏ xuống, một mình nó giữ có còn được không...?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ