Bảo đảm tính hiệu quả trong thực thi các quy định ngành Giáo dục

Bảo đảm tính hiệu quả trong thực thi các quy định ngành Giáo dục

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hằng năm Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch và thường xuyên thực hiện tổ chức việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo. Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ GD&ĐT đưa các văn bản không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn vào kế hoạch soạn thảo văn bản hằng năm của Bộ để sửa đổi bổ sung, hoặc thay thế, ban hành mới, nhằm bảo đảm tính hiệu quả trong thực thi các quy định của ngành Giáo dục.

Về việc kiểm tra chương trình, nội dung trước khi đưa vào giảng dạy cho học sinh, sinh viên đối với Chương trình giáo dục phổ thông: Theo quy định tại Luật Giáo dục và Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục. Vì vậy, việc giảng dạy cho học sinh tại cơ sở giáo dục phổ thông phải căn cứ vào Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành.

Đối với giáo dục đại học: Theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học; quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; quy định các môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo đối với trình độ đào tạo của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài; quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học.

Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ, có trách nhiệm giải trình về phương thức tổ chức và quản lý đào tạo đối với các trình độ, hình thức đào tạo; xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo phù hợp với quy định về Khung trình độ quốc gia Việt Nam, về chuẩn chương trình đào tạo, bảo đảm không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục và đoàn kết các dân tộc Việt Nam, hòa bình và an ninh thế giới; không có nội dung truyền bá tôn giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ