Báo động tình trạng “trống” kỹ năng sinh tồn

GD&TĐ - Dư chấn trận động đất tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng tuy không gây thiệt hại về người nhưng làm thiệt hại cơ sở vật chất tại 17 trường học từ mầm non đến THCS trong huyện. Mặt khác, do công tác giáo dục kỹ năng ứng phó, thoát hiểm trước thiên tai còn hạn chế nên không ít học sinh, giáo viên bị hoang mang, lo lắng.

GV, HS Trường THCS Đình Phong (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) đổ ra sân trường sau động đất. Ảnh: IT.
GV, HS Trường THCS Đình Phong (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) đổ ra sân trường sau động đất. Ảnh: IT.

Nhiều trường học thiệt hại

Ông Hoàng Xuân Vũ - Phó Trưởng phòng phụ trách – Phòng GD&ĐT huyện Trùng Khánh cho biết: Dư chấn động đất sáng 25/11/2019 trên địa bàn huyện Trùng Khánh không gây thiệt hại về người nhưng đã làm thiệt hại tài sản của các trường học.

Thống kê đến chiều 26/11/2019 có tổng số 75 phòng học bị nứt. Bên cạnh đó có 10 phòng ban giám hiệu, hội đồng và nhà bếp, 1 nhà vệ sinh bị nứt.

Tại Trường TH Chí Viễn, 13 phòng học bị nứt tường với độ nứt 2mm-5mm. Điểm trường Long Giang 6 phòng bị nứt chân chim; phòng hội đồng bị nứt 30mm dài 50cm, các cạnh cửa sổ nứt 2mm. Điểm trường Thượng Nga bị nứt phòng Hội đồng, độ nứt 1cm.

8 trường MN bị thiệt hại gồm: MN Đức Hồng với 3 phòng học bị nứt mức độ nhẹ. MN Chí Viễn nứt tường 5 phòng học, vết nứt rộng nhất là 1cm, dài khoảng 1m và nhiều vết nứt nhỏ dài theo tường…

Bị động trước thiên tai

Thầy Nông Đình Ngân – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đình Phong, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh cho biết: Chấn động diễn ra khi 167 HS của 6 lớp đang học tiết 1. HS và GV các lớp hoảng loạn chạy xuống sân trường.

Tâm lý của đa số HS và GV khi đó đều sợ hãi. BGH nhà trường đã yêu cầu HS và GV ở lại sân trường 20 phút vừa để trấn an tinh thần vừa nghe ngóng diễn biến tiếp theo rồi mới để GV và HS trở lại lớp học...

Theo thầy Ngân, ngày 26/11 số HS quay lại trường lớp học tập đã đủ 100% nhưng tâm lý các em vẫn có phần e ngại và lo lắng. Nắm bắt được điều này, nhà trường đã mời HS xuống sân trường để toàn BGH, GV tư vấn và trấn an tinh thần giúp các em yên tâm học tập.

Thầy Nông Văn Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Pò Tấu cũng chia sẻ: Tuy chỉ thiệt hại về cơ sở vật chất nhưng đã ảnh hưởng tới tâm lý của 258 HS 8 lớp học và 14/16 GV đang giảng dạy. Khi đó, nhà trường chỉ biết dùng loa để gọi HS mau chóng xuống sân trường. Sau đó, trấn an tinh thần GV, HS.

Thầy Phương Ích Bầu – Hiệu trưởng Trường THCS Pò Tấu bày tỏ: “Bản thân tôi cũng bất ngờ bởi từ nhỏ đến lớn chưa từng chứng kiến sự việc tương tự diễn ra tại địa phương..”. Sau sự cố trên, thầy Bầu khẳng định: Giáo dục kỹ năng sống của nhà trường cần bổ sung, thay đổi để giúp HS thích nghi, bắt kịp và có thể chủ động ứng phó.

Nói về giáo dục kỹ năng sinh tồn cho HS nói chung và trẻ em nói riêng, TS Vũ Việt Anh – chuyên ngành tâm lý giáo dục – Tổng Giám đốc Học viện Thành Công cho biết: Giáo dục kỹ năng sinh tồn (hỏa hoạn, thiên tai, đuối nước, động đất...) đã được thế giới đưa vào giáo dục HS từ lâu.

Cụ thể, Nhật Bản dạy cho HS từ bậc MN. Mỗi HS Nhật Bản trước khi tới trường được bố mẹ sắp 3 túi nhỏ mang theo: túi đựng sách vở; túi đồ cứu thương quần áo; túi đựng đồ ăn. Như vậy, khi động đất xảy ra, mỗi HS có thể tự cứu thương, biết cách thoát hiểm và tồn tại.

“Kỹ năng sinh tồn vô cùng quan trọng, dù thành công tới đâu nhưng thiếu kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn thì đều thất bại bởi không thể bảo vệ được chính mình”. 
                                                                                    TS Vũ Việt Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ