Bao giờ Bảo tàng Hà Nội hết… ế!

Bao giờ Bảo tàng Hà Nội hết… ế!

Nhiều lần lỗi hẹn

Bảo tàng nằm trong khuôn viên Trung tâm Hội nghị Quốc gia, có diện tích gần 54.000m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 30.000m2. Đây là dự án lớn nhất do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư vào thời điểm khởi công - tháng 5/2008.

Kiến trúc của bảo tàng được thiết kế theo hình kim tự tháp ngược, giật cấp với 4 tầng nổi và 2 tầng hầm. Cảnh quan bên ngoài bảo tàng có các hạng mục hệ thống cây xanh, đường dạo, quảng trường, bãi đỗ xe, hồ nước, thác nước...

Với kỳ vọng Bảo tàng Hà Nội cùng với Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình sẽ tạo nên một quần thể kiến trúc liên hoàn, là điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách.

Khánh thành vào đầu tháng 10/2010 nhưng Bảo tàng Hà Nội phải bổ sung, điều chỉnh và gần như phải cấu trúc lại hoàn toàn nội dung trưng bày, do việc mở rộng phạm vi hành chính của Thủ đô. Đó là một trong các lý do chủ yếu dẫn đến chưa hoàn thành trưng bày nội thất để có thể chính thức mở cửa đón khách tham quan.

Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, khi phê duyệt dự án này thì đến năm 2016 Bảo tàng Hà Nội phải hoàn thành các trưng bày để đón công chúng. Tuy nhiên, nhiệm vụ này đã không thể hoàn thành, mãi đến năm 2019, Bảo tàng Hà Nội đặt mục tiêu cuối năm 2020 sẽ thi công xong các không gian trưng bày để có thể mở cửa đón khách tham quan.

Thực tế cho thấy, trong suốt 10 năm qua, Bảo tàng Hà Nội khá vắng khách. Có khách tham quan cho rằng, bảo tàng này kém hấp dẫn do hiện vật trưng bày nghèo nàn.

Nhà sử học Dương Trung Quốc từng cho rằng, Bảo tàng Hà Nội chưa có sự đồng bộ giữa sự chuẩn bị nội dung trưng bày và xây dựng kiến thiết. Quan trọng nhất với bảo tàng là phải xây dựng bộ sưu tập chứ không phải là số hiện vật được trưng bày vì cổ vật là ngôn ngữ chính của một bảo tàng.

10 năm sau khánh thành nhưng đến nay chưa hoàn thành trưng bày nội thất để có thể mở cửa đón khách, nên mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Dương Minh Ánh tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XIV về việc quản lý, sử dụng công trình Bảo tàng Hà Nội cũng như lý do điều chuyển Bảo tàng Hà Nội về Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch.

Theo đó, Thủ tướng cho biết, Điều 47 Luật Di sản văn hóa quy định cụ thể về phân loại hệ thống bảo tàng công lập ở Việt Nam, trong đó có bảo tàng cấp tỉnh. 

Căn cứ các điều kiện, thẩm quyền quyết định thành lập bảo tàng quy định tại Điều 49, Điều 50 Luật Di sản văn hóa, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập bảo tàng cấp tỉnh, là đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của địa phương.

Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa thể thao và du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 18/4/2019.

Thủ tướng giao Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa (trong đó có hệ thống bảo tàng) chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả công trình Bảo tàng Hà Nội.

Người dân chưa mặn mà với bảo tàng: Vì sao?

Trước thông tin thay chủ quản, ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, chuyển chủ quản là chuyện của cơ quan cấp trên. Bảo tàng Hà Nội đến tháng 8 tới sẽ triển khai thi công trưng bày.

Lý giải một số vấn đề đã và đang tồn tại của Bảo tàng Hà Nội, kiến trúc sư Lê Thanh Tùng cho hay, xây nhà hay làm ra cái gì đó mà không dùng đến hoặc không thể dùng đến thì vô cùng lãng phí. Kiến trúc của Bảo tàng Hà Nội thì khá mới lạ nhưng không độc đáo vì thực tế nhiều công trình ở Trung Quốc hay các nước châu Á cũng có mô hình kim tự tháp ngược này.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng đồng ý về cách bố trí không gian có vẻ thích hợp khi thiết kế kiểu hành lang triển lãm (chỉ khác là nó đi theo đường xoắn ốc). 

“Nói chung, về mặt bố trí không gian không tệ, nhưng tôixét có 2 yếu tố khiến Bảo tàng Hà Nội “bị ế”. Thứ nhất, do nhu cầu của người Việt thời điểm hiện tại chưa bận tâm dành thời gian đi bảo tàng. Nhu cầu này phụ thuộc vào tư duy, kiến thức và quan điểm lịch sử của cá nhân. Thứ hai, đối tượng thụ hưởng chính với các bảo tàng hiện nay nói chung là giới trẻ. Tuy nhiên, thực tế là người trẻ thích đến nơi nào đẹp lạ… để selfie chụp ảnh chứ ít quan tâm đến việc trau dồi kiến thức”, ông Tùng cho biết.

Cũng theo ông Tùng, tình trạng nói trên diễn ra không chỉ ở nước ta mà còn ở nhiều quốc gia, trong đó có nước Nga – nơi ông Tùng từng sinh sống và là một trong những quốc gia phát triển rất mạnh ngành bảo tàng.

Cùng với kiến trúc bảo tàng, cách thức vận hành bảo tàng mới là điều mà các chuyên gia cho là quan trọng. Có nhiều phương pháp để thu hút giống như cách liên kết với trường học, các chương trình du lịch giống như bảo tàng ở Quảng Ninh để kích thích nhu cầu tham quan của du khách.

“Ở Nga cứ cuối tuần là các bảo tàng đông nghịt người. Khách xếp hàng rất văn minh, sinh viên nghèo cũng đặt chỉ tiêu 2 lần/tuần đến bảo tàng. Họ quan niệm đó là thời gian biểu hài hoà của một người có tri thức để tiếp thu cái mới và trau dồi nghệ thuật, lịch sử...”.

Ông Tùng cũng đưa ra biểu đồ thống kê số lượng bảo tàng của Nga theo trang web studme.org. Trong đó có thống kê số lượng khách đến bảo tàng (đơn vị nghìn người) với xu hướng luôn tăng. Qua đó cho thấy lượng người quan tâm đến bảo tàng là rất lớn.

“Điều chắc chắn đối với mọi bảo tàng trên thế giới chính là “nội dung bên trong”. Kiến trúc của bảo tàng không có gì phải bàn. Người ta đến bảo tàng không phải để ngắm kiến trúc mà để xem bên trong trưng bày những gì thú vị” - Kiến trúc sư Lê Thanh Tùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ