Bí quyết nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi THPT

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Loan - Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Ngũ Lão (Hưng Yên) chia sẻ những giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường THPT.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xây dựng kế hoạch tổ chức chỉ đạo bồi dưỡng học sinh giỏi

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức việc tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi, để công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đạt kết quả tốt, theo cô Nguyễn Thị Loan, người cán bộ quản lý cần phải xây dựng kế hoạch một cách khoa học, cụ thể, tương đối dài hạn và có tính khả thi cao.

Trong đó phải chú ý đến mặt mạnh, mặt yếu của nhà trường ở tất cả các yếu tố: đội ngũ giáo viên và học sinh, tình tình cơ sở vật chất, tài chính, nguồn lực... để phục vụ cho công tác bồi dưỡng đội học sinh giỏi.

Trong kế hoạch phải thể hiện được mục tiêu, chương trình, đối tượng tham gia, thiết bị, phương tiện, đồ dùng dạy học, hình thức thi đua khen thưởng kinh phí cần sử dụng.

Mặt khác, kế hoạch cũng cần thể hiện được phương thức thành lập đội tuyển, cơ cấu mỗi đội, thời gian tuyển chọn, thời gian khảo sát chất lượng đội tuyển, kế hoạch hội thảo rút kinh nghiệm trong việc dạy đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường. Đồng thời, phải được toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh nắm vững.

Tổ chức phát hiện và tuyển chọn đội học sinh giỏi

Việc phát hiện và tuyển chọn học sinh vào đội tuyển học sinh giỏi là một trong những khâu rất quan trọng, quyết định phần lớn chất lượng của đội học sinh giỏi. Tuy nhiên, khâu này đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, đòi hỏi năng lực và tâm huyết của các thầy cô giáo.

Cô Nguyễn Thị Loan chia sẻ có thể thực hiện khâu này theo 3 bước:

Bước 1: Tập hợp các học sinh giỏi, kể cả một số em làm đơn xin dự thi vào đội tuyển. Xem xét kết quả học tập ở những năm trước hoặc kết quả thi tuyển đầu vào, lấy ý kiến của các giáo viên bộ môn.

Bước 2: Tiến hành kiểm tra những tố chất của học sinh năng khiếu: Thông tuệ, sáng tạo, phẩm chất ưu việt thông qua thi trắc nghiệm.

Bước 3: Đo một số chỉ số sinh lý có liên quan đến học sinh năng khiếu và xem xét phả hệ gia đình (nếu có điều kiện).

Tuyển chọn và phân công giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi

Vai trò của người giáo viên trong công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi là hết sức quan trọng. Giáo viên bồi dưỡng phải là một người thầy vừa hồng vừa chuyên, hay nói cách khác phải đủ tâm, đủ tầm; phải có ý thức tích cực trau dồi, tích lũy chuyên môn, đọc nhiều, hiểu sâu vấn đề mà mình dạy học sinh theo phương châm biết mười dạy một.

Cô Nguyễn Thị Loan

“Có thể nói giáo viên bồi dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định kết quả bồi dưỡng” - cô Loan khẳng định.

Việc tuyển chọn và phân công giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi là một trong những công việc quan trọng của nhà quản lý giáo dục.

Công việc này cần dựa trên các tiêu chí: Giáo viên có trình độ kiến thức chuyên môn cao, được công nhận là giáo viên giỏi từ cấp trường trở lên; có phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề và hăng say với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; có kỹ năng thiết kế bài dạy tốt, có ý thức tìm tòi, nghiên cứu về chuyên môn.

Công tác phân công lao động sư phạm hợp lý sẽ giúp cho người giáo viên phát huy tốt năng lực, sở trường của mình. Giáo viên giảng dạy ở những môn thi học sinh giỏi được bố trí giảng dạy theo học sinh đến hết khóa học.

Có như vậy giáo viên mới có điều kiện phát hiện học sinh giỏi ngay từ đầu cấp và có kế hoạch bồi dưỡng ngay từ lớp 10. Hơn nữa, việc bố trí giảng dạy như vậy giáo viên sẽ có tinh thần trách nhiệm hơn với học sinh khóa mình dạy nói chung và đội tuyển được đảm nhận nói riêng.

Công tác bồi dưỡng giáo viên dạy học sinh giỏi cũng vô cùng quan trọng. Nội dung bồi dưỡng giáo viên gồm: Bồi dưỡng tư tưởng, chính trị, đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp; năng lực chuyên môn; kỹ năng sư phạm; kiến thức kinh nghiệm thực tế và bồi dưỡng các kiến thức bổ trợ.

Người quản lý cần phải có kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên, xác định rõ từng nội dung bồi dưỡng cho từng giáo viên và thời gian, thời lượng, bồi dưỡng. Đồng thời, tham mưu với cấp trên để cử giáo viên đi học trên chuẩn và bồi dưỡng theo chuyên đề.

Cùng với đó, tổ chức hội nghị về phương pháp, kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi; mời chuyên gia về nói chuyện, phổ biến những kiến thức cập nhật; dự giờ, rút kinh nghiệm trong tổ, nhóm chuyên môn;

Tổ chức giao lưu với các trường bạn, trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu; động viên giáo viên tự học thêm về ngoại ngữ; tổ chức cho giáo viên học những kiến thức cơ bản về tin học để vận dụng công nghệ thông tin vào dạy học.

Tổ chức chỉ đạo bồi dưỡng học sinh giỏi

Bên cạnh công tác tổ chức xây dựng, bảo quản sử dụng có hiệu quả sở vật chất thiết bị phục vụ giảng dạy; phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội động viên công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, công đoạn tổ chức chỉ đạo bồi dưỡng học sinh giỏi vô cùng quan trọng.

Phương pháp dạy học sinh giỏi là một trong những nhân tố quyết định chất lượng của đội tuyển. Do đó, trong công tác này người quản lý cần tổ chức hội thảo nhằm trao đổi những vấn đề về phối hợp các phương pháp giảng dạy để đạt kết quả cao.

Cô Nguyễn Thị Loan 

Công việc đầu tiên là thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nội dung, chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi do Hiệu trưởng làm trưởng ban, phó Hiệu trưởng chuyên môn làm phó ban và các tổ trưởng chuyên môn làm uỷ viên;

Xây dựng nội dung, chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi, chọn tài liệu, hội thảo, bổ sung, điều chỉnh để hoàn chỉnh nội dung chương trình.

Cô Loan nhấn mạnh: Cần chú ý, dạy học sinh giỏi, ngoài cung cấp cho các em những kiến thức cơ bản, nâng cao còn cung cấp cả phương pháp nghiên cứu, tự xây dựng phương án giải quyết các vấn đề đặt ra một cách thấu đáo. Vì vậy sau mỗi buổi dạy nhất thiết giáo viên phải giao bài tập cho học sinh tự tìm tòi, nghiên cứu.

Ngoài ra lưu ý, trong quá trình dạy cần đưa ra những thử thách, những nhiệm vụ đòi hỏi giải quyết vấn đề một cách khoa học, sáng tạo, tỉ mỉ; kích thích tính tò mò, ham hiểu biết của học sinh giỏi; tính trung thực của học sinh giỏi.

Giáo viên bồi dưỡng thường xuyên khuyến khích động viên học sinh tìm tòi nghiên cứu. Với một sáng kiến của học trò, có thể là rất nhỏ, nhưng khéo khuyến khích, động viên sẽ thổi bùng lên ngọn lửa say mê nghiên cứu ở các em.

Ngoài ra, người quản lý cần làm tốt công tác thi đua khen thưởng, tạo động lực thúc đẩy việc bồi dưỡng đội học sinh giỏi.

Theo đó, huy động nguồn lực để có nhiều kinh phí cho công tác thi đua khen thưởng cho học sinh giỏi, giáo viên có học sinh giỏi, bồi dưỡng cho giáo viên dạy đội tuyển học sinh giỏi. Xây dựng khung bậc khen thưởng rõ ràng, chi tiết và thông qua trong Hội nghị viên chức đầu năm để tất cả cán bộ giáo viên của nhà trường nắm được.

Nhà trường cũng có thể tổ chức phát thưởng cho học sinh giỏi và giáo viên có học sinh giỏi thật long trọng trước cấp trên, lãnh đạo chính quyền địa phương và trước đông đảo cán bộ giáo viên và học sinh trong toàn trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.