Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng, an toàn, nghiêm túc

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng, an toàn, nghiêm túc

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu 2 nội dung chính làm việc là: Công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng cho biết, kỳ thi có một số điểm mới như: Trong bối cảnh Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực kể từ 1/7/2020 và do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi được chuyển sang tháng 8.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng, an toàn, nghiêm túc ảnh 1
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Chương- Trưởng Ban chỉ đạo thi tỉnh Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc.

Kỳ thi do địa phương chủ trì tổ chức và Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm. Bộ GD&ĐT sẽ phụ trách một số khâu như: Ra đề, cung cấp phần mềm, tập huấn thi, tổ chức thanh tra, kiểm tra…

Dự kiến, sẽ huy động khoảng 6.000 cán bộ, giảng viên các trường đại học tham gia vào các đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi. Cùng với đó sẽ có thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh vào cuộc, nhằm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng, an toàn, nghiêm túc ảnh 2
Cục trưởng Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh phát biểu.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ có ý nghĩa xét tốt nghiệp cho học sinh mà có thể làm cơ sở dữ liệu để các trường đại học sử dụng trong công tác tuyển sinh. Đồng thời, là cơ sở để đánh giá chất lượng trên diện rộng; từ đó có những điều chỉnh trong dạy – học phù hợp với thực tiễn.

Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo kỳ thi, phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân. Mục tiêu là tổ chức kỳ thi nhẹ nhàng, an toàn, nghiêm túc.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng, an toàn, nghiêm túc ảnh 3
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành phát biểu.

Về công tác chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, trước hết là đối với lớp 1, Bộ trưởng nhấn mạnh: Năm học tới, sẽ triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Sau đó sẽ thực hiện theo hình thức cuốn chiếu với các khối lớp còn lại, bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Bộ trưởng nêu 3 nhóm vấn đề cần thực hiện tốt trong thời gian tới: Thứ nhất là, sớm hoàn thiện chương trình, tài liệu giáo dục địa phương.

Thứ hai, chuẩn bị đủ đội ngũ giáo viên, trước mắt là giáo viên lớp 1. Cùng với đó, chú trọng khâu tập huấn cho giáo viên, để các thầy, cô yên tâm khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Thứ ba, chuẩn bị về cơ sở vật chất, trường lớp, sắp xếp, dồn dịch các điểm trường phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng, an toàn, nghiêm túc ảnh 4
Ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT phát biểu.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng, an toàn, nghiêm túc ảnh 5
Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Lê Minh Hưng phát biểu.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương cho biết, toàn tỉnh có hơn 9.200 thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT; trong đó có trên 7.600 thí sinh THPT - chiếm tỷ lệ 89,5%; 896 thí sinh GDTX - chiếm tỷ lệ 10,5% và 700 thí sinh tự do - chiếm tỷ lệ 7,6%.

"UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, trường học rà soát cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020, hiện nay các đơn vị nơi đặt điểm thi hoàn thành chuẩn bị phòng, tủ bảo quản bài thi, đề thi, lắp đặt camera an ninh phục vụ công tác bảo quản đề thi, bài thi đúng theo Quy chế, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương.

Toàn tỉnh có 37 điểm thi với 398 phòng thi, 21 phòng chờ. Các điểm thi được bố trí tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi đúng quy định, thí sinh GDTX và thí sinh tự do không qúa 40% trong mỗi điểm thi.

Thí sinh các trường phổ thông DTNT, thí sinh tự do và học viên Trung tâm GDTX ở các huyện được bố trí dự thi tại 1 trường THPT/huyện (trường THPT nằm ở trung tâm huyện).

Trên địa bàn thành phố Hòa Bình: Thí sinh tự do và thí sinh Giáo dục thường xuyên được bố trí dự thi tại trường THPT Công Nghiệp, THPT Lạc Long Quân và THPT Ngô Quyền.

Phối hợp với Công an tỉnh tiến hành khảo sát và chọn địa điểm sao in đề thi đảm bảo các yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Khu vực in sao đề thi là địa điểm an toàn, biệt lập và được bảo vệ suốt thời gian sao in đề thi, có đầy đủ điều kiện về thông tin liên lạc, phương tiện bảo mật, phòng cháy chữa cháy.

Tại Ban in sao đề thi được bố trí làm 3 vòng. Phối hợp với Công an tỉnh thực hiện Kế hoạch, phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối Ban sao in đề thi.

Ngoài ra, tỉnh đã bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ cho việc in sao đề thi. Phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra các trang thiết bị máy tính, máy in siêu tốc, máy phối trang dập ghim, các đồ vật làm thi tại điểm in sao đề thi, lắp đặt thiết bị phá sóng điện thoại, wifi tại khu vực in sao đề thi. Dự kiến Ban In sao đề thi bắt đầu làm việc từ ngày 20/7/2020.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng, an toàn, nghiêm túc ảnh 6
Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương cũng cho biết UBND tỉnh Hòa Bình đã và đang chuẩn bị tốt các điều kiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới; trong đó có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, tỉnh Hòa Bình cần chuẩn bị tốt mọi khâu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chuẩn bị chu đáo đến từng khâu nhỏ nhất, chẳng hạn như: Có kịch bản ứng phó với mưa lũ trong những ngày diễn ra kỳ thi. Kỳ thi THPT được cả nước quan tâm, do đó cần chú trọng đến an toàn, nghiêm túc trên mọi phương diện, tuyệt đối không chủ quan. 

 Liên quan đến đến công tác chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong thời gian tới, Hòa Bình cần bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ động biên soạn tài liệu giáo dục địa phương để đưa vào chương trình dạy học. 

Hiện nay, tỉnh đã chọn xong sách giáo khoa mới lớp 1, tới đây cần phối hợp với nhà xuất bản để bảo đảm sách cho học sinh. 

Gợi ý Hòa Bình cần xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng nhấn mạnh: Việc này sẽ giúp địa phương chủ động đội ngũ giáo viên, từ đó có kế hoạch điều chỉnh thừa – thiếu giáo hằng năm và làm tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ thầy, cô giáo. 

Tỉnh Hòa Bình cần rà soát lại mạng lưới trường lớp, từ đó tính toán sáp nhập theo hướng tinh gọn, hiệu quả và chất lượng đi lên. 

Về phát triển nguồn nhân lực, theo Bộ trưởng, Hòa Bình không nhất thiết phải có trường đại học riêng nhưng có thể phát triển mạng lưới giáo dục đại học, thông qua hợp tác với các trường để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Về vấn đề này, có thể xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực sát với thực tế. 

Hòa Bình cần chú trọng đến công tác truyền thông, lan tỏa những tấm gương, những hình ảnh tốt về giáo dục để xã hội cùng ghi nhận.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng, an toàn, nghiêm túc ảnh 7
Đại biểu tham dự buổi làm việc.

Gửi lời cảm ơn đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh chia sẻ: Những gợi ý của Bộ trưởng đã giúp Hòa Bình tự tin hơn để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc thành công, bảo đảm mục tiêu đề ra. Kết luận của Bộ trưởng đã gợi mở ra nhiều vấn đề cho tỉnh Hòa Bình nói chung, ngành Giáo dục nói riêng, từ vấn đề đội ngũ, cơ sở vất chất cho đến phát triển nguồn nhân lực… Tỉnh đã tiến hành chọn xong sách giáo khoa mới đối với lớp 1 và đã sẵn sàng bước vào năm học mới. Tới đây sẽ chú trọng đến công tác truyền thông, nhằm lan tỏa những tấm gương, những việc làm tốt của ngành Giáo dục trong xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.