Các nhà văn Nga thành danh nhờ giỏi ngoại ngữ

Các nhà văn Nga thành danh nhờ giỏi ngoại ngữ

Mikhail Lomonosov

Xuất thân từ một gia đình nông dân, nhà bác học, nhà thơ Nga Mikhail Lomonosov, mãi đến năm 14 tuổi, mới biết đọc, biết viết. Nhưng ở tuổi trưởng thành, ông biết thành thạo hơn mười ngoại ngữ. Sau khi vào học ở Học viện Xlavơ - Hy Lạp - Latinh, Lomonosov học tiếng Latinh, Hy Lạp và Do Thái, còn ở Viện Hàn lâm Khoa học

Saint-Petersburg, ông học tiếng Đức. Trong thời gian du học, ông đã học tiếng Đức đến mức hoàn hảo, đồng thời cũng nắm vững các ngôn ngữ chính của châu Âu - tiếng Pháp, Ý và Anh.

Mikhail Lomonosov tự học các ngoại ngữ khác như tiếng Ba Lan, Hungary, Phần Lan, Mông Cổ, Ireland, Na Uy... Nhờ giỏi ngoại ngữ, Lomonosov đã dịch nhiều tác phẩm khoa học quan trọng sang tiếng Nga. Chính ông đã viết các chuyên luận đồ sộ bằng tiếng Latinh. Ngoài ra, ông còn dịch thơ của các nhà thơ La Mã nổi tiếng như Horace, Ovidius, Vergilius.

Lev Tolstoy

Các nhà văn Nga thành danh nhờ giỏi ngoại ngữ ảnh 1
Lev Tolstoy.

Đọc lại nhật ký của đại văn hào Nga Lev Tolstoy, chúng ta biết được ônghọc ngoại ngữ như thế nào. Giống như Griboyedov, Tolstoy học các ngoại ngữ đầu tiên của mình - tiếng Đức và tiếng Pháp dưới sự hướng dẫn của các gia sư. Năm 15 tuổi, chuẩn bị thi vào Đại học Kazan, ông đã thành thạo tiếng Tatar. Sau đó, Lev Tolstoy tự học ngoại ngữ. Nhà văn nói thành thạo tiếng Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Latinh, Ukraine, Hy Lạp, Bulgaria, dịch được tiếng Serbia, Ba Lan, Séc và Ý. Lev Tolstoy học ngoại ngữ thật dễ dàng, ông nắm vững tiếng Hy Lạp chỉ trong vòng ba tháng. Bà Sofia Tolstaya, vợ nhà văn, kể lại: “Giờ này, L. đang ngồi với một chủng sinh trong phòng khách và học tiết học tiếng Hy Lạp đầu tiên. Bỗng nhiên, anh ấy nảy ra ý định học tiếng Hy Lạp”.

Sau đó, Lev đã có thể đọc tác phẩm của các tác giả Hy Lạp cổ đại (“Anabasis” của Xenophon, “Odyssey” và “Iliad” của Homer) trong nguyên bản. Ba tháng sau khi nhà văn bắt đầu các tiết học, bà Sofia Tolstaya viết: “Từ tháng 12, anh ấy chăm chỉ học tiếng Hy Lạp. Ngồi suốt ngày suốt đêm. Rõ ràng, không gì trên thế giới khiến anh ấy quan tâm hoặc làm cho anh hạnh phúc hơn một từ hoặc một cụm từ trong tiếng Hy Lạp vừa mới học. Trước đây, anh đã đọc Xenophon, giờ đang đọc Platon, rồi “Odyssey” và “Iliad”, và vô cùng ngưỡng mộ”.

Aleksandr Griboyedov

Các nhà văn Nga thành danh nhờ giỏi ngoại ngữ ảnh 2
Aleksandr Griboyedov

Nhà viết kịch, nhà ngoại giao Nga Aleksandr Griboyedov học ngoại ngữ từ thời thơ ấu - đầu tiên dưới sự hướng dẫn của các gia sư nước ngoài, và sau đó, tại trường đại học, nơi ông vào học năm 11 tuổi. Đến lúc này, ông đã biết tiếng Pháp, Đức, Anh, Ý, Hy Lạp và cũng đọc thành thạo tiếng Latinh. Năm 1817, Griboyedov làm phiên dịch ở Bộ Ngoại giao Nga: Để tiến hành các cuộc hội đàm, ông phải học tiếng Ba Tư, tiếng Ả Rập và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Griboyedov có thể đọc tác phẩm của Thucydides (sử gia Hy Lạp), Tacitus (sử gia La Mã), Homer, Horace, Vergilius, Hēsíodos (nhà thơ Hy Lạp) và các tác giảcổ đại khác từ tài liệu gốc.

Trong một bức thư gửi nhà thơ, nhà phê bình văn học Nga Pavel Katenin đề ngày 19/10/1817, Aleksandr Griboyedov viết: “Tạm biệt nhé, bây giờ tôi đi học tiếng Hy Lạp đây. Tôi rất mê ngôn ngữ này, mỗi ngày học từ 4 đến 12 tiếng và đang có nhiều tiến bộ. Đối với tôi, tiếng Hy Lạp không có gì khó”.

Aleksandr Griboyedov cũng coi tiếng Anh không khó học: “Tôi học ngoại ngữ, đặc biệt là các ngôn ngữ châu Âu hầu như không khó khăn gì: Chỉ cần chăm chỉ một thời gian. Nếu bạn muốn hiểu biết thấu đáo về Shakespeare, thì đọc bản dịch không đủ. Bởi, giống như tất cả các nhà thơ vĩ đại, thơ Shakespeare không thể dịch vì nó mang đậm bản sắc dân tộc. Tôi khuyên các bạn nên học thật giỏi tiếng Anh”, Aleksandr Griboyedov nói.

Nikolay Chernyshevsky

Các nhà văn Nga thành danh nhờ giỏi ngoại ngữ ảnh 3
Nikolay Chernyshevsky

Nhà văn,nhà cách mạng dân chủ Nga Chernyshevsky sinh ra trong gia đình một linh mục ở tỉnh Saratov, chính bố ông là thầy giáo đầu tiên của nhà văn tương lai: Ông dạy con trai môn Lịch sử, Toán, Tiếng Hy Lạp và Tiếng Latinh. Những người đương thời nhớ lại rằng, Chernyshevsky có thể đọc Cicero (triết gia La Mã) trong nguyên bản mà không cần dùng từ điển. Tại chủng viện thần học, nơi Chernyshevsky vào học năm 14 tuổi, ông học tiếng Pháp. Một người Đức đi cư đã dạy tiếng Đức cho ông. Một bạn học của Chernyshevsky ở chủng viện nhớ lại: “Kiến thức khoa học của Chernyshevsky rất phong phú. Ông biết các ngôn ngữ: Latinh, Hy Lạp, Do Thái, Pháp, Đức, Ba Lan và Anh. Sức đọc của ông quả là phi thường”.

Chernyshevsky tự học hầu hết các ngoại ngữ. Một thương gia đã giúp ông học tiếng Ba Tư, đổi lại, ông dạy anh ta tiếng Nga. Tổng cộng, Chernyshevsky biết 16 ngoại ngữ.

Konstantin Balmont

Các nhà văn Nga thành danh nhờ giỏi ngoại ngữ ảnh 4
Konstantin Balmont

Nữ thi sĩ Marina Tsvetaeva viết về nhà thơ Konstantin Balmont như sau: “Sau khi học được 16 ngôn ngữ, ông nói và viết bằng ngôn ngữ đặc biệt thứ 17, ngôn ngữ Balmont”. Balmont học ngoại ngữ rất dễ dàng. Ví dụ, ông học tiếng Gruzia để đọc đại thi hào Shota Rustaveli trong nguyên bản. Cho đến bây giờ, bản dịch trường ca “Tráng sĩ khoác da hổ” của ông được coi là một trong những bản dịch hay nhất. Tổng cộng, Balmont dịch được 30 ngôn ngữ, tác phẩm dịch của ông hết sức đa dạng, từ “Bài ca về đạo quân Igor”, một tác phẩm văn học Nga cổ đại, đến “Popol-Vuh”, kinh thánh của bộ tộc da đỏ Maya.

Quả thật, những người đương thời coi nhiều bản dịch của Balmont mang đậm dấu ấn chủ quan. Nhà thơ Korney Chukovsky nói về việc Balmont dịch thơ của nhà thơ Anh Percy Bysshe Shelley như sau: “Balmont không chỉ làm biến dạng những bài thơ của Shelley trong các bản dịch của mình, mà còn thay đổi gương mặt của Shelley, ông đã thêm vào gương mặt tuyệt mỹ của Shelley những đường nét của mình. Kết quả là thu được một gương mặt mới, nửa Shelley, nửa Balmont”.

Theo nữ thi sĩ Nga Nadezhda Teffi, giống như những người biết nhiều ngoại ngữ khác, kiến thức ngoại ngữ của Balmont thật hoàn hảo. Trong thời gian lưu vong Balmont còn học thêm tiếng Séc, đó là ngôn ngữ cuối cùng của ông.

Theo Báo Nga

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ