Cách tính tiền lương dạy thêm giờ

Cách tính tiền lương dạy thêm giờ

* Trả lời: Theo Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 của liên bộ gồm: Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính quy định: Tiền lương của một tháng làm căn cứ tính trả tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo, bao gồm: Mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).

Điều 4 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, hướng dẫn: Công thức tính tiền lương dạy thêm giờ: Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 1 giờ dạy thêm. Tiền lương 1 giờ dạy thêm = Tiền lương 1 giờ dạy x 150%.

Công thức tính tiền lương 1 giờ dạy đối với giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và giáo viên cơ sở dạy nghề được tính như sau: Tiền lương 1 giờ dạy = (Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học/Định mức giờ dạy trên năm) x (Số tuần dành cho giảng dạy (dạy trẻ)/52 tuần).

Số giờ dạy thêm/năm học là căn cứ để tính tiền lương dạy thêm giờ/năm học. Tuy nhiên, việc xác định giờ dạy hay tiết dạy phụ thuộc vào quy định chế độ làm việc đối với giáo viên của từng cấp học.

Đối với cấp phổ thông, chế độ làm việc đối với giáo viên được quy định là tiết dạy (Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 23/6/2017 của Bộ GD&ĐT).

Bên cạnh đó, Khoản 2, Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC đã quy định định mức tiết dạy/năm học đối với giáo viên phổ thông được gọi là định mức giờ dạy/năm.

Căn cứ vào quy định nêu trên, việc thanh toán tiền lương dạy thêm giờ đối với giáo viên phổ thông được tính theo số tiết dạy thêm giờ.

Về nguồn kinh phí: Đối với các cơ sở giáo dục công lập được ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên: Kinh phí thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ do ngân sách Nhà nước bảo đảm và giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước hiện hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ