Cần cách ứng xử văn minh

Việc cô giáo ở Trường Tiểu học và THCS Lộc Giang, huyện Đức Hòa (Long An) bị phụ huynh đánh ngay trên bục giảng, trước mặt hàng chục học sinh chưa kịp lắng xuống, cộng đồng mạng được dịp dậy sóng khi một phụ huynh ở Hải Phòng đưa hình ảnh con học lớp 1 đứng ngoài cổng trường giữa trời nắng lên Facebook. 

Sau giãn cách xã hội do dịch Covid-19, mọi thứ thay đổi rất nhiều. Những khó khăn về kinh tế đè nặng lên vai nhiều ông bố, bà mẹ. Với thầy, trò, việc dạy học trong điều kiện nắng nóng, dồn sức thực hiện chương trình khiến tất cả đều căng thẳng. Công việc càng nặng hơn với giáo viên tiểu học, khi mọi nền nếp, kiến thức được gây dựng trong học kỳ I gần như phải khởi động lại. Lúc này, ngoài chuyên môn rất cần sự nhẫn nại của giáo viên chủ nhiệm, đồng hành của mẹ cha để mọi thứ dần đi vào quỹ đạo, các con đến trường trong niềm hân hoan, học hỏi điều hay lẽ phải.

Trong khi toàn ngành đang nỗ lực để cán đích năm học, những chuyện xảy ra trong môi trường giáo dục không đáng có. Căng thẳng, áp lực trong cuộc sống chẳng loại trừ ai. Điều quan trọng, mỗi cá nhân có đủ kinh nghiệm, bản lĩnh để đối mặt và ứng phó. Có thể ở đâu đó, trong các nhà trường vẫn có giáo viên thực sự chưa lắng nghe, thấu hiểu hoàn cảnh, điều kiện của cha mẹ học sinh để có sự sẻ chia và đồng cảm sau những ngày giãn cách xã hội vì dịch bệnh, công việc bị ảnh hưởng, thu nhập giảm. Nhưng những gì phụ huynh hành xử với người dạy con mình cũng thật đáng trách.

Con trẻ sẽ học được gì khi chứng kiến cha mẹ, người thân lao vào đánh thầy cô đang dạy mình. Hay việc bé lớp 1 phải đứng giữa trời nắng vì đi học sớm, có bao nhiêu phần trăm trong đó là sự thật? Khi mọi việc được phơi bày, trẻ sẽ như thế nào với thầy cô, bạn bè, nghĩ gì về việc làm của cha mẹ.

Còn nhớ cũng tại Long An, hơn hai năm trước, từng xảy ra một vụ việc phụ huynh học sinh xúc phạm giáo viên khiến dư luận dậy sóng. Có lẽ không có cách nào khiến người thầy bị tổn thương, xúc phạm và đau đớn hơn. Còn với những phụ huynh đó, yêu thương con đến đâu thì cũng phải nhìn nhận lại tư cách của bậc làm cha, làm mẹ khi sử dụng bạo lực làm tổn thương, xúc phạm người thầy.

Vẫn biết cần chia sẻ và cảm thông với các bậc phụ huynh trong cuộc sống còn nhiều khó khăn, bức xúc, nhất là tâm lý sau dịch Covid-19 khó khăn nhiều thêm hơn. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc đổ những dồn nén cá nhân đó lên giáo viên và nhà trường. Các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, mình gặp khó khăn thì các thầy cô cũng không thiếu gì áp lực. Nếu ai cũng chỉ vì cá nhân mà không có sự đồng cảm thì thật khó tìm tiếng nói chung trong việc giáo dục trẻ.

Dạy một đứa trẻ trở nên giỏi giang trong học tập đã khó. Giáo dục để trở thành người bình thường, sống tử tế, nhân ái với cộng đồng khó khăn gấp bội. Và chắc chắn rằng, trong hành trình giáo dục ấy, không chỉ có sự nỗ lực của thầy cô, nhà trường mà còn từ phía phụ huynh, với bài học đầu đời về tình yêu gia đình. Đặc biệt, trong xã hội ngày nay, con người ứng xử với nhau cũng cần có sự văn minh. Nếu cả nhà trường, giáo viên và phụ huynh có sự đồng cảm, sẻ chia, biết gặp và nói chuyện với nhau về những khúc mắc, chắc chắn không cần phải nhờ đến cộng đồng mạng phán xét.

Như thế, mọi tổn thương sẽ không đổ lên đầu con trẻ!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ