Chuyên gia: "Thiến hóa học khó khả thi"

Chuyên gia: "Thiến hóa học khó khả thi"

Thảo luận chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em trên nghị trường, ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, đề xuất hình phạt "thiến hóa học".

Ông cho rằng, hình phạt này là cách trừng phạt, khiến kẻ xấu phải chùn chân trước khi phạm tội. Tuy nhiên, tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Nghiên cứu phát triển xã hội, cho rằng giải pháp này khó đạt hiệu quả như mong muốn. 

Bà phân tích, khi đặt vấn đề thiến hoá học để ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em, "tức là cho rằng yếu tố sinh học quyết định hành vi này, kẻ xấu không kiềm chế được bản năng".

"Quan điểm như vậy không thoả đáng. Bởi tất cả mọi người sinh ra đều là sản phẩm của sinh học, nhưng chỉ một số ít người phạm tội xâm hại trẻ em. Vì vậy, phải coi xâm hại trẻ em là vấn đề của giáo dục chưa tốt, ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm", bà Hồng nói. 

Hơn nữa, tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng, khi áp dụng hình phạt này, cần phải tính toán đến chi phí không nhỏ để duy trì việc tiêm chất kháng testosterone, khiến nồng độ testosterone trong cơ thể xuống mức trước tuổi dậy thì, giảm nhu cầu tình dục. Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học y tế Hàn Quốc năm 2013, chi phí tiêm thuốc và giám sát mỗi ba tháng một lần với một người lên đến 5 triệu won mỗi năm (gần 95 triệu đồng). 

"Đồng thời, nhà chức trách phải dự tính đến những tác dụng phụ của thiến hoá học, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người phải chịu hình phạt và gia đình họ phải chăm sóc", bà Hồng nói.

Từ thực tế tiếp xúc, bà Hồng cho biết, nhiều trẻ và gia đình có con bị xâm hại đều mong muốn được nhà chức trách quan tâm, điều tra "đến nơi đến chốn" để tìm được kẻ phạm tội, thực thi nghiêm minh công lý. Nhưng họ cũng rất mong được xã hội tạo điều kiện để tiếp tục sống, không bị kỳ thị. 

"Nhiều nạn nhân mong muốn giảm thiểu những hậu quả của việc bị xâm hại hơn là trả thù kẻ phạm tội. Họ muốn kẻ xấu bị xử lý, nhưng cũng mong câu chuyện của họ được xã hội và truyền thông quên đi nhanh chóng", TS Khuất Thu Hồng nêu vấn đề. 

Vì vậy, bà cho rằng, để phòng chống xâm hại trẻ, nhà chức trách phải tăng cường giám sát, điều tra, đưa ra xét xử các vụ việc để răn đe tội phạm. Đồng thời, người dân cần được tuyên truyền, giáo dục về những hậu quả và hình phạt của hành vi này, để không gây tội ác. Phụ huynh và trẻ cần được trang bị những kỹ năng cần thiết như làm gì nếu trẻ bị xâm hại, bảo vệ chứng cứ, xét nghiệm ở những cơ sở y tế nào, thông báo đến nhà chức trách ra sao... Đây là các giải pháp mang tính căn bản, thay vì thiến hoá học. 

"Quan trọng nhất là nhà chức trách phải tin các nạn nhân, bởi thường các vụ việc xảy ra với trẻ em, nhất là với người chưa đủ trưởng thành, khuyết tật thì thường không được tin cậy. Nhiều vụ việc, họ cũng không thể chứng minh hay đưa ra bằng chứng bởi quá trình giám định y khoa còn bất cập", TS Hồng đề xuất. 

Chung quan điểm, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nói, đề xuất thiến hoá học với người xâm hại tình dục đã có từ mấy năm trước. Tuy nhiên, đề xuất này gây nhiều luồng quan điểm khác nhau. 

"Tôi thấy thiến hóa học không phải là phương án hay để phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục. Bởi lẽ người phạm tội về tình dục đối với trẻ em, hầu hết đều bị phạt tù ở mức rất nghiêm khắc. Vậy làm thế nào để thiến hóa học người đang chấp hành hình phạt tù? Hơn nữa người đang chấp hành hình phạt tù thì không thể xâm hại trẻ được nữa", luật sư Thanh nêu quan điểm. 

Ông phân tích, năm 2019, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành nghị quyết, liệt kê cụ thể những hành vi xâm hại tình dục trẻ em và các tội danh tương ứng như Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. "Nghĩa là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đều sẽ bị xử lý hình sự. Khi họ đã bị xử lý hình sự bằng hình phạt tù rồi thì biện pháp thiến hóa học (không phải là triệt tiêu khả năng tình dục vĩnh viễn) không còn ý nghĩa phòng chống tội phạm này nữa", ông giải thích. 

Để giảm thiểu tội phạm này, ông Giang Hồng Thanh cùng đồng tình rằng nhà chức trách cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ thế nào là xâm hại tình dục trẻ em, các hậu quả pháp lý nặng nề với người phạm tội. 

"Tôi thấy nhiều người, nhất là thanh niên, chưa hiểu biết về việc bản thân sẽ có nguy cơ phạm tội khi quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi dù rằng người đó đồng thuận. Hoặc nhiều người lại chỉ nghĩ rằng họ ôm hôn, đụng chạm vào bộ phận nhạy cảm của trẻ em không phải là vì ham hố tình dục mà chỉ thể hiện tình cảm của người lớn với trẻ nhỏ...", ông Thanh nói và cho rằng qua tuyên truyền, người dân sẽ hiểu rõ hơn về tội phạm này và biết rằng nếu họ vi phạm, sẽ bị xử lý nghiêm.

Ủng hộ đề xuất thiến hoá học với tội phạm xâm hại tình dục tẻ em, nhưng luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) lại băn khoăn, "hình phạt này sẽ được thực hiện như thế nào?". Về pháp lý, muốn áp dụng biện pháp này, Quốc hội cần bổ sung trong Luật và các văn bản pháp luật liên quan. 

"Đây cũng chỉ là một hình phạt giống như các hình phạt khác được quy định tại Bộ luật Hình sự, nhưng có phần nghiêm khắc và đánh vào danh dự, tương lai của người bị trừng phạt hơn, nên khả năng sẽ mang hiệu quả cao trong công tác phòng chống các loại tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em", bà Hương nêu quan điểm. 

Đồng thời, bà đề xuất nhà chức trách cần tăng nặng hình phạt và có biện pháp quản lý nhân thân bằng hồ sơ với người từng phạm tội xâm hại tình dục trẻ em. 

"Cơ quan nhà nước cần nắm tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn và quản lý chặt chẽ số lượng thanh thiếu niên chậm tiến, có tiền án, tiền sự là những người có nguy cơ phạm tội xâm hại tình dục. Nhà chức trách cần phổ biến pháp luật và kỹ năng cho trẻ trong nhà trường, ngoài xã hội. Gia đình cần phối hợp giám sát chặt chẽ và quản lý trẻ đặc biệt là trẻ gái...", luật sư Hương nói. 

Theo New York Times, thiến hóa học là việc dùng hóa chất để giảm lượng testosterone trong cơ thể, từ đó tác động tới ham muốn tình dục của người được điều trị. Tại Mỹ, bác sĩ dùng chất medroxyprogesterone acetate để thực hiện thiến hóa học cho người phạm tội tình dục trong hơn 50 năm. Quy trình này không gây vô sinh và không có hiệu quả vĩnh viễn.

Hiện, ít nhất 8 bang và vùng lãnh thổ ở Mỹ (gồm California, Florida, Guam, Iowa, Louisiana, Montana, Wisconsin và Alabama) cho phép buộc một số tội phạm tình dục phải dùng thuốc ức chế testosterone như là điều kiện của việc phóng thích hoặc giám sát.

Tuy vậy, việc áp dụng luật thiến hóa học trong thực tiễn không thường xuyên. Trong tháng 6/2019, bang California chỉ có hai người đang bị quản chế được thiến hóa học.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ