“Chuyển thể” truyện thành thơ

“Chuyển thể” truyện thành thơ

Dạy truyện bằng thơ

Với mong muốn các em học sinh nắm được cái “hồn”, cũng như giá trị sâu sắc của tác phẩm văn học, cô Lê Ngọc Giàu (SN 1981, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Trung Trực, Thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) đã “chuyển thể” những tác phẩm dài hay những tác phẩm khó hiểu trong chương trình thành thơ theo cảm nhận, cảm xúc của bản thân cô.

Vốn là giáo viên dạy môn Ngữ văn, tình yêu thơ văn thấm đẫm vào tâm hồn cô từ những ngày còn đi học. Cho đến khi ra trường đi dạy, trong một lần xem trên tivi phát sóng chương trình nói về ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, đỉnh điểm cảm xúc thơ tuôn trào trong cô. Chỉ trong vòng khoảng 35 - 40 phút, cô Giàu đã làm được 2 bài thơ nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Thời gian sau đó, cô cho ra đời nhiều tác phẩm như vậy ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nói về việc “chuyển thể” từ truyện thành thơ áp dụng vào môi trường học đường, cô Giàu cho biết, trong thời gian dài nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19, cô thấy học sinh ở nhà chơi tô màu nên nảy sinh ra ý tưởng vẽ phác họa cho những bài thơ mà cô “chuyển thể” nhằm tạo sự mới lạ trong phương pháp giảng dạy.

Cô Lê Ngọc Giàu chia sẻ: “Theo tôi, tuổi trẻ thông thường thích những tranh ảnh màu mè. Tôi nghĩ khi mình viết tay sẽ dễ chạm vào trái tim của các em hơn và cũng mong muốn các em nhìn vào để suy ngẫm, trân trọng hơn những sản phẩm của mình, rèn cho các em sự tỉ mỉ”.

Mỗi sản phẩm cô Giàu “ra mắt” trong mùa dịch đều chứa đựng cả tâm huyết của mình, kèm theo đó là những lời nhắn cũng không kém phần dễ thương, nhí nhảnh như: “Cùng khởi động ôn bài bằng thơ cho ngày mai “trở lại thật lợi hại” nhé” hay “những cảm xúc đánh rơi thành thơ!. Vẫn kèm theo những hình ảnh minh hoạ nhỏ xíu…”.

“Chuyển thể” truyện thành thơ ảnh 1
Cô Lê Ngọc Giàu. Ảnh: NVCC

Cô giáo có tấm lòng thiện lành

Cô Giàu nói tiếp: “Trong lớp, có nhiều học sinh năng lực cảm thụ văn học còn hạn chế, một số em tiếp thu chậm, làm chất lượng dạy học trong tiết đó cũng bị chậm nhịp. Thế nhưng, kể từ khi “dụ” các em bằng những vần thơ thì tiết học trở nên sôi nổi và mới mẻ hơn. Từ đó, thành quả lao động của tôi không chỉ được học sinh yêu thích mà quý phụ huynh cũng rất ngưỡng mộ. Thật sự, tôi cảm thấy rất thích thú. Nó giống như mình tìm được tri âm…”.

Khi thấy chúng tôi tò mò về tác phẩm “Tấm Cám”, cô Giàu cho biết cô đã “chuyển thể” truyện này thành 2 bài thơ: Một bài là kể lại chặng đời của cô Tấm có những sự kiện nào diễn ra để các em dễ nhớ, dễ nắm bắt tác phẩm và vận dụng viết bài văn tự sự; bài còn lại là nói về giá trị giáo dục cùng với đó là những lời khuyên các em học sinh cần phải rút ra bài học từ những tác phẩm dân gian.

Cuối dòng bài 2 (chặng đường 2) tác phẩm “Tấm Cám”, cô Giàu viết: “Cổ tích diệu kỳ cho ta những điều hay/ Bài học giản đơn mà tuyệt vời sâu sắc/ Ta hãy nhớ khi cuộc đời bất trắc/ Cứ THIỆN LÀNH - HẠNH PHÚC ắt về ta”.

“Chuyển thể” truyện thành thơ ảnh 2
Trường THPT Nguyễn Trung Trực, nơi cô Giàu công tác, giảng dạy 16 năm qua.

Theo cô Lê Ngọc Giàu, trong số những bài thơ “thời dịch Covid-19”, cô cảm thấy ấn tượng, ưng ý nhất chính là bài “em người vợ nhặt” được chuyển thể từ tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân viết về thời kỳ xảy ra nạn đói năm 1945. Cô thích vì đơn giản chỉ là cô cảm thấy thương xót cho số phận của nhân vật.

“Bởi, truyện đã thể hiện rõ giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc, khẳng định khát vọng sống mãnh liệt của con người, đồng thời phát hiện, trân trọng và ngợi ca vẻ đẹp con người dù có rơi vào cảnh khốn cùng họ vẫn khát khao hạnh phúc, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Trong nạn đói khi những giá trị vật chất trở nên xa xỉ thì tình thương sự cảm thông đã khiến con người sống nhân văn hơn, hoàn thiện hơn”, cô Giàu nói.

Thầy Đoàn Thanh Ngọt, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực cho hay, trong quá trình công tác, cô Lê Ngọc Giàu rất nhiệt tình trong giảng dạy, cũng như trong chuyên môn. Mỗi tiết dạy, cô đều truyền cảm hứng mới cho các em, do đó có rất nhiều học sinh thích học môn Văn của cô.

“Với vai trò Tổ phó chuyên môn, cô Giàu thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp, nhất là những giáo viên trẻ mới ra trường. Ngoài ra, cô luôn hòa đồng với mọi người và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chính sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, cô Giàu là một trong những giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, những học sinh được cô Giàu bồi dưỡng đi thi học sinh giỏi đều đạt giải cao”, thầy Ngọt chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ