Cơ sở vật chất thực hiện Chương trình GDPT mới: Chạy đua để kịp tiến độ

Cơ sở vật chất thực hiện Chương trình GDPT mới: Chạy đua để kịp tiến độ

Bên cạnh đó, các địa phương cũng rốt ráo tập trung đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng GV và cung cấp thiết bị dạy học để triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 1.

Trường, lớp cơ bản hoàn tất

Do đặc thù về điều kiện kinh tế, xã hội nên việc đầu tư xây dựng trường lớp ở ĐBSCL còn nhiều khó khăn. Nhiều địa phương, phòng học được xây dựng qua các thời kỳ, diện tích phòng học khác nhau. Do đó, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng trường lớp gặp không ít khó khăn. Việc thực hiện dồn dịch điểm trường lẻ, sắp xếp lại cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ còn vướng mắc đối với vùng sâu, vùng xa. 

Giải pháp được các địa phương lựa chọn là tổ chức rà soát, bố trí, sắp xếp lại cơ sở vật chất hiện có nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, ưu tiên bố trí đủ 1 phòng/lớp cho lớp 1. Lập kế hoạch chi tiết tăng cường cơ sở vật chất, trường, lớp học đáp ứng điều kiện tối thiểu để thực hiện chương trình mới (ưu tiên bảo đảm 1 lớp/phòng cho bậc tiểu học và các phòng chức năng). Từ đó, đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025…

Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học. Tỉnh sắp xếp lại trên 50 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS. Trên cơ sở kết quả rà soát sẽ điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng. Xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học (bảo đảm 1 lớp/phòng cho bậc tiểu học từ năm 2020 - 2024), đủ điều kiện thực hiện Chương trình GDPT mới.

Theo ông Tạ Thanh Vũ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, Sở có dự báo, dự tính về số lượng học sinh, giáo viên, nhất là đối với học sinh lớp 1, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Từ đó, tiến hành xây dựng kế hoạch, đặc biệt là xây dựng Đề án đầu tư xây dựng, quy hoạch trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho lớp 1 trong năm học 2020 - 2021…

Để chuẩn bị Chương trình GDPT mới, từ năm học 2018 - 2019, tỉnh Tiền Giang đầu tư cơ sở vật chất trường học với tổng kinh phí 2.516 tỷ đồng. Tỉnh Cà Mau từ đầu năm học 2019 - 2020 xóa thêm 35 điểm trường lẻ không còn phù hợp, nâng tổng số điểm trường lẻ đã xóa lên 234 điểm và giảm 18 trường sau khi có chủ trương sắp xếp trường, lớp học. 

Tỉnh đang triển khai xây dựng, quy hoạch trường lớp, mua sắm trang thiết bị để phục vụ cho lớp 1 trong năm học 2020 - 2021: Bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học để thực hiện có hiệu quả chương trình mới; Các trường mầm non, phổ thông có đủ 1 phòng học/lớp. Tiến tới không còn điểm lẻ, xóa toàn bộ phòng học xuống cấp, phòng học tạm…

Cơ sở vật chất thực hiện Chương trình GDPT mới: Chạy đua để kịp tiến độ ảnh 1
Cô, trò Trường TH Trà An, quận Bình Thủy (Cần Thơ) trong giờ học. Ảnh: Q. Ngữ

Rà soát, mua sắm trang thiết bị

Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học bảo đảm cho việc triển khai Chương trình GDPT mới ở lớp 1. Còn một vài địa phương thừa, thiếu cục bộ về phòng học, Sở GD&ĐT sẽ làm việc với UBND địa phương để tháo gỡ. Tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% lớp 1 sẽ được học 2 buổi/ngày trong năm học 2020 - 2021.

Ông Trần Thanh Liêm,
Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp

Hiện phòng GD&ĐT và trường tiểu học tại các tỉnh ĐBSCL rà soát thực trạng thiết bị dạy học, phân loại thiết bị còn sử dụng được; thiết bị hư hỏng nhưng có thể cải tạo, sửa chữa và thiết bị hư hỏng hoàn toàn. Căn cứ kết quả rà soát, Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm bổ sung, ưu tiên thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 1… Như tỉnh Đồng Tháp, tính riêng năm 2020 tăng cường cơ sở vật chất cho trường lớp là 316 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư cho bậc tiểu học 126,2 tỷ đồng (270 phòng học, 274 phòng chức năng); mua sắm thiết bị 62,28 tỷ đồng; SGK và thiết bị dạy học lớp 1 là 13,67 tỷ đồng…

Theo ông Đoàn Văn Trí, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), chương trình mới chú trọng nâng cao kỹ năng thực hành cho học sinh, do đó cần đủ thiết bị dạy học tối thiểu. Hiện các trường học hoàn tất công tác rà soát thiết bị dạy học, báo cáo Phòng GD&ĐT tổng hợp gửi Sở GD&ĐT. Bên cạnh đó, phòng cũng khuyến khích các trường, giáo viên tự làm thiết bị dạy học đơn giản bằng những vật liệu có sẵn… Bảo đảm mục tiêu khai thác, sử dụng thiết bị phục vụ dạy và học hiệu quả, đúng, đủ, tránh tình trạng lãng phí.

Tuy nhiên, việc triển khai chương trình mới, tổ chức học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Hiện một số địa phương còn gặp khó về cơ sở vật chất, trường lớp. Như TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), một số trường còn thiếu phòng chức năng, nguyên nhân do trước đó mượn tạm phòng học để làm phòng chức năng. Một số trường không nằm trong lộ trình đầu tư để đạt kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia nên chưa có kinh phí hoặc dự kiến xây dựng ở giai đoạn 2. 

Theo ông Nguyễn Văn Ngợi, Trưởng phòng GD&ĐT TP Cao Lãnh, khắc phục những khó khăn này, phòng đề ra phương án sáp nhập điểm trường có quy mô nhỏ, phù hợp với điều kiện thực tế. Tiếp tục tham mưu xây dựng cơ sở vật chất các trường, bảo đảm thực hiện 100% học sinh học 2 buổi/ngày từ lớp 2 đến lớp 5 theo lộ trình

TP Cần Thơ, trung tâm của vùng ĐBSCL cũng gặp khó trong trong quy hoạch phòng học 2 buổi/ngày, vì khi thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 1 cần bố trí 1 phòng học/lớp. Qua thống kê, thành phố còn thiếu khoảng 400 phòng học phục vụ cho lớp 2 buổi/ngày. Về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đối với lớp 1 đáp ứng yêu cầu cho năm học 2020 - 2021, nhưng trong 5 năm tới khi triển khai 100% lớp bậc tiểu học, cần bổ sung thêm giáo viên cho một số môn học như Tin học, Ngoại ngữ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ