Cùng con vượt qua áp lực mùa thi

GD&TĐ - Chuyện học hành, thi cử không chỉ là nỗi ám ảnh của các cô, cậu học trò, mà cả với những ông bố, bà mẹ có con thi chuyển cấp. Nhiều bậc cha mẹ kì vọng con mình đỗ đạt cao, vào những trường chuyên, lớp chọn nên đã luôn bắt trẻ phải dành nhiều thời gian hơn cho học tập. Thế nhưng hi vọng của bố mẹ đang tạo áp lực lên con cái.

Cùng con vượt qua áp lực mùa thi

Con ôn thi - cha mẹ căng thẳng

Lo lắng cho cậu con trai chuẩn bị thi lên THPT, anh Lê Văn Toản có con đang học Trường THCS Hoàng Liệt (Hà Nội) tâm sự: “Năm nay con thi lên cấp 3, tôi lo lắng vô cùng, lo từ chuyện đăng ký cho con học trường nào để phù hợp với lực học của con. Tôi thường xuyên hỏi han chuyện học hành ở lớp, ở trường để thể hiện sự chăm sóc, quan tâm. Tôi thấy con có vẻ cũng căng thẳng mà tôi không biết làm thế nào giúp con giảm bớt gánh nặng về mặt tâm lý”.

Chị Nguyễn Thị Thu (Đống Đa, Hà Nội) có con chuẩn bị thi đại học cho biết: “Mặc dù năm nay là năm thứ hai các con thi theo hình thức mới nhưng tôi cũng rất lo. Tôi phải tìm hiểu thêm những thông tin về kỳ thi được cập nhật trên mạng internet và sự tư vấn của giáo viên chủ nhiệm. Tôi thường khuyên con cố gắng học tốt để được vào trường nọ trường kia để con luôn cố gắng. Nhiều lúc thấy con chỉ xem ti vi, tôi lại nhắc nhở con học bài, không biết có tạo nên áp lực cho con hay không, nhưng nếu không nhắc nhở thì con không có ý thức học bài”.

Hầu hết các bậc cha mẹ đều đặt kì vọng rất lớn với các con là phải đỗ trường nọ trường kia. Nhưng cũng chính vì mong muốn ấy, không ít phụ huynh đã vô tình tạo áp lực cho con bằng nhiều cách khác nhau. Những áp lực tâm lý nặng nề này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động nghiêm trọng đến tinh thần của các em.

Tôn trọng ước mơ con trẻ

Theo một nghiên cứu mới đây của nhóm sinh viên ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội tiến hành với các học sinh lớp 12 trên địa bàn Hà Nội, có đến 85% số học sinh luôn căng thẳng tinh thần do áp lực của việc học tập, các kỳ thi, kiểm tra. Và có hơn 36% học sinh được hỏi cho biết lo lắng nhất của họ chính là việc phải thi đỗ đại học.

Theo PGS. TS. NguyễnThị Phương Hoa, Bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội cho biết, trong thời gian ôn thi và sắp thi, các con thường dễ bị thương tổn tâm lý nên rất cần được sự quan tâm, đồng hành, gần gũi của cha mẹ để vơi đi những lo lắng. Việc định hướng và đặt ra những mục tiêu để con phấn đấu cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, sự lo âu thái quá có thể trở thành bệnh lý khi khả năng tập trung giảm đi, khiến kiến thức trở nên lộn xộn, hiệu quả thi sẽ kém. Điều đáng nói hơn là áp lực từ gia đình khiến các em dần mất đi sự tự chủ, tự tin của bản thân, gây tổn thương sâu sắc trong suy nghĩ và nhận thức.

TS Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng: Các bậc phụ huynh nên quan tâm nhiều đến chế độ dinh dưỡng cho các em. Chế độ dinh dưỡng đủ chất, giúp bồi bổ trí nhớ, ổn định tâm lý, tránh căng thẳng. Dù có đặt nhiều kỳ vọng vào các em, nhưng cũng đừng bộc lộ những suy nghĩ và cảm xúc của mình, vì sẽ tạo thêm áp lực đối với các em.

Chuyên gia tâm lý khuyên, bố mẹ nên là một người bạn, cùng con giải tỏa căng thẳng học hành bằng những bữa cơm ngon, cùng nhau xuống bếp thư giãn, cùng xuống phố, dạo chơi hay xem phim, tham gia một hoạt động nào đó mà con yêu thích... Nên tạo cho con một không gian thoải mái, không quá nặng nề về thành tích; đồng thời, động viên, nhắc nhở con cố gắng trong khả năng của mình. Từ đó, con sẽ không còn cảm thấy áp lực học hành quá nặng nề, căng thẳng.

“Tôi quan niệm con làm gì cũng được, có thể là lái xe chở rác, làm thợ, miễn sao phải sống cho đàng hoàng. Tôi rất sợ con gặp vấn đề về tâm lý nên luôn giữ cân bằng cho con bằng những tình huống hài hước nhất” - PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa nhắn nhủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ