Đại biểu Quốc hội: Yên tâm với kết quả xã hội hóa biên soạn SGK

Đại biểu Quốc hội: Yên tâm với kết quả xã hội hóa biên soạn SGK

Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh - nhấn mạnh điều này, khi trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại bên hành lang Quốc hội sáng 25/5.

Tin tưởng chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK

"Cả 5 bộ SGK lớp 1 được thực hiện theo chủ trương xã hội hóa, đều là sản phẩm của những nhà khoa học, tri thức, có kinh nghiệm trong biên soạn sách giáo khoa (SGK) và đã được Hội đồng thẩm định làm việc nghiêm túc, chịu trách nhiệm trước xã hội nên các ĐBQH khá yên tâm" - đại biểu Ngô Thị Minh.

Đại biểu Ngô Thị Minh viện dẫn: Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đã nêu rõ: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Bộ GD&ĐT ban hành tiêu chí đánh giá SGK và phê duyệt SGK được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng SGK.

Theo đại biểu, khi xây dựng Nghị quyết, do Quốc hội lo lắng về kết quả xã hội hóa việc biên soạn SGK không được như mong muốn, vì chúng ta chưa có tiền lệ thực hiện việc này nên nhiều đại biểu Quốc hội mong muốn Bộ GDĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK, để chủ động trong mọi tình huống.

Tuy nhiên, vừa qua việc triển khai xã hội hóa biên soạn SGK đã thu hút được nhiều nhà khoa học, tri thức, những người có kinh nghiệm trong biên soạn SGK, đặc biệt đã thu hút 3 nhà xuất bản có uy tín như: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh vào cuộc. Đây là sự cố gắng rất lớn của Bộ GD&ĐT và 3 nhà xuất bản cùng các tác giả trực tiếp biên soạn SGK.

Kết quả, chúng ta đã có 5 bộ SGK lớp 1 đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK khẳng định, 5 bộ sách này có nội dung và hình thức tốt, đủ điều kiện để phát hành. Các cơ sở giáo dục không nhất thiết phải chọn hoàn toàn bộ SGK của một nhà xuất bản, mà có thể chọn quyển này của đơn này và quyển khác của đơn vị khác.

Qua quá trình làm việc và giám sát, Đại biểu Ngô Thị Minh cho hay, đến thời điểm này, đại biểu tin tưởng chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK đã thành công bước đầu” và cả 5 bộ sách xã hội hóa đều là sản phẩm của những nhà khoa học, tri thức, có kinh nghiệm và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Đại biểu Quốc hội: Yên tâm với kết quả xã hội hóa biên soạn SGK ảnh 1
ĐBQH Ngô Thị Minh. Ảnh: TG

Giải pháp đột phá để chống độc quyền về SGK

Đại biểu Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Qua nắm bắt thông tin, các cơ sở giáo dục đều hào hứng, phấn khởi và ghi nhận chất lượng SGK mới. Về giá cả của mỗi bộ SGK, ĐB cho rằng, giá sách khoa mới khá phù hợp.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, bộ SGK giá thấp nhất là 179 nghìn/bộ; bộ cao nhất là 199 nghìn/bộ. Với bộ sách có giá 199 nghìn, bao gồm cả sách điện tử… Giá sách này tuy cao hơn so với giá SGK hiện hành nhưng vì sự đầu tư lớn hơn, số quyển sách trong mỗi bộ nhiều hơn (bộ cũ có 6 quyển, bộ mới 10 quyển) và lại được in 4 màu, phù hợp với tri thức SGK đề cập, bảo đảm sự hấp dẫn cho học sinh và được in trên nền giấy đẹp, kích cỡ sách rộng hơn...

“ĐBQH rất ghi nhận và trân trọng kết quả của công tác xã hội hóa việc biên soạn SGK, được Bộ GDĐT chỉ đạo triển khai khá bài bản, đúng quy trình các bước, tạo niềm tin cho nhân dân” – đại biểu Ngô Thị Minh nói.

Khẳng định, việc xã hội hóa biên soạn SGK chính là giải pháp đột phá để chống độc quyền về SGK, đại biểu Ngô Thị Minh cho rằng: Nhà nước cần sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ, cung cấp SGK cho các cơ sở giáo dục để cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật phải học SGK chữ nổi hoặc cần người trợ giúp học sinh bị khiếm thính, khiếm thị... được mượn SGK hoặc có chính sách miễn phí, trợ giá cho các nhóm học sinh con các hộ nghèo, cận nghèo, các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, Chính phủ cần sớm ban hành “cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng SGK” theo quy định của Nghị quyết 88.

“Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ, có báo cáo gửi ĐBQH về việc thực hiện Nghị quyết 88, trong đó có nội dung về việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK. Nếu xuất hiện thêm bộ SGK của Bộ GD&ĐT lúc này có thể sẽ ảnh hưởng tới công tác xã hội việc biên soạn SGK, rất cần Bộ GD&ĐT xem xét thấu đáo” Đại biểu Ngô Thị Minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ