Dạy truyện ngắn Chí Phèo từ góc nhìn không gian nghệ thuật

Dạy truyện ngắn Chí Phèo từ góc nhìn không gian nghệ thuật

Tuy nhiên, hầu hết những cách tiếp cận và giảng dạy truyện ngắn Chí Phèo trước đây và hiện nay chủ yếu chỉ tiếp cận từ phương diện nội dung, từ nhân vật mà chưa chú ý đúng mức tới phương diện không gian nghệ thuật của tác phẩm. 

Vì vậy, tiếp cận và giảng dạy tác phẩm từ góc nhìn không gian nghệ thuật là một hướng đi khá mới mẻ và có nhiều triển vọng.

1. Căn cứ vào tác phẩm truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, chúng ta có thể mô hình hóa không gian nghệ thuật trong tác phẩm theo sơ đồ sau:

Dạy truyện ngắn Chí Phèo từ góc nhìn không gian nghệ thuật ảnh 1

2. Do dung lượng sách giáo khoa, thời lượng chương trình và những đặc thù trong giáo dục, tác giả soạn sách đã lược bớt đi một số đoạn trong tác phẩm để phù hợp với khoảng 3 tiết dạy chính khóa. Trên căn cứ ấy, hệ thống không gian phức hợp với nhiều điểm nhìn, nhiều khoảng không gian… của truyện ngắn Chí Phèo đã được chúng tôi hệ thống lại trong ba khoảng không gian chủ yếu: không gian làng Vũ Đại; không gian túp lều ven sông; không gian nhà Bá Kiến.

Dựa trên hướng tiếp cận ấy, chúng tôi nhận thấy kiểu không gian đặc biệt trong truyện ngắn Chí Phèo không phải là kiểu không gian bối cảnh, không gian sự kiện (cho dù nó xuất hiện với tần số khá lớn trong văn bản) mà đó là kiểu không gian tâm lí, không gian thân phận. Chúng tôi tạm gọi đó là kiểu không gian cô đơn. Dưới hướng tiếp cận từ góc nhìn không gian cô đơn này, chúng tôi nhận thấy, dẫu Chí Phèo xuất hiện trong khoảng không gian nào, anh ta cũng gắn liền với nỗi cô đơn đến tột bậc. 

Dù trước mắt và trước mặt Chí là cả làng Vũ Đại hay Bá Kiến và nhiều người khác nữa … thì anh ta vẫn là một kẻ cô đơn, cô độc, không ai cảm, không ai hiểu, không ai thấu cho thân phận và mảnh đời của Chí. Và có lẽ một trong những dụng ý của nhà văn Nam Cao khi để cho nhân vật của mình ngụp lặn trong kiểu không gian cô đơn ấy là để lí giải cho sự tha hóa trong nhân tính của Chí và cả cái kết thúc đầy đau đớn, dữ dội và bi thảm của một con người. 

Không gian cô đơn, bởi thế đã góp phần chuyển tải những bài học triết lí muôn thuở về thân phận con người: sự thờ ơ, lãnh đạm đến vô cảm của cộng đồng là một lực đẩy vô hình và vô tình có thể đẩy một con người vào bóng tối của tội ác; sự ngoảnh mặt làm ngơ của xã hội trở thành một lực cản, một chướng ngại vật tàn bạo cản trở con đường hoàn lương của những con người đã từng có một quá khứ tội lỗi (mà có thể tội lỗi ấy cũng chỉ là sự định danh sai lầm của một phiên tòa, một cá nhân … nào đó chứ tội lỗi ấy chưa chắc đã có thực …), nhưng cao hơn hết vẫn là bài ca của niềm tin vào bản tính lương thiện của con người. Những bài học nhân sinh ấy chính là những triết lí có giá trị muôn đời đối với bất cứ dân tộc nào trên thế giới.

Tiếp cận theo hướng ấy, theo chúng tôi mới thấy được hết tầm vóc của nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn Nam Cao; thấy được khả năng đi trước thời đại và sự am hiểu vô cùng sâu sắc về tính cách, về thân phận con người của nhà văn; thấu hiểu hơn ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung khi nói về truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao): vấn đề đặt ra trong Chí Phèo không đơn thuần là vấn đề nông dân mà cốt lõi vẫn là vấn đề con người!

3. Một vài gợi mở các hoạt động dạy truyện ngắn Chí Phèo từ góc nhìn không gian nghệ thuật (tiết 1)

Hoạt động 1: Tạo tâm thế đọc

Giáo viên tổ chức một cuộc thi nhỏ (khoảng 3 – 5 phút) giữa các nhóm để tìm tên những tác phẩm của nhà văn Nam Cao được nhắc đến trong đoạn văn sau:

Trong tiết trời cuối thu, trăng sáng dát bạc lên khu vườn chuối ven sông. Trong căn nhà nhỏ, Chí Phèo lặng ngắm không gian bàng bạc ánh trăng. Vợ anh, thị Nở đang căn dặn con bài học quét nhà, công việc đầu tiên thị dạy cho đứa trẻ lên sáu. Khung cảnh yên bình và cảm động. Cuộc sống dẫu còn đó những vất vả nhưng đã không còn nỗi lo chạy vạy để kiếm được một bữa no cho các con. Bất giác, Chí Phèo nhớ lại một cuộc sống mòn mỏi, triền miên trong cơn say vô tận của một con quỷ dữ trước kia. 

Đó quả thực là một cuộc đời thừa thãi, vô nghĩa lý. Bên kia sông, phía xa xa là ánh lửa quây quần hạnh phúc của cha con lão Hạc, người láng giềng thân thiết của anh. Bất giác, đôi mắt Chí ầng ậc nước. Lòng tốt con người quả thực kì diệu. Nó đưa ta trở về với những nẻo đường hoàn lương, sống xứng đáng hơn với hai chữ con người, hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh và hùng tráng xiết bao!

Hoạt động 2: Tìm hiểu tri thức đọc

Quan sát những bức hình sau:

Dựa vào phần Tiểu dẫn ở SGK, em hãy cho biết, mỗi bức hình gắn liền với tên gọi nào của tác phẩm Chí Phèo? Giải thích ngắn gọn ý nghĩa của từng cách đặt tên?

Hoạt động 3: Đọc hiểu

3.1. Sơ đồ hóa và yêu cầu học sinh tóm tắt văn bản

3.2. Yêu cầu học sinh trình bày các cách đọc hiểu một văn bản truyện ngắn hiện đại

3.3. Chí Phèo trong không gian của làng Vũ Đại

3.3.1. Giáo viên cho học sinh xem một trích đoạn về tiếng chửi của Chí Phèo trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy của đạo diễn Phạm Văn Khoa

3.3.2. Sử dụng phương pháp làm việc theo nhóm: Giáo viên chia lớp thành 04 nhóm, mỗi nhóm có 04 bàn, mỗi bàn có từ 2-3 học sinh, sắp xếp theo sơ đồ sau:

- Giáo viên giao câu hỏi cho mỗi nhóm

- Các nhóm thảo luận, tranh luận để tìm ra kiến thức mới

3.3.3. Trên cơ sở 4 nhóm đã chia, giáo viên tổ chức một cuộc thi thuyết trình giữa các nhóm về mối quan hệ, ý nghĩa được gợi ra từ khung hình và sơ đồ của truyện ngắn Chí Phèo sau đây:

Hoạt động 4: Củng cố, vận dụng, nâng cao

Giáo viên yêu cầu học sinh theo các nhóm đã chia suy nghĩ tiếp những vấn đề:

1.4. Nếu làng Vũ Đại hôm ấy có một người nào đó “gây sự” với Chí Phèo bằng cách đáp lại, em nghĩ câu chuyện có thể sẽ diễn ra như thế nào? (Tạo lập thành đoạn văn 200 chữ; thảo luận và tranh luận với các nhóm khác)

2.4. Nét độc đáo của Nam Cao trong việc xây dựng hình tượng Chí Phèo: số phận, ngoại hình, tính cách …? (Tại sao có người lại nhận định: Nhân vật Chí Phèo được Nam Cao xây dựng trở thành một người “vừa lạ vừa quen biết” ?)

Giảng dạy theo những mô hình giáo án mới góp phần hình thành cho học sinh những năng lực quan trọng trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay. Tuy nhiên, những giáo án này không đặt nặng yêu cầu về kiến thức hàn lâm nên dễ có sự vênh lệch so với đề thi nặng kiến thức như hiện nay. Bởi thế, sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh đỏi hỏi phải có những sự thay đổi đồng bộ trong đề thi, trong kiểm tra đánh giá mới có thể đạt được kết quả như mong đợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.