Để những cánh rừng Tây Bắc thêm xanh

GD&TĐ - Mấy năm trở lại đây, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) quan tâm đúng mức. Đã có những cộng đồng dân cư thực sự thiết tha với công tác trồng và bảo vệ rừng, nhờ đó mà các cánh rừng đã dần “xanh” trở lại. 

Những cánh rừng ở Mường Ảng đang xanh trở lại
Những cánh rừng ở Mường Ảng đang xanh trở lại

Điểm sáng trong bảo vệ rừng

Trong chuyến công tác gần đây, tôi có dịp theo chân tổ xung kích bảo vệ rừng (BVR) của bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng đi kiểm tra những cánh rừng do xã quản lý. Luồn lách khắp các sườn núi, lưng đồi trùng điệp mới thấy được những gian lao, vất vả mà bà con nơi đây đã và đang phải trải qua. Thế mới lại thấy thêm chân quý những cánh rừng còn sót lại sau thời gian mà cả cấp ủy, chính quyền cơ sở phải vật lộn, đấu tranh với lâm tặc để giữ rừng. Hoạt động này được tổ chức thường xuyên để ngăn chặn những ai có hành vi chặt phá rừng làm rẫy và khai thác gỗ trái phép.

Tổ xung kích BVR của Cha Nọ có 15 thành viên là trưởng các đoàn thể và lực lượng dân quân tự vệ, do trưởng bản đứng đầu. Hàng năm, trưởng bản cùng tổ xung kích BVR của Cha Nọ thường tổ chức các buổi họp bản để các hộ dân ký cam kết bảo vệ, giữ rừng, không phát rừng làm nương rẫy. Họ còn tuyên truyền cho người dân khi muốn đốt nương cần báo với trưởng bản để cử người đi kiểm tra, kịp thời dập lửa khi có dấu hiệu lan sang rừng. Tuy rừng ở Cha Nọ chủ yếu là rừng sản xuất, gần khu dân cư, thậm chí nhiều hộ dân sinh sống dưới tán rừng, song trong nhiều năm trở lại đây nơi này chưa từng xảy ra vụ cháy rừng nghiêm trọng nào.

“Trước kia thì bà con dân bản cứ thích gì thì làm đấy. Người lên rừng chặt củi, người thì đốt nương bừa bãi rồi gây ra cháy. Từ khi thành lập đội xung kích, họ đã tuyên truyền cho nhân dân để hiểu rõ tầm quan trọng của công tác BVR. Dần dần thì bà con cũng hiểu và công tác BVR cũng dần hiệu quả hơn”, ông Quàng Văn Chiến - Trưởng bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở, Huyện Mường Ảng tâm sự.

Ẳng Tở hiện có tổng diện tích tự nhiên gần 6.000 ha, trong đó đất lâm nghiệp là hơn 2.800 ha, chủ yếu là rừng sản xuất, được giao cho 8 cộng đồng, 56 nhóm hộ gia đình và cá nhân quản lý. Ở các bản đều đã xây dựng được hương ước quản lý, BVR, trong đó quy định cụ thể quyền lợi được hưởng và nghĩa vụ của mọi người dân trong bản đối với công tác quản lý, BVR và phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng. Từ đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, nhiều mô hình sản xuất phát triển kinh tế trang trại xuất hiện làm kinh tế từ nghề rừng bước đầu có thu nhập.

“Chúng tôi tổ chức kí cam kết giữa chủ tịch UBND xã và các tổ BVR ở các bản. Ở các tổ thì thành lập các tổ đội PCCC rừng. Phát huy vai trò của trưởng bản, các ban ngành của bản. Đây là đội xung kích phát hiện sớm nhất nguy cơ xảy ra cháy. Huy động lực lượng tại chỗ, báo chính quyền để huy động lực lượng nhiều hơn nếu cần thiết. Công tác này triển khai hiệu quả và gần 20 năm nay không xảy ra cháy rừng. Việc chấp hành quy ước ở các bản rất nghiêm túc”, bà Lường Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng cho biết.

Bỏ nương... để trồng rừng

Xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân, thế nên trong những năm qua, huyện Mường Ảng đã thực hiện việc kiện toàn, củng cố tổ chức BVR, PCCC rừng từ huyện đến cơ sở. Lực lượng tham gia BVR cũng không ngừng phát triển. Huyện đã duy trì hoạt động của 139 tổ, đội với hơn gần 1.500 người tham gia.

“Hàng năm, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể, sát với tình hình thực tế. Về phía chúng tôi thì thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền 10/10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tổ chức phân công nhiệm vụ cho các đồng chí có liên quan, theo dõi, chỉ đạo phương án khi có sự vụ xảy ra. Riêng lực lượng kiểm lâm chúng tôi cũng thành lập các chốt để tuần tra, kiểm soát”, ông Đỗ Tiến Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Ảng cho biết.

Ông Mai Văn Liệu, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Ẳng Cang là người đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề bảo vệ rừng. Ông còn nhớ như in những cuộc gọi bất ngờ lúc nửa đêm mỗi khi có tin phá rừng hay cháy rừng xảy ra. Cứ mỗi lần như thế, anh em “chiến hữu” lại lên rừng bất kể thời tiết đang diễn biến thế nào. Giờ đây, ông Liệu thấy vui hơn lúc nào hết khi ở một số địa bàn vùng thấp, đồng bào Thái, Mông đã chủ động đăng kí xin được bỏ nương để trồng rừng. “Tôi thấy rất vui và phấn khởi bởi hồi đầu năm nay, bà con ở vùng thấp đã chủ động xin được bỏ nương để trồng rừng. Ví dụ như câu chuyện ở bản Huổi Sứa, xã Ẳng Cang, toàn bộ các hộ dân trong bản đã đoàn kết, nhất trí cao để gây rừng”, ông Liệu cho biết thêm.

Bản Huổi Sứa có 53 hộ đồng bào Thái sinh sống. Hồi cuối tháng 2 năm nay, ông Quàng Văn Dưỡng, trưởng bản đã tức tốc mang đơn kèm theo những tâm tư của 53 hộ gia đình trình lên Hạt Kiểm lâm huyện những mong được nhất trí cho phép chuyển đổi gần 30ha đất nương bạc màu sang trồng rừng và khoanh nuôi BVR tái sinh. Bởi thế, những cán bộ kiểm lâm ở đây và cấp ủy, chính quyền địa phương vui mừng, phấn khởi hơn bất cứ ai.

“Huyện Mường Ảng có 260 chủ rừng được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng. Bắt đầu từ năm 2018, khi giá chi trả dịch vụ môi trường rừng lưu vực sông Mã được điều chỉnh tăng lên là 400 nghìn đồng/1ha/1 năm, toàn huyện được chi trả hơn 4 tỷ đồng thì bà con thấy thực sự có hiệu quả kinh tế nên đã xin được trồng và BVR. Chúng tôi cũng đang mong muốn làm sao đồng bào Mông ở vùng cao họ cũng ý thức được như vậy thì anh em chúng tôi mới đỡ vất vả”, ông Đỗ Tiến Tâm – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Ảng tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.