Đền Gắm ở Hải Phòng: “Linh từ ” bên dòng Văn Úc

Đền Gắm ở Hải Phòng: “Linh từ ” bên dòng Văn Úc

Gắn với tên tuổi vị tướng tài

Đền là di tích lịch sử quốc gia, được xây dựng trên mảnh đất mà Tín Công đã cắm đất làm nhà, mở trường dạy học, dùi mài kinh sử, rèn luyện binh thư, võ nghệ.

Tọa lạc ở vị trí phong thủy hữu tình, hướng mặt ra dòng sông Văn Úc mát lành, hơn 800 năm qua, đền Gắm là địa chỉ du lịch tâm linh, sinh thái nổi tiếng của người Hải Phòng và nhân dân một số tỉnh thành lân cận. Người dân Hải Phòng thường lấy câu ca “Thứ nhất đền Bì, thứ nhì đền Gắm” để nói về sự linh thiêng của ngôi đền.

Ông Đặng Anh Tuyết, Trưởng ban Quản lý Di tích cho hay, đền Gắm gắn liền với tên tuổi của Thái phó Ngô Lý Tín. Ông là tướng tài có nhiều công lao phò vua giúp nước trong triều đại nhà Lý. 

Sử sách xưa có ghi, Ngô Lý Tín sinh ngày 20/1 năm Bính Ngọ (1126) ở trang Vĩnh Đồng, huyện Khoái Châu, trấn Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Hưng Yên, thân phụ là Ngô Huy Hiếu, thân mẫu là Đào Thị Phúc.

Thưở nhỏ, Ngô Lý Tín theo học một thầy đồ nổi tiếng ở Hải Dương. Với tư chất thông minh, chăm chỉ nên ông được thầy yêu bạn quý. Năm ông 18 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời. Mãn tang cha mẹ, ông tìm đến trang Cẩm Khê, huyện Bình Hà, trấn Hải Dương, nay là thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng mở trường dạy học, luyện tập võ nghệ.

Lúc ấy, thời cuộc nhiễu nhương, giặc cướp nổi lên khắp chốn, lại thêm hạn hán mất mùa, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, giặc ngoại xâm quấy phá biên thùy, vận mệnh quốc gia trứng treo đầu đẳng. Vua Lý Anh Tông ban chiếu cầu hiền, Ngô Lý Tín xin ứng mộ, đem theo 30 trai tráng trong trang đi cùng, lập nên nhiều chiến công hiển hách.

Năm Nhâm Dần (1182), Ngô Lý Tín được phong chức Thượng tướng quân, mang quân thủy bộ dẹp loạn trộm cướp. Năm 1183, ông được cử làm đốc tướng chinh phạt quân Ai Lao xâm lấn biên thùy. 

Chiến thắng trở về, ông được nhà vua phong làm Thái phó. Năm 1188, quan Phụ chính đại thần, Thái sư Đỗ An Di mất, triều đình cử Thái phó Ngô Lý Tín làm phụ chính cho Vua. Đây là chức quan đứng đầu triều, nắm giữ trọng trách đối với giang sơn đất nước.

Thái phó Ngô Lý Tín qua đời ở tuổi 64. Tương truyền, trong điều kiện đất nước thanh bình, quan Phụ chính cùng một đoàn thuyền đem theo tướng sĩ, gia nhân trở về thăm lại trang Cẩm Khê xưa. Không may ngang đường đến khúc sông Quán Trang - Văn Úc gặp bão lớn, thuyền chìm, ông và mọi người đều tử nạn. Đó là ngày 9/10 năm Canh Tuất (1190).

Như một phép nhiệm màu, thi hài ông được sóng đánh trôi dạt vào bãi sông trang Cẩm Khê, chính nơi ông mang gươm đi chinh phạt giặc ngoại xâm, dấy quân dẹp hải tặc. Nhân dân thương tiếc đưa ông lên bãi chôn cất tại khu đất ông dựng nhà dạy học ngày xưa (hiện là hậu cung đền Gắm) và lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn vị tướng tài, anh dũng.

Ông Đặng Anh Tuyết cho hay, đền Gắm có điểm đặc biệt là còn thi hài của Thái phó Ngô Lý Tín. Người dân địa phương, những người làm nghề buôn bán, cũng như du khách xa gần thường đến chiêm bái và phát tâm công đức trùng tu, tôn tạo đền ngày một khang trang.

Hơn 800 năm một lối kiến trúc cổ

Trải qua những biến cố thăng trầm của thời gian, lịch sử, qua nhiều lần trùng tu, đến nay đền Gắm vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ xưa. 

Với kiểu kiến trúc “tiền nhất hậu đinh”, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Các kèo gỗ có kết cấu kiểu “thuận chồng, đốc thước”, mái lợp ngói mũi hài, các cửa theo kiểu “cửa thùng khung khách”.

“Ngũ linh từ” tại Tiên Lãng gồm 5 ngôi đền thiêng: Đền Để Xuyên - xã Đại Thắng thờ 5 vị thành hoàng; Đền Hà Đới - xã Tiên Thanh thờ Tướng quân Trần Quốc Thành; Đền Gắm - xã Toàn Thắng thờ Thái phó Ngô Lý Tín; Đền Canh Sơn (đền bì) - xã Đoàn Lập thờ thần Kinh Sơn, Trí Minh; Đền Long Bì (đền bì) - xã Đoàn Lập thờ Bạt Hải Long Vương.

Theo các cao niên, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1953, khi giặc mở trận càn lớn đánh vào Tiên Lãng nhằm mở rộng và củng cố “vành đai an toàn” của khu cố thủ Hải Phòng, đền Gắm đã trở thành chiến lũy xung yếu, góp phần làm thất bại âm mưu của địch, tạo đà cho chiến tranh du kích ở đồng bằng phát triển. 

Trong cuộc chiến đó, các hệ thống công trình kiến trúc của đền bị san phẳng, riêng cung nhà Ngài còn nguyên, giặc đến không dám vào.

Năm 1992, đền được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đền được đầu tư hơn 20 tỷ đồng để trùng tu, phục dựng một số hạng mục công trình.

Ông Tuyết chia sẻ, các hạng mục chính trong đền như nhà tiền tế, trung đường, hậu cung đã được tu bổ, tôn tạo khang trang, vững chãi. Một số hạng mục như nghi môn, nhà bia, trưng bày, đón khách, tường rào bao quanh… được phục dựng, hoặc xây mới. 

Tất cả trong một khuôn viên hài hòa, tạo nên không gian sinh hoạt tâm linh, lễ hội và giới thiệu văn hóa lịch sử hoàn chỉnh.

Lễ hội đền Gắm được tổ chức vào 3 ngày 18, 19, 20 tháng Giêng hàng năm. Phần lễ bao giờ cũng trang nghiêm còn phần hội mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của vùng đồng bằng Bắc bộ với các trò chơi truyền thống: Đấu vật, kéo co, chọi gà, đánh đu, tổ tôm điếm…, thu hút hàng trăm du khách ở mọi miền Tổ quốc.

Không chỉ là một di tích cấp quốc gia có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc, đền Gắm còn là một trong những điểm du lịch tâm linh, sinh thái độc đáo của thành phố Hải Phòng. Theo Ban Quản lý di tích, hàng năm có trên 3 vạn lượt khách đến tham quan, chiêm bái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.