Điểm nóng ngoại giao mới

Điểm nóng ngoại giao mới

Trong bối cảnh những chỉ trích nhằm vào Bắc Kinh về vấn đề nguồn gốc và cách xử lý đại dịch Covid -19 chưa hạ nhiệt, việc Quốc hội Trung Quốc đệ trình bản dự luật an ninh Hồng Kông đang càng đẩy căng thẳng ngoại giao giữa nước này với các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, đi xa hơn.

Cột mốc mới trong căng thẳng ngoại giao quốc tế được khởi đầu hôm 22/5, khi Quốc hội Trung Quốc đề xuất bản dự luật an ninh bao gồm những điều khoản như cấm các hoạt động ly khai, lật đổ và sự can thiệp của nước ngoài tại Hồng Kông, cho phép các cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc lập văn phòng tại đây khi cần thiết.

Giới chức Bắc Kinh khẳng định dự luật nhằm củng cố nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ” và phục vụ cho sự phát triển của cả Hồng Kông lẫn Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ và Liên minh châu Âu cũng như nhiều người dân Hồng Kông lại không nghĩ như vậy. Làn sóng phản ứng quốc tế xuất hiện do lo ngại dự luật sẽ làm suy yếu các quyền tự do của Hồng Kông.

Quan hệ Mỹ - Trung vốn đã được đẩy lên mức căng thẳng lịch sử vì hàng loạt các vấn đề như cuộc chiến thương mại, động thái quân sự tại Biển Đông và đại dịch Covid-19, nay lại thêm lý do để bất đồng song phương leo thang.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/5 cảnh báo nước này đang chuẩn bị “có hành động rất mạnh mẽ chống lại Trung Quốc” vì vấn đề dự luật an ninh. Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng khiến cả thế giới hồi hộp vì được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang đứng trước một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Bắc Kinh cũng lập tức phản ứng và cáo buộc Washington đang tìm cách gây tổn hại cho an ninh quốc gia Trung Quốc trong vấn đề Hồng Kông, đồng thời nhấn mạnh sẽ “thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đáp trả”.

Trong khi đó, sức ép với Trung Quốc còn xuất hiện từ châu Âu khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hôm 26/5 tuyên bố sẽ gây tác động ngoại giao xung quanh vấn đề dự luật an ninh và kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng quyền tự trị của Hồng Kông. Còn trên đường phố Hồng Kông, cảnh hàng nghìn người xuống đường phản đối dự luật an ninh tái diễn sau thời gian dài im ắng do đại dịch Covid-19.

Những nhà hoạt động Hồng Kông đối đầu với lực lượng cảnh sát được trang bị hơi cay và vòi rồng, trong khi quân đội Trung Quốc tuyên bố sẽ “duy trì chủ quyền quốc gia” ở đặc khu này trước làn sóng biểu tình…

Tuy nhiên, dòng người xuống đường hay sức ép từ Mỹ và châu Âu được dự đoán sẽ không đủ để ngăn cản việc dự luật an ninh được phê chuẩn vào cuối tháng này, do Bắc Kinh có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng quyết tâm thực hiện đến cùng như giới chức Trung Quốc đã tuyên bố.

Khi đạo luật về an ninh có hiệu lực tại Hồng Kông, nguy cơ căng thẳng ở tầm cao hơn nhiều khả năng sẽ xuất hiện tại đây và có thể dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng. Lý do là khi đó các động thái biểu tình hay chỉ trích chính quyền có thể bị khép vào tội “lật đổ” theo luật mới và hứng chịu những biện pháp cứng rắn hơn nhiều so với hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ