Đổi mới nhìn từ đề thi

Đổi mới nhìn từ đề thi

Tại TPHCM, đề thi môn Ngữ văn được cho là khá thời sự khi nói đến đại dịch Covid-19 với chủ đề "Lắng nghe": Lắng nghe để thay đổi, lắng nghe để yêu thương, lắng nghe để hiểu biết. Đề có độ mở tốt, học sinh nào cũng có thể làm được, khả năng phân hóa cao, phù hợp cấu trúc đề thi THPT của Bộ GD&ĐT. Đề thi Ngữ văn của TPHCM không chỉ mang tính thời sự, thực tế, mà còn được đánh giá rất nhân văn. Tuy chưa có nhiều sự đổi mới như TPHCM nhưng đề thi Toán tại Hà Nội cũng được cho là mới khi có ứng dụng thực tế của hình không gian.

Một trong những hạn chế của giáo dục phổ thông là công tác kiểm tra đánh giá còn nặng về tính định kỳ và ghi nhớ kiến thức của học sinh. Việc đánh giá quá trình và vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề của cuộc sống chưa được quan tâm đúng mức. Nhằm khắc phục hạn chế này, từ năm 2013, Bộ GD&ĐT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các phương pháp dạy học/hoạt động giáo dục và kiểm tra đánh giá tích cực. 

Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu vui trong cách ra đề thi như ở TPHCM vẫn còn nhiều nơi chậm trễ trong thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá. Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa diễn ra, đề thi đổi mới như TPHCM không nhiều, phần lớn đề của các tỉnh, thành còn nằm trong vùng an toàn cho thầy và trò. Dù từ năm học tới, toàn ngành bắt đầu thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa nhưng tư duy sách giáo khoa là số 1 vẫn chưa thể thoát li trong không ít đề thi.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá có tác động tích cực đến việc đổi mới dạy học. Như tại TPHCM, từ năm học trước, chủ trương đề thi tăng cường những câu hỏi nhằm kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức của thí sinh để giải quyết tình huống thực tế từng bước làm thay đổi cách dạy và học của nhà trường. Thầy trò quán triệt nói không với học vẹt, học tủ, định hướng học phải hiểu bài, biết vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống nên ngay cả khi đề thi không lấy văn bản trong sách giáo khoa, học sinh cũng không hề lúng túng. Trong khi đó ở những nơi chậm đổi mới trong đề thi, tình trạng học vẹt, học tủ vẫn còn đất sống. Đáng lo ngại với tâm lý thi gì học nấy, việc chậm đổi mới cách ra đề đã khiến cả thầy và trò, dù đủ điều kiện để đổi mới, cũng buộc quay lại dạy học theo đường cũ.

"Khi dạy lớp 6, 7, chúng tôi rất "tung tẩy", đổi mới phương pháp, ra đề kiểm tra "đủ độ" để tìm ra những học sinh có tố chất, sáng tạo, tư duy độc lập... Tuy nhiên, đến lớp 8 và đặc biệt là lớp 9, chúng tôi lại trở thành "máy dạy" theo "khuôn khổ" cách thức ra đề thi lớp 10 truyền thống, để học sinh của mình đi thi đạt điểm tốt", cô Phạm Thái Lê, giáo viên dạy Ngữ văn Trường THCS - THPT Marie Curie (Hà Nội) chia sẻ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm đổi mới trong cách ra đề thi, cả chủ quan từ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và khách quan do điều kiện cơ sở vật chất, cơ chế thiếu tự chủ cho nhà trường. Bên cạnh đó, quy định về đánh giá học sinh từ cấp tiểu học đến THPT cũng còn chậm sửa đổi theo hướng phù hợp với yêu cầu mới, tạo hành lang pháp lý và thuận lợi cho nhà trường, giáo viên trong thực hiện đổi mới đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Giải quyết đồng bộ những nguyên nhân này sẽ là giải pháp quan trọng để tới đây việc kiểm tra, đánh giá theo hướng tích cực sẽ hiệu quả hơn, góp phần triển khai thành công Chương trình GDPT mới. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ