Du học New Zealand cần chuẩn bị những gì?

GD&TĐ - “Du học cần chuẩn bị gì?" là băn khoăn của không ít bạn trẻ lần đầu du học nơi xứ người. Các bạn sẽ phải trải qua những cái “sốc văn hóa” gì và cần làm gì để vượt qua chúng? 

Du học New Zealand cần chuẩn bị những gì?

Cùng lắng nghe chia sẻ từ chị Tâm Lê, du học sinh hiện đang học chương trình Thạc sĩ tại ĐH Otago (New Zealand) để chuẩn bị trước khi bay đến xứ kiwi...

1. Khí hậu

Khí hậu ở New Zealand nhìn chung lạnh hơn ở Việt Nam (mùa đông có những ngày nhiệt độ cao nhất khoảng 8 độ C, ban đêm có khi 1-2 độ C). Những bạn ở miền Bắc Việt Nam thì có thể sẽ thích nghi tốt hơn, còn những bạn ở miền Nam quanh năm nắng ấm thì thời tiết lạnh sẽ là một trở ngại. 

2. Cuộc sống yên bình, người dân mến khách

Nếu bạn là con người “phố thị” đã quen với sự đông đúc và nhộn nhịp của các thành phố lớn như Sài Gòn và Hà Nội, thì có thể New Zealand sẽ khá tẻ nhạt vì chỉ có khoảng 4,5 triệu dân sinh sống trên cả dải đất có diện tích tương đương với Việt Nam.

New Zealand không có nhiều trung tâm thương mại, vui chơi giải trí và hầu hết cửa hiệu ở đây sẽ đóng cửa lúc 5 giờ chiều.

Người New Zealand nổi tiếng là thân thiện, mến khách. Ba từ "cửa miệng" của họ là sorry, thank you và please. Nếu bạn nói chuyện với người bản địa mà không để ý đến ba từ đó, đặc biệt là "please" thì dễ có những hiểu lầm không cần thiết.

3. Ngôn ngữ

Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức ở New Zealand, nhưng cách phát âm của người New Zealand khá đặc trưng.

Người bản địa khi nói chuyện với nhau sẽ nói rất nhanh và dùng rất nhiều phương ngữ, nên bạn sẽ khó mà hiểu hết 100% những gì họ nói nếu chưa giao tiếp và làm quen nhiều với cách nói chuyện của họ.

Nếu bạn học tiếng Anh để đi thi hơn là để giao tiếp, thì có thể bạn sẽ gặp những khó khăn ban đầu. Ví dụ khi người bản xứ hỏi bạn "Hi how are you?" hoặc “You alright?” thì không có nghĩa là họ muốn hỏi thăm sức khỏe của bạn, mà đó chỉ là một lời chào.

Hoặc như khi họ nói "Sweetas", bạn nên hiểu là "it"s ok" hay "not a problem"; hoặc “Ta” nghĩa là “Thank you”...

4. Cách học

Học ở New Zealand một thế giới rất khác với cách học của đa phần sinh viên Việt Nam: Giữa giảng viên và học viên sẽ không phải văn hóa “đọc-chép”. Bạn phải tự chuẩn bị bài trước khi đến lớp bằng mọi cách có thể.

Và vì giảng viên không phải là người "biết tuốt", nên họ sẽ thẳng thắn trả lời “Tôi không biết” ở những vấn đề họ chưa nắm rõ và sẵn sàng tranh luận bình đẳng với học viên.

Công nghệ số được áp dụng triệt để trong các trường đại học. Mỗi sinh viên được cấp 1 “chìa khóa điện tử” để truy cập vào Student Portal/ Student Account, email, giáo án điện tử, thư viện, và các phần mềm cần thiết như MS Office, Endnote, Onedrive... Cho nên du học sinh cần làm quen với các công nghệ này để không bị “lạc trôi” trong thời gian học.

Thư viện là “vũ khí tối thượng” của bất kì một sinh viên nào ở New Zealand. Sinh viên cần tận dụng dịch vụ thư viện cho việc học của mình, chẳng hạn như mượn sách giấy, download sách điện tử, sử dụng các phần mềm tra cứu tài liệu, trích dẫn khi làm bài luận...

Các trường ở New Zealand đều trang bị khu vực học tiện nghi cho sinh viên.

Tham gia thảo luận trên giảng đường và trong lớp học cũng là một cú sốc khác của du học sinh Việt Nam. Nhiều bạn quen với cách học 1 chiều ở Việt Nam nên ngại phát biểu vì sợ sai, không tự tin trước đám đông và tự ti với kĩ năng tiếng Anh của mình.

Trên thực tế, những phát biểu, suy nghĩ của sinh viên Việt Nam thường được đánh giá cao, bởi các lớp học ở New Zealand luôn chào đón những quan điểm, góc nhìn mới lạ từ sinh viên quốc tế.

Bạn cần học cách chủ động với cách học 2 chiều ở New Zealand.

5. Luận văn

Kết quả học tập của bạn sẽ được đánh giá xuyên suốt học kỳ với rất nhiều bài luận, báo cáo nghiên cứu cho từng môn. Nhiều sinh viên Việt Nam sẽ cảm thấy đây là trở ngại lớn vì những lý do sau:

- Critical thinking là kĩ năng quan trọng để viết bài luận, nên bạn cần thể hiện bạn hiểu chúng như thế nào.

- Bạn phải trích dẫn đầy đủ mọi thông tin mà bạn sử dụng từ các nguồn khác dù chỉ là 1-2 dòng. Nếu không, bạn sẽ "phạm tội" đạo văn và hoàn toàn có thể bị đuổi học vì lí do này.

- Không tận dụng dịch vụ hỗ trợ sinh viên ở trường kiểm tra giúp bài viết của mình trước khi nộp, để tránh những lỗi văn phạm, câu cú không đáng có.

- Không nắm vững cấu trúc bài luận viết theo kiểu học thuật. Đây là lỗi thường gặp khiến bài luận của bạn không chặt chẽ và rõ ràng.

- Kỹ năng đọc hiểu cũng là một cú shock khác của du học sinh khi phải đọc lượng lớn kiến thức trong thời gian ngắn và trình bày chúng theo cách riêng của mình.

Vậy làm sao để vượt qua những trở ngại trên để nhanh chóng thích nghi với cuộc sống du học New Zealand? Hãy cùng theo dõi kỳ II để được bật mí ngay những bí quyết hữu ích nhé!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ