Du học online bất đắc dĩ

Du học online bất đắc dĩ
Buổi học online kéo dài đến 24h đêm. Mắt díp lại, cô gái cố cưỡng cơn buồn ngủ. Bên kia bán cầu thầy giáo vẫn đang thao thao giảng bài. 

"Vì chưa quen ai, mỗi bạn lại ở một quốc gia, phát âm khác nhau, nhiều khi làm việc nhóm em không nghe được các bạn nói gì", Minh kể.

Tiết học tiếng Anh đáng ra Minh sẽ được cùng các bạn tham quan trường và thành phố, nhưng giờ, em chỉ được "dã ngoại" qua video và làm bài tập nhóm.

Sau 4 tiếng học online liên tục, 24h đêm Minh không gấp máy, nằm luôn dưới sàn nhà. 6h sáng hôm sau, buổi học tiếp tục. 

"Nhà trường không đảm bảo việc học online sẽ kéo dài đến bao giờ", Minh nói. Góc phòng em, 2 chiếc vali to vẫn xếp chồng, xộc xệch.

Ước mơ du học của Minh hình thành từ năm lớp 9. Nữ sinh đỗ lớp tiếng Anh trường THPT Chuyên ngữ, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội với quyết tâm giành học bổng du học. 3 năm ôn luyện, tốt nghiệp loại giỏi nhưng Minh không đủ điều kiện giành học bổng.

Sau nhiều tháng tìm hiểu, mẹ quyết định chọn Đại học Quốc tế Manitoba - Canada cho Minh, bởi "mức học phí vừa phải", hơn 20.000 USD một năm và khả năng xin việc làm, định cư "dễ hơn nhiều nước".

6 tháng trước, mẹ em đã tìm chỗ ở, mua vé máy bay và nộp toàn bộ học phí năm nhất. Theo kế hoạch, cuối tháng 4 Minh bay.

Covid-19 bất ngờ bùng phát. Đại học Quốc tế Manitoba thông báo, sinh viên học online hết kỳ 1. "Nhận thông báo học online vào cuối tháng 3, em thấy hụt hẫng và thất vọng", Minh nói.

Với em, du học không chỉ là học kiến thức tại trường mà là "được rèn cách sống tự lập, khám phá và trải nghiệm văn hóa của người bản xứ". Giờ, học online tại nhà nên "thư viện, phòng nghiên cứu và cơ sở vật chất của trường vẫn chỉ là những thứ em hình dung qua lời tư vấn của trung tâm du học".

Nhiều du học sinh đề nghị nhà trường trả một phần học phí, nhưng không được chấp nhận. 

Du học online bất đắc dĩ ảnh 1
Lê Hoàng Hào. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cũng được thông báo học online hết kỳ 1, tức từ tháng 9 đến hết tháng 12, Lê Hoàng Hào, 18 tuổi, sống tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tính chuyện bỏ học bổng 10.000 CAD (khoảng 170 triệu đồng) của Đại học British Columbia, Canada và hơn 40 triệu đồng các khoản đặt cọc đã nộp, không du học năm nay nữa.

Hào chia sẻ không muốn học online vì hình thức học này không xứng đáng với số tiền học phí sẽ bỏ ra. Hơn nữa, Hào lựa chọn ngành Kinh doanh của Đại học British Columbia, ngành đòi hỏi sự tương tác, giao tiếp để tạo dựng các mối quan hệ, việc học online không đáp ứng được yêu cầu này.

Nếu chấp nhận học online kỳ 1 chỉ để giữ chỗ, Hào cho rằng đó là quyết định không sáng suốt bởi không ai biết tình hình dịch bệnh sẽ như nào, liệu em có tiếp tục phải học online các kỳ tiếp theo hay không. Nam sinh cũng không thể bảo lưu học bổng và kết quả trúng tuyển vì trường không đồng ý.

Sau khi đắn đo, Hào nghiêng về lựa chọn học năm nhất đại học tại Việt Nam, bỏ học bổng và các chi phí đã nộp. Năm sau, em sẽ tiếp tục nộp hồ sơ vào Đại học Brisish Columbia, nhưng "việc được nhận hay không thì chưa thể nói trước". 

"Em phải công nhận đây là lần đánh đổi khó khăn nhất của mình từ trước đến giờ. Con đường du học năm nay gian nan với chúng em quá", Hào nói.

May mắn hơn Minh và Hào, Phan Thị Thùy An, 24 tuổi, quê Lâm Đồng, chuẩn bị học khóa đào tạo sau đại học tại Đại học Bách khoa Kwantlen, Canada, vẫn còn được lựa chọn. 

Dự định nhập học kỳ 1 vào tháng 9 nhưng thông báo học online hết kỳ 1 của trường khiến An phân vân, hoặc sang Canada vào tháng 8 như kế hoạch, hoặc hoãn nhập học đến tháng 1 năm sau.

Nếu ở lại Việt Nam và học online, An có thể tiết kiệm đáng kể chi phí ăn, ở hơn bốn tháng tại Canada. Tuy nhiên, học online không thể mang lại chất lượng như học trực tiếp, An lo lắng chưa thể bắt nhịp dẫn đến việc trượt môn và phải học lại. 

"Khi lựa chọn du học, mình muốn được khám phá và trải nghiệm cơ sở vật chất hiện đại của trường, văn hóa, các địa điểm du lịch nổi tiếng của Canada nên nếu đóng tiền và chỉ học online thì rất phí", An nói.

Nếu không sang Canada từ tháng 8, An sẽ không đủ hai năm sống tại đây để lấy giấy phép lao động (work permit) theo yêu cầu của visa SDS. Điều này đồng nghĩa An không thể ở lại Canada làm việc ba năm sau khi tốt nghiệp. 

Việc nhập học tháng 1 cũng có thể khiến An mất toàn bộ 2.500 CAD (khoảng 42 triệu đồng) tiền đặt cọc nhập học tháng 9.

"Em đang tham khảo ý kiến bạn bè, những người quen biết sống tại Canada và đơn vị tư vấn du học để đưa ra quyết định trước 3/6. Lựa chọn nào đều có cái được, cái mất, khiến hành trình du học năm nay thật trắc trở", An chia sẻ.

Sinh viên khóa mới hầu hết nhập học đại học vào cuối tháng 8, đầu tháng 9. Riêng Canada, nơi đang có khoảng 21.000 du học sinh Việt Nam, sinh viên có thể nhập học vào tháng 1, 5 hoặc 9.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ