Giảng viên nghiên cứu khoa học: Không thể thiếu sự đồng hành của nhà trường

Giảng viên nghiên cứu khoa học: Không thể thiếu sự đồng hành của nhà trường

Khen thưởng phân minh

PGS.TS Mai Xuân Trường – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cho biết: Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của trường tiếp tục triển khai đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả, gắn với đời sống, sản xuất. Công tác quản lý hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) được tăng cường. Nhà trường cũng tập trung đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho KHCN. Số lượng và chất lượng công bố kết quả NCKH ngày càng tăng, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học giáo dục. Nhiều đề tài KHCN gắn với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của địa phương. Công tác phát triển học liệu được duy trì. Hoạt động NCKH của sinh viên và giảng viên trẻ đạt thành tích cao.

Theo PGS.TS Mai Xuân Trường, nhà trường luôn đồng hành cùng cán bộ, giảng viên thực hiện NCKH. Theo đó, hằng năm có kinh phí nhất định để hỗ trợ nhiệm vụ này. Đơn cử: Giai đoạn 2017 - 2019, nhà trường dành gần 900 triệu đồng cho công bố bài báo khoa học. Ngoài ra, còn hỗ trợ kinh phí cho hoạt động xuất bản giáo trình, NCKH sinh viên, nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở và đại học, đổi mới sáng tạo của sinh viên và giảng viên trẻ. Cùng với đó, có chính sách khen thưởng đột xuất cho cá nhân, tập thể đạt thành tích cao về KHCN.

“Giảng viên có công bố báo ISI được hỗ trợ 15 triệu đồng/1 bài, hỗ trợ 10 triệu đồng/1 bài với công bố Scopus. Ngoài ra, nếu là bài báo ISI/Scopus về khoa học giáo dục được cộng thêm 5 triệu đồng/1 bài. Cán bộ có trình độ cao được hỗ trợ kinh phí hàng tháng nếu hoàn thành các tiêu chuẩn do trường quy định”, PGS.TS Mai Xuân Trường chia sẻ.

PGS.TS Mai Xuân Trường thông tin thêm: Nhờ các giải pháp hữu hiệu mà Trường ĐH Sư phạm là một trong những đơn vị đứng đầu của Đại học Thái Nguyên về số lượng đề tài, dự án cấp quốc gia, đề tài Nafosted, cấp Bộ được phê duyệt hằng năm. Đồng thời, nhà trường cũng là một trong những đơn vị có nhiều bài báo quốc tế ISI/Scopus của Đại học Thái Nguyên. Đặc biệt, năm 2019, nhà trường được phê duyệt thực hiện Dự án “Phát triển chương trình giáo dục STEM, đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới” với tỉnh Lạng Sơn, tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.

Giảng viên nghiên cứu khoa học: Không thể thiếu sự đồng hành của nhà trường ảnh 1
Giảng viên làm NCKH không thể thiếu sự đồng hành của nhà trường.

Đồng hành cùng giảng viên

Khẳng định, NCKH trong trường đại học là nhu cầu cấp thiết, PGS.TS Nguyễn Văn Đăng – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học (Đại học Thái Nguyên) khẳng định: Nhiệm vụ của trường đại học không chỉ là đào tạo, giảng dạy mà cần phát triển cả NCKH và dùng khoa học để phát triển thương hiệu, tạo nguồn thu cho nhà trường.

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng cho hay: Để thúc đẩy hoạt động NCKH, nhà trường áp dụng một số chính sách có tính chất động viên, khuyến khích: Phân bổ kinh phí NCKH cho các khoa theo điểm NCKH; Hỗ trợ cho giảng viên là GS, PGS, TS. Yêu cầu của nhà trường là: Giảng viên từ TS trở lên phải NCKH. Cuối năm tính điểm công trình (bao gồm đề tài NCKH và bài báo khoa học). Ai điểm cao sẽ được nhân hệ số để hỗ trợ kinh phí; Hỗ trợ cán bộ, giảng viên viết bài báo. Từ bài báo cấp đại học, hội nghị, hội thảo đều được hỗ kinh phí. Những bài có chất lượng được tuyên dương, khen thưởng, mức cao nhất là 60 triệu/bài.

Cùng quan điểm trong hỗ trợ giảng viên tham gia NCKH, PGS.TS Võ Ngọc Hà – Hiệu Trưởng Trường ĐH Tiền Giang cho biết: Ban giám hiệu đặt mục tiêu hằng năm: Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo sinh viên, các cán bộ, giảng viên phải đẩy mạnh NCKH. Giảng viên có thể đăng ký đề tài ở mọi thời điểm. “Chúng tôi linh động về thời gian để cán bộ giảng viên đăng ký đề tài NCKH của mình. Nhà trường có chính sách hỗ trợ kinh phí để động viên cán bộ, giảng viên thực hiện NCKH”, PGS.TS Võ Ngọc Hà chia sẻ.

Cũng theo PGS.TS Võ Ngọc Hà, mỗi năm Trường ĐH Tiền Giang dành khoảng 1 tỷ đồng để mua sắm, bổ sung, sửa chữa phòng thí nghiệm, thiết bị phục vụ cho hoạt động NCKH. “Trường khuyến khích và tạo điều kiện cho giảng viên thực hiện các đề tài NCKH theo lĩnh vực ngành nghề của mình. Trong quá trình thực hiện đề tài, cán bộ, giảng viên có thể sử dụng các thiết bị, phương tiện, phòng thí nghiệm của nhà trường. Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành để cán bộ, giảng viên phát triển năng lực NCKH của mình, ngày càng có nhiều công trình khoa học hữu ích cho xã hội”, PGS.TS Võ Ngọc Hà nhấn mạnh.

Chúng tôi thành lập nhóm nghiên cứu mạnh để có thể cạnh tranh với các trường đại học khác. Với những nhóm chưa có điều kiện NCKH, nhà trường tạo điều kiện cho đi học và tham gia nghiên cứu cùng với nhóm nghiên cứu mạnh để có cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ. Chúng tôi mong muốn, NCKH trở thành nhu cầu tự thân của giảng viên. Bởi giảng viên làm NCKH, giảng dạy mới có chất lượng. - PGS.TS Nguyễn Văn Đăng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ