Giúp học sinh yếu kém có hứng thú học Địa lý

GD&TĐ - Tạo thử thách và động cơ học tập cho học sinh; sử dụng thơ ca và âm nhạc và các phương tiện trực quan; đưa trò chơi và sơ đồ hóa vào bài học; tổ chức thực địa... là các phương pháp được cô Nguyễn Thị Mỹ Nga - Giáo viên Trường THPT Phú Điền (Đồng Tháp) - chia sẻ nhằm kích thích học sinh, đặc biệt học sinh yếu kém hứng thú với môn Địa lý.

Thực địa là một trong những giải pháp giúp giáo viên hướng dẫn cho học sinh cách tự học tốt nhất
Thực địa là một trong những giải pháp giúp giáo viên hướng dẫn cho học sinh cách tự học tốt nhất

Tạo thử thách, động cơ học tập

Cô Nga cho rằng: Việc giáo viên gần gũi, cởi mở với học sinh là vô cùng quan trọng; luôn khích lệ, động viên để các em có thêm tinh thần phấn đấu và tự tin hơn ở bản thân mình. Bởi nếu học sinh đến trường, luôn lo lắng về việc trả bài, làm bài kiểm tra, tự ti với bạn bè sẽ dần dần trở nên sợ đi học.

"Bản thân tôi thường treo giải thưởng: tặng vở, bút khi học sinh có thành tích cao trong làm bài kiểm tra, bài thi; khuyến khích các em lên bảng vẽ biểu đồ cho vào điểm miệng hoặc cộng điểm.

Những em còn lại của lớp luôn tranh nhau hoàn thiện biểu đồ và nộp cho giáo viên để lấy được 3 quyển tập nhanh nhất, chính xác nhất vào cột điểm miệng,..." - Cô Nga chia sẻ.

Ngoài ra, người giáo viên cần đặt thêm những thử thách nhỏ, qua giải quyết vấn đề trong quá trình làm việc nhóm hoặc những câu hỏi gợi mở dẫn dắt học sinh phát triển theo từng bước.

Sử dụng thơ ca, âm nhạc

Học sinh có yêu thích học tập hay không là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng dạy và học. Nhấn mạnh điều này, cô Nga chia sẻ kinh nghiệm:

Địa lí tự nhiên lớp 10 có rất nhiều nội dung dạy học liên quan đến văn học và âm nhạc. Giáo viên có thể vận dụng một cách linh hoạt vào tiết dạy nhằm lôi kéo học sinh yếu, kém "ra khỏi vùng vỏ an toàn" để các em thỏa sức hòa mình vào bài học, từ đó trở nên hăng say và yêu thích môn Địa lí.

Giáo viên trẻ nêu ví dụ: Khi giáo viên dạy đến Bài 6 "Hệ quả chuyển động xung quanh mặt trời của trái đất", để khắc sâu kiến thức và làm rõ trọng tâm nội dung “ngày đêm, dài ngắn theo mùa và theo vĩ độ”, có thể sử dụng câu tục ngữ: “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng/ Ngày tháng mười chưa cười đã tối”.

Sau đó, giáo viên yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức địa lí để giải thích. Đồng thời, cần giải thích rõ cho học sinh hiểu, câu tục ngữ này chỉ đúng với các nước ở bán cầu bắc. Những nước càng gần về phía bắc bán cầu thì biểu hiện càng rõ rệt, càng về xích đạo thì biểu hiện càng yếu đi.

Hoặc, khi dạy bài 16 "Sóng - Thủy triều - Dòng biển", để tăng tính mới lạ và làm khơi dậy tính tò mò, kích thích tư duy của học sinh, để học sinh hiểu bài nhanh hơn, giáo viên có thể lồng ghép bài thơ “Sóng” của Xuân Huỳnh vào chuyển ý:

“Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ/ Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể” - Vậy để biết sóng là gì, cô và các em sẽ cùng nhau vào tìm hiểu phần I;: Sóng biển.

Khi dạy bài 19 "Sự phân bố sinh vật và đất trên trái đất", để chứng minh mối quan hệ không thể thiếu về sự phân bố giữa đất và cây theo các vĩ độ khác nhau trên trái đất một cách thu hút, cô Nga đã sử dụng lời hài hát “Tình cây và đất” của tác giả Tô Thanh Tùng:“Đất vắng cây đất ngừng ngừng hơi thở/ Cây thiếu đất cây sống sống với ai...!/ Chuyện trăm năm ân tình cây và đất/ Cây bám rễ sâu, đất ôm chặt tận đáy lòng...!”.

Giáo viên giải thích: Do đất ở những vùng vĩ độ khác nhau sẽ thích hợp phát triển các thảm thực vật tương ứng khác nhau, như (đất đài nguyên thích hợp phát triển kiểu thảm thực vật đài nguyên, đất pốt dôn gắn liền với kiểu thảm thực vật rừng lá kim hay đất đỏ vàng cận nhiệt ẩm phát triển rừng cận nhiệt ẩm,...).

Sử dụng phương tiện trực quan

Vận dụng nhiều phương pháp và phương tiện dạy học (sử dụng giáo án điện tử vào bài giảng, hình ảnh, phiếu học tập, poster hay vật thật ... là những cách làm gần gũi dễ áp dụng, dễ đưa tiết dạy trở nên sinh động và lôi cuốn học sinh.

Chia sẻ giải pháp này, cô Nguyễn Thị Mỹ Nga nêu ví dụ: Khi dạy bài 29 "Địa lí ngành chăn nuôi", giáo viên sử dụng 2 hình ảnh về 2 hình thức chăn nuôi để học sinh dễ so sánh sự khác nhau giữa phương thức chăn nuôi truyền thống và hiện đại. Ngoài ra, có thể sử dụng poster vào chuẩn kiến thức để gây ấn tượng và giúp học sinh dễ tiếp thu, khắc sâu bài học.

Bên cạnh, sử dụng nhiều phương pháp: đàm thoại, giải thích, thảo luận, đặt và giải quyết vấn đề,... để bài học thêm sinh động và hấp dẫn, cô Nga cho rằng, giáo viên nên lồng ghép thêm các trò chơi và các sơ đồ hóa vào bài học hoặc dùng củng cố kiến thức.

Ví dụ 1: Khi dạy bài 24 "Phân bố dân cư. Các loại hình quần cư và đô thị hóa", giáo viên tổ chức trò chơi “Lật hình đoán tranh”. Theo đó, có 1 bức tranh điển hình cho đô thị hóa (thành phố Tokyo - Nhật Bản) ẩn dưới 6 số thứ tự.

Giáo viên chia lớp thành 2 đội, mỗi đội có quyền chọn 3 trong số các số thứ tự (từ 1, 2, 3, 4, 5 và 6) để chọn câu hỏi. Đội nào trả lời đúng nhiều câu hỏi nhất và đoán đúng bức tranh giáo viên muốn đưa ra là thành phố nào thì đó là đội chiến thắng.

Các câu hỏi cụ thể như sau như sau:

Câu 1: Để thể hiện trình độ phân bố dân cư người ta thường dùng tiêu chí mật độ dân số. Vậy mật độ dân số có đơn vị là gì? (người/km2).

Câu 2: Châu lục có mật độ dân số thấp nhất là châu lục nào? (châu Đại dương)

Câu 3: Nguyên nhân ảnh hưởng quyết định đến phân bố dân cư là gì? (trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và tính chất của nền kinh tế).

Câu 4: Đô thị hóa được xem là quá trình tiến bộ của xã hội khi nào? (phù hợp với quá trình công nghiệp hóa).

Câu 5: Đô thị hóa ảnh hưởng đến những mặt tiêu cực nào? (Ô nhiễm môi trường, thất nghiệp, tệ nạn xã hội).

Câu 6: Dân cư thành thị có xu hướng tăng nhanh là một trong những đặc điểm của quá trình nào? (đô thị hóa).

Hoặc khi dạy bài 23 "Cơ cấu dân số", giáo viên dùng sơ đồ hóa để củng cố kiến thức toàn bài:

Tổ chức thực địa

Dẫn chứng cho phương pháp này, cô Nga ví dụ: Khi giáo viên dạy bài 28 “Địa lí ngành trồng trọt” và 29 “Địa lí ngành chăn nuôi” ở Địa lí 10, nên tổ chức cho học sinh đi thực tế ở địa phương mình.

Giáo viên có thể đưa học sinh đi tham quan các địa điểm trồng cây nông công nghiệp như: cánh đồng lúa phía sau trường, vườn cây ăn trái gần trường,... hoặc các ao nuôi cá lóc, cá tra ở địa phương.

Đây là cách cho học sinh tiếp thu kiến thức nhanh và hiệu quả hơn, đồng thời ghi nhớ được lâu hơn khi các em được hòa mình vào thực tế, được tận mắt nhìn thấy, được chạm vào, được sờ vào các vật thể có trong bài học như: lúa, khoai mì, khoai lang, các vật nuôi (trâu, bò, gà, vịt,...).

"Đây chính là biện pháp giúp giáo viên hướng dẫn cho học sinh cách tự học tốt nhất. Tuy nhiên, phương pháp này cũng đòi hỏi giáo viên phải am hiểu thực tế địa phương và quản lí tốt học sinh" - Cô Nga nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.