Hải Phòng: Đẩy mạnh nghiên cứu, xếp hạng di tích bãi cọc Bạch Đằng

GD&TĐ -Sáng nay 21/12, UBND TP. Hải Phòng tổ chức Hội nghị “Báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng”.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị
Bãi cọc hàng nghìn năm tuổi được phát lộ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng
Bãi cọc hàng nghìn năm tuổi được phát lộ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng 

Trong hội nghị, nhiều nhà khoa học, sử học, khảo cổ học đồng tình với quan điểm bãi cọc quý nghìn năm tuổi vừa được phát lộ tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng là chiến tích oai hùng của dân tộc ta trong trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288). Tuy nhiên, vấn đề công nhận di tích, bảo tồn và phát huy giá trị của những di tích lịch sử là vấn đề nhiều đại biểu trăn trở.

Minh chứng cho hào khí dân tộc

PGS.TS Bùi Văn Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học nêu quan điểm: Bước đầu xét nghiệm C14 cùng với những tư liệu khoa học, sử học cho thấy sự trùng hợp khách quan và hợp lý về một chiến trận Bạch Đằng năm 1288. Đây là những kết quả khảo cổ quý bổ sung trực tiếp cho tư liệu quý về lịch sử thành phố Hải Phòng và lịch sử Việt Nam.

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng, cùng các nhà khoa học thăm thực địa bãi cọc nghìn năm tuổi
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng, cùng các nhà khoa học thăm thực địa bãi cọc nghìn năm tuổi

Tại hội nghị, PGS.TS Doãn Đình Lâm, Viện địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam có những phân tích khách quan, khoa học về đặc điểm, địa hình, địa mạo, địa chất nơi phát lộ bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ.

Từ những chứng cứ khoa học, PGS.TS Doãn Đình Lâm cho rằng, bãi cọc là một quần thể lớn minh chứng cho hào khí dân tộc đời Trần với những chiến công vang dội trên sông Bạch Đằng.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phát biểu tại hội nghị
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phát biểu tại hội nghị 

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, việc phát hiện bãi cọc nghìn tuổi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định rõ hơn những gì các nhà khoa học nghiên cứu từ trước đến nay đều có cơ sở. Việc công nhận đây là chiến trường Bạch Đằng thể hiện sự tôn trọng công đức của tổ tiên.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, từ lúc phát hiện bãi cọc đến nay là 2 tháng với những kết luận khoa học, đó là sự vui mừng là thành tựu lớn. Với những chứng tích khoa học lộ diện, hoàn toàn không chủ quan khi cho rằng, đó là dấu tích của chiến trận Bạch Đằng. Hiếm có nơi nào có di chỉ hoàn chỉnh như thế.

Đẩy mạnh  nghiên cứu, xếp hạng di tích 

Tại hội nghị, nhiều đại biểu nêu lên những trăn trở về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. 

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam mong muốn, TP. Hải Phòng đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, phát huy, xếp hạng di tích lịch sử, xếp hạng giá trị di sản văn hóa.

TS. Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa, Bộ Văn hóa đồng ý với quan điểm đây là những phát hiện quan trọng liên quan đến chiến trận Bạch Đằng. Tuy nhiên, cần nghiên cứu tổng thể, mở rộng ra khu vực khác. Trước hết, Sở Văn hóa Hải Phòng tham mưu với UBND thành phố đưa ra danh mục kiểm kê di tích, sau đó mới tính đến việc xếp loại di tích.

GS.TSKH Vũ Minh Giang phát biểu tại hội nghị
GS.TSKH Vũ Minh Giang phát biểu tại hội nghị 

GS.TSKH Vũ Minh Giang- Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử- Khảo cổ- Dân tộc học, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho hay: Giải pháp bảo tổn, phát huy giá trị di tích là điều thành phố Hải Phòng cần tính đến. Việc xây dựng bảo tàng tái hiện những chiến tích đời trần là một ý tưởng mà GS.TSKH Vũ Minh Giang đưa ra trong hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho rằng việc phát hiện bãi cọc Bạch Đằng mang lại ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với chính quyền và nhân dân thành phố. Những chứng tích lịch sử này là cơ hội để hậu thế tiếp nối quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, làm sáng tỏ những điều còn ẩn dấu trong lòng đất; nhằm khẳng định hơn nữa vai trò của dòng sông Bạch Đằng, của vùng đất Hải Phòng trong những giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Ông Lê Văn Thành Khẳng định, việc khai quật được bãi cọc Bạch Đằng tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên là vô cùng ý nghĩa, song việc bảo tồn và phát huy còn quan trọng hơn. Đây là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng trước lịch sử dân tộc và cũng là trách nhiệm với những thế hệ mai sau.


Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ