Hành động quyết liệt theo phương châm cân bằng

GD&TĐ - Để tạo ra sự chuyển biến căn bản về giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, nhà giáo đóng vai trò rất quan trọng. Xung quanh vấn đề này, Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Sự gắn kết giữa GV và HS góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh. Ảnh: GV Trường THPT Lê Hồng Phong, TPHCM với HS
Sự gắn kết giữa GV và HS góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh. Ảnh: GV Trường THPT Lê Hồng Phong, TPHCM với HS

Đẩy mạnh giáo dục học sinh sống cân bằng

- Vai trò của nhà trường và nhà giáo là chủ công để tạo ra sự chuyển biến căn bản về giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Nhưng để thực hiện vai trò này, cần lưu ý những điều gì, thưa ông?

- Đầu tiên, có thể khẳng định Bộ GD&ĐT phát động phong trào xây dựng môi trường học đường thân thiện như là một trong những vấn đề quan trọng cần được tiếp tục triển khai. Thế nhưng thế nào là môi trường thân thiện, môi trường này có những tiêu chuẩn nào cần đảm bảo? Khi mọi yếu tố chưa quy thành những tiêu chí có thể đo lường thì vấn đề sẽ khó được giải quyết. Đây là vấn đề phải trở thành tầm nhìn và sứ mạng của từng trường. Thậm chí đó phải là giá trị cốt lõi của trường học được hun đúc, dựng xây và tỏa sáng.

Song song đó, cần quan tâm đến những thành tựu của Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” đã triển khai và tiếp tục thực hiện với những giải pháp mới được điều chỉnh, lựa chọn có trọng điểm.

Nhưng để thể hiện vai trò chủ công, nhà trường và nhà giáo cần phải ý thức cao và quán triệt một cách tuyệt đối rằng, giáo dục học sinh nên người, sống khỏe, sống lành mạnh, sống cân bằng mới là mục tiêu đúng nghĩa.

Sống cân bằng là vấn đề chúng tôi đang quan tâm nghiên cứu trong khoảng 2 năm nay với các chiến lược tác động đồng bộ, điều chỉnh kế hoạch hoạt động của trường, phát triển hoạt động chăm sóc tinh thần cho các em.

Cụ thể hơn, nhà giáo cần mẫu mực, bảo đảm đạo đức nghề nghiệp và làm nghề theo phương châm vì hạnh phúc của học trò; Trường học cần có kế hoạch và bảo đảm triển khai có giám sát hoạt động giáo dục lối sống, tư vấn tâm lý học đường, tương tác với học sinh trên nguyên tắc tôn trọng và bình đẳng... Chủ công khi và chỉ khi có suy nghĩ tích cực, ý thức và kiên quyết phải hành động, hành động quyết liệt theo phương châm cân bằng để phòng tránh... là những gì cần bảo đảm.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn. Ảnh: NVCC
 PGS.TS Huỳnh Văn Sơn. Ảnh: NVCC

Nâng cao năng lực người thầy

- Năng lực sư phạm và kỹ năng xử lý tình huống của GV là những vấn đề đáng bàn để giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh hiệu quả. Các trường sư phạm đã quan tâm đến khía cạnh này như thế nào, thưa ông?

- Khoan đề cập về tính khả thi của việc các trường sư phạm khi tuyển chọn SV trúng tuyển và tốt nghiệp ra trường có thể bảo đảm vấn đề này hay không mà việc chúng ta đã “mang” vào trong suy nghĩ của chính những người đang sống của xã hội này thế nào?

Liệu có chăng hàng ngày hàng giờ chúng ta đang mong đợi con cái phải hơn người khác, phải học giỏi, phải đỗ đạt cao, phải và phải... Sinh viên hay học sinh cũng là một “sản phẩm” tư duy của xã hội là vậy. Nói thế để thấy rằng, nhà trường sư phạm đã nỗ lực để lồng ghép và trang bị những vấn đề về đạo đức nghề giáo, về những kỹ thuật nghiệp vụ có liên quan đến việc giáo dục học sinh.

Tuy nhiên, chọn sinh viên phải quan tâm nhiều đến vấn đề hành vi, đạo đức nghề là điểm các trường sư phạm có thể tiếp tục nghiên cứu... Những khảo sát ban đầu về tính cách và dự báo hành vi của Tâm lý học có thể có những kết quả nhất định nếu người được đánh giá tham gia... Và việc tuyển dụng GV cần nhìn nhận lại phương thức, tiêu chí cũng như các công cụ tuyển để tránh những nguy cơ bạo lực học sinh là điều cũng cần thực hiện

- Có ý kiến cho rằng sự phát triển quá nhanh của kinh tế, khoa học công nghệ trên thế giới trong những năm gần đây khiến nền tảng đạo đức cũng như những truyền thống giá trị nhân văn của con người bị phai nhạt đi nhiều so với trước đây? Là một nhà giáo, chuyên gia về tâm lý, ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Sẽ không thể trách một xã hội công nghiệp ở thời gian đầu có thể làm cho người ta vội hơn… Sẽ khó có thể đổ lỗi cho xã hội đang phát triển với hàng loạt những thách thức có thể làm cho con người căng thẳng, áp lực… Nhưng rõ ràng, không thể phủ nhận sự hung hăng của con người có những biểu hiện gia tăng khi nhiều vụ giải quyết mâu thuẫn, xung đột bằng nắm đấm.

Đó là biểu hiện của sự hung hãn, của hành vi bạo lực, của sự bế tắc trong ứng xử văn hóa và nhân văn của con người. Và như thế, chắc chắn rằng chính sự phát triển của kinh tế, của khoa học công nghệ… khiến nền tảng đạo đức cũng như những truyền thống giá trị nhân văn của con người bị phai nhạt nhất định. Nhưng chính con người mới là yếu tốt lõi để bảo đảm nhân cách mình phát triển có chủ định nên không thể vin vào xã hội mà chỉ nhìn sự tác động ấy trong cái nhìn đa chiều.

Thế nhưng, cũng cần nhìn nhận những chương trình hành động hay chiến lược để bảo đảm sự phát triển cân bằng của con người, sự phát triển bền vững của xã hội phải song hành. Có thể nhấn mạnh những chiến lược hay những dự án dài hơi về giáo dục tính nhân văn, ứng xử hòa bình, nhân ái… theo những chuẩn mực chưa được thực thi một cách bài bản. Đây chính là độ chênh giữa sự phát triển kinh tế và sự chuẩn bị cân bằng với độ “sâu - bền” của xã hội… Hơn ai hết, những người có trách nhiệm cần nhìn nhận vấn đề này bằng một thái độ cầu thị và chịu trách nhiệm…

Tôi cho rằng, những đề án hay những kế hoạch tầm quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề này đã và đang hoàn thiện. Những kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học cấp Nhà nước, những đề án quốc gia sẽ mang đến các giải pháp mới, quan trọng nhất vẫn là sự quyết tâm và đồng lòng của chúng ta bởi trách nhiệm này không phải của riêng ai.

- Xin cám ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ