Hạnh phúc của người thầy: Người đỡ đầu của học sinh khó khăn

GD&TĐ - Ngoài giờ lên lớp, hễ nghe ở đâu có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ là cô Nguyễn Mỹ Phương (giáo viên Trường THPT Tứ Kiệt, TX. Cai Lậy) lại tất tả xoắn tay áo tìm đến tận chỗ để hỗ trợ. 

 Cô Nguyễn Mỹ Phương được đồng nghiệp và học sinh hết mực yêu quý.
Cô Nguyễn Mỹ Phương được đồng nghiệp và học sinh hết mực yêu quý.

Hơn 20 năm qua, không quản nhọc nhằn, bằng cả trái tim và lòng nhân ái của mình, hàng ngàn học sinh có hoàn cảnh khó khăn được cô giúp đỡ đã được cắp sách đến trường, nhiều gia đình đã thoát cảnh nghèo, vươn lên cải thiện cuộc sống.

Cô Phương cho biết, không biết tự bao giờ mà “máu” làm từ thiện lại sôi sục trong người mình. Với cô, quan niệm về cuộc sống có nghĩa là cho đi và không nhận gì về cho riêng mình. Và cũng chính vì vậy mà hình ảnh về những học trò nghèo chân lắm tay bùn, khao khát cháy bổng được đến trường hay đó là những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật lúc nào cũng ám ảnh trong cô và để rồi đó là cái duyên, cái nghiệp đã đưa đẩy cô đi làm công tác thiện nguyện.

Ngồi trầm ngâm suy tư, cô Phương cho biết mình không còn nhớ mình đã giúp đỡ bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn nữa. Mỗi cảnh đời, mỗi số phận khác nhau nhưng động lại đằng sau những việc làm nghĩa hiệp ấy chắc có lẽ điều mà cô mong muốn nhất là họ sẽ thay đổi số phận, cuộc sống sẽ bớt vất vả, nhọc nhằn hơn.

Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, mang trong lòng bầu nhiệt huyết cháy bỏng, cô giáo trẻ Mỹ Phương đã quyết định chọn Trường THPT Tứ Kiệt làm nơi công tác của mình. Hồi ấy, học trò ở đây cuộc sống cơ cực lắm, đồng lương giáo viên cũng không mấy dư dả. Ấy thế mà hễ nghe đứa học trò nào nghèo mà có ý chí ham học thế là cô xoắn tay vào kêu gọi hỗ trợ, thậm chí là trích phần lương của mình cho học trò luôn.

Dần dà, cô Phương bén duyên với việc thiện nguyện lúc nào cũng không hay. Cô Phương cùng nhóm bạn học Đại học Ngữ Văn của mình lập ra nhóm thiện nguyện để nâng bước học sinh nghèo đến trường. Nhóm cũng không có cái tên gì cao sang chỉ gọi đó là Nhóm Văn K20.

Mỗi người một quê, một việc làm khác nhau hễ ai có hoàn cảnh khó khăn nào cần giúp đỡ là các anh, chị lại xúm tay nhau lo cho các em. Tiếng lành đồn xa, nghĩa cử cao đẹp của cô Phương được nhiều người biết đến. Và mỗi khi thấy trong trường hay là ngoài xã hội có hoàn cảnh nào khó khăn cần giúp đỡ là mặc nhiên người ta lại giới thiệu tìm đến cô Phương. Trong suốt hơn 20 năm qua, đã có hàng ngàn hoàn cảnh, mảnh đời đã được cô tận tâm giúp đỡ.

Kể về em Trương Thị Hiền, một cựu học sinh của trường, cô Phương vẫn không kìm được nước mắt và khâm phục nghị lực vượt khó của em. Biết Hiền từ lúc em học lớp 7 trong một lần đi phát quà từ thiện. Thấy em học giỏi, gia cảnh nghèo khó, cô Phương đã vận động mạnh thường quân, tìm nguồn học bổng hỗ trợ cho em trong suốt những năm học cấp 2.

Sang năm cấp 3, cơ duyên hai cô trò gặp nhau. Thế nhưng chuyện trớ trêu thay mẹ em bị tai biến, cuộc sống gia đình rơi vào túng quẫn và Hiền phải đứng trước nguy cơ bỏ học. Thế là một lần nữa cô Phương lại tìm vận động hỗ trợ để em có thể vững bước những năm học THPT. Không phụ lòng cô giáo, cuối năm học lớp 12, Hiền đã xuất sắc đậu vào ngành Du lịch của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Thấy em có ý chí ham học vậy là thêm một lần nữa cô Phương xoắn tay áo đi vận động mạnh thường quân hỗ trợ học phí cho em. Vậy là Hiền đã hết năm thứ nhất của Đại học và cô Phương cũng đã vui vì đã giúp em có thể đeo đuổi ước mơ học tập của mình.

Không riêng gì Hiền mà đã có rất nhiều hoàn cảnh, mảnh đời được cô Phương cưu mang, giúp đỡ. Nhiều hoàn cảnh đã vượt qua nghịch cảnh, ổn định cuộc sống từ sự giúp đỡ của cô thế nhưng cũng có những trường hợp kém may mắn, vắn số trên cõi đời này. Và những lúc ấy cô Phương lại tự dằn dặt, đau đáu tự trách bản thân mình. Cô Phương vẫn còn nhớ như in trường hợp của cô học trò cũ của mình Nguyễn Thị Kim Xuyến.

Năm ấy là năm 2003, Xuyến là học sinh lớp 11 của trường. Nhà nghèo, mang trong mình căn bệnh u não, Xuyến ao ước có được căn nhà che nắng che mưa cho gia đình. Vậy là cô Phương vận động mạnh thường quân giúp đỡ cho Xuyến xây nhà. Căn nhà cất xong chưa được bao lâu, Xuyến đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ.

Nói về Xuyến, cô Phương cho biết, rất vui khi được chung tay thực hiện ước nguyện cuối cùng của em thế nhưng cũng rất buồn khi em còn trẻ mà lại ra đi sớm, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhiều người ở lại.

Hiện tại, điều mà cô vui nhất trên bước đường làm thiện nguyện của mình chắc có lẽ là thông cảm và sẻ chia từ chính người chồng và cũng chính là người đồng nghiệp của mình. Những ngày sắp hè đây được xem là khoảng thời gian bận bịu của hai vợ chồng cô Phương. Người ta sẽ ít thấy thầy và cô ở nhà bởi 2 người phải bận bịu, ngược xuôi đi xin sách cũ cho học trò nghèo.

Cô kể lúc trước có khoảng vài tháng khi nhà còn ở Nhị Quý, cô Phương có mở một thư viện với hơn 6.000 đầu sách, truyện cho học trò nghèo đọc miễn phí. Thế nhưng do cuộc sống gia đình phải chuyển nơi ở, không duy trì được hoạt động của thư viện đó cũng là điều mà cô Phương cũng đang trăn trở.

20 năm làm công việc thiện nguyện, cô Phương vẫn không nhớ nỗi mình đã giúp đỡ cho bao nhiêu hoàn cảnh, mảnh đời. Với cô Phương cuộc sống cho đi là điều hạnh phúc và cô không có ý định nhận lại bất cứ điều gì cho riêng mình.

Theo cô Phương có 3 điều mà cô cảm thấy cuộc sống mình vui và hạnh phúc ở cuộc sống hiện tại đó là thứ nhất có cuộc sống gia đình hạnh phúc, thứ hai là được tiếp tục cống hiến với nghề giáo và thứ ba là được làm công việc thiện nguyện. Nhiều học trò trước đây nhận sự giúp đỡ từ cô nay đã thành đạt quay về trả ơn cô thế nhưng cô đã từ chối và gợi ý cho các bạn hãy cùng cô chung tay hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn khác.

Có một trường hợp mà đến giờ cô Phương vẫn còn canh cánh trong lòng và vô cùng xúc động. Đó là hoàn cảnh của cô chú Mười (hàng xóm trước đây của cô Phương ở Nhị Quý) bị bệnh tâm thần có con trai học giỏi được cô Phương giúp đỡ, hiện tại đang là sinh viên Trường Đại học Cần Thơ.

“Lúc dời nhà về nơi khác, hai vợ chồng đi trong im lặng. Ấy vậy mà hồi trước Tết, khi gia đình về quê ở Bến Tre, cô chú Mười lại cọc cạch đạp xe đạp đem mớ trái cây, mớ rau vượt quãng đường hơn chục cây số lên biếu cho gia đình. Khi về đến nơi nhìn thấy đôi vợ chồng già mà tôi rơi nước mắt. Tôi khóc ở đây đó là cảm động không chỉ là tình hàng xóm láng giềng và hơn hết đó là tình người lớn lao, dẫu biết rằng cô chú cũng hiện đang bị bệnh thế nhưng lại lặn lội lên tới tận nhà mà khi trong túi hai vợ chồng chỉ có 12 ngàn đồng ”, cô Phương xúc động kể.

Nói về cô Phương, Hiệu trưởng Phạm Văn Nghĩa cho biết, cô Phương không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà ở cô còn thấy được tấm lòng hết mình vì mọi người. Cô tích cực tham gia hội khuyến học của trường, vận động nhiều mạnh thường quân ủng hộ cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Thật đáng quý trong cuộc sống hiện nay lại có một giáo viên vừa có tài, vừa có tâm như vậy.

Tấm lòng của giáo Phương thật đáng cho người ta nể phục nhất là trong thời đại hiện nay để tìm được người giáo viên vừa có đức vừa có tài như thế quả thật là điều không dễ dàng chút nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.