Hiệu quả tích cực từ GD kĩ năng sống cho HS bán trú dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Giáo dục kĩ năng sống cho HS nhất là HS các trường bán trú, là nhiệm vụ quan trọng của các nhà trường. Đối với các em HS là người DTTS, hoạt động rèn kỹ năng sống đã mang lại nhiều hiệu quả, góp phần tích cực nâng cao tính tự giác cho các em ở trường.

HS đến ở nội trú biết tự lập trong sinh hoạt hàng ngày
HS đến ở nội trú biết tự lập trong sinh hoạt hàng ngày

Rèn ý thức tự giác

Khi đến từng phòng ở bán trú của các em HS Trường Tiểu học và THCS số 2 Cam Cọn (Lào Cai), ai cũng nhận thấy sự gọn gàng, sạch sẽ. Sở dĩ khuôn viên nhà trường và khu vực nhà bán trú của HS giữ được sạch sẽ và gọn gàng như vậy là nhờ có sự chỉ đạo sát sao, quan tâm sâu sắc của BGH nhà trường, đặc biệt là ý thức tự giác của các em HS.

Thầy Đào Đình Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhằm thực hiện công tác GD toàn diện trong nhà trường, triển khai các nhiệm vụ về xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, trường học thân thiện, công tác vệ sinh chung và giữ gìn vệ sinh khu vực nhà ở bán trú của HS, được nhà trường đưa vào làm một trong các tiêu chí đánh giá thi đua hàng tuần của các lớp. Cộng với việc kiểm tra, giám sát, chấm điểm thường xuyên của tổ HS tự quản của trường đã khiến cho các em HS tự giác chấp hành nội quy, quy định trong giữ gìn vệ sinh chung.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai, rèn luyện tác phong, kỹ năng sống đang được áp dụng cho tất cả các trường nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này được tổ chức linh hoạt tùy theo điều kiện của mỗi trường nhưng bắt buộc phải diễn ra thường xuyên, liên tục, giúp các em HS hình thành thói quen, nếp sống, kỹ năng, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nội trú, bán trú cũng như hiệu quả công tác dạy và học. 

Được các thầy cô giáo trong trường hướng dẫn gấp chăn màn, buổi sáng, HS từ đầu năm học, các em đã biết dậy sớm để gấp chăn màn, vệ sinh cá nhân và lau dọn phòng sạch sẽ trước khi ăn sáng và lên lớp. Đặc biệt, khi có tổ tự quản, quản lí, các em không chỉ tự giác gấp chăn vuông như bộ đội và vệ sinh chung khu vực nhà ở bán trú, mà còn tự giác trồng rau, nuôi lợn phục vụ công tác nấu ăn.

Thầy Đào Đình Nguyên cho biết: Các em hầu hết là con em các DTTS, trong đó có nhiều em từ các bản xa đến học tập và ở bán trú tại trường, mang theo rất nhiều tập tục lạc hậu, thiếu kỹ năng thực hành, giao tiếp, giải quyết vấn đề, đối phó với những khó khăn trong cuộc sống và khả năng tự phục vụ bản thân… Đến đây ngoài việc học kiến thức, các em cũng được rèn luyện thêm các kỹ năng, góp phần làm cho cuộc sống cá nhân và cộng đồng tốt đẹp hơn.

Khu nội trú của HS Trường Tiểu học và THCS số 2 Cam Cọn (Lào Cai) luôn sạch sẽ và ngăn nắp
  • Khu nội trú của HS Trường Tiểu học và THCS số 2 Cam Cọn (Lào Cai) luôn sạch sẽ và ngăn nắp

Giúp HS nâng cao kỹ năng sống

Có 792 HS với 163 em bán trú Trường PTDTBT Tiểu học Trung Chải năm học 2018 - 2019 tiếp tục thực hiện mô hình “Trường học bán trú chính quy - an toàn - kỷ cương - nề nếp và tự quản”.

Hiểu được vai trò quan trọng của việc rèn kỹ năng sống cho HS bán trú, trong những năm qua BGH nhà trường đã đưa ra rất nhiều hoạt động đa dạng, phong phú nhằm triển khai sâu, rộng và có hiệu quả kỹ năng sống cho các em HS bán trú, từ những việc nhỏ như mắc màn trước khi đi ngủ, thể dục buổi sáng, vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn gọn gàng vào buổi sáng, tắm và giặt quần áo mỗi ngày, vui chơi giải trí, kĩ năng chào hỏi...

Thầy Đỗ Công Hoàn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài việc trang bị kiến thức cho các em ra thì việc rèn luyện các kĩ năng sống mang ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp phát triển GD vùng cao; để sau khi rời khỏi ghế nhà trường, tiếp tục học lên cao hay trở về địa phương tham gia lao động sản xuất thì các em cũng đã có đủ những kiến thức cũng như kĩ năng sống...

Cũng theo thầy Hoàn, khi bước vào bán trú, các em phải sống trong môi trường tập thể. Nếu không có những kiến thức, kỹ năng về cuộc sống cần thiết, các em sẽ vấp phải những khó khăn nhất định. Vì thế, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức diễn tập cho HS bán trú nhằm duy trì nền nếp hoạt động, đồng thời rèn cho các em một số kĩ năng cơ bản, nếp ăn, ở. Những hoạt động trong buổi diễn tập đều diễn ra theo hiệu lệnh kẻng. Hàng tháng vào thứ Năm của tuần thứ hai, nhà trường tổ chức diễn tập cho các em. Hoạt động diễn tập đã trở nên quen thuộc. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ