Học sinh Thụy Sĩ: Kỳ nghỉ mang tên “cách ly”

Học sinh Thụy Sĩ: Kỳ nghỉ mang tên “cách ly”

Một cuộc khảo sát gần đây của Viện Quản lý giáo dục và Kinh tế giáo dục (Institut für Bildungsmanagement und Bildungsökonomie IBB) thuộc Trường Đại học Sư phạm bang Zug, cho thấy có HS học gần 5 giờ/ngày, nhưng cũng có em chỉ học khoảng 1 - 2 giờ/ngày. 

Tham gia cuộc khảo sát có 7.100 người, bao gồm HS, phụ huynh, GV và các thành phần khác ở 3 nước Thụy Sĩ, Đức và Áo. Mục tiêu cuộc khảo sát là tìm hiểu hệ thống giáo dục của các quốc gia nói tiếng Đức này đối phó với những thách thức và hiểm họa do đại dịch Covid-19 gây ra như thế nào.

Do đại dịch, các trường phổ thông Thụy Sĩ đã đóng cửa từ ngày 16/3 và gần một triệu HS các trường trung học được chuyển sang học từ xa. Theo thông báo mới đây của chính phủ Thụy Sĩ, từ ngày 11/5, các trường phổ thông sẽ mở cửa theo từng giai đoạn: Đầu tiên là HS tiểu học, HS trung học sẽ đến trường muộn hơn, vào tháng 6.

Khoảng 20% HS có lý do gây lo lắng

Học sinh Thụy Sĩ: Kỳ nghỉ mang tên “cách ly” ảnh 1
Bảng 1: Những công việc được HS Thụy Sĩ làm trong thời gian cách ly phòng dịch
Học sinh Thụy Sĩ: Kỳ nghỉ mang tên “cách ly” ảnh 2
Bảng 2: Tỷ lệ học sinh Thụy Sĩ dành thời gian cho học trực tuyến.

Điều khiến các chuyên gia hết sức lo lắng là có 20% số HS ở độ tuổi từ 10 - 19 dành chưa đầy 9 giờ/tuần cho học trực tuyến. “Gần 1/5 số HS coi thời gian cách ly phòng dịch như một kỳ nghỉ, ngày cuối tuần hoặc một trải nghiệm căng thẳng nào đấy. Đáng chú ý là gần 1/5 số HS không sử dụng thời gian cách ly để học tập”, ông Stephan Huber, Viện trưởng Viện Quản lý giáo dục và Kinh tế giáo dục kiêm phụ trách công trình khảo sát phát biểu.

Tại sao lại xảy ra điều đó? Thông thường, tình hình này được giải thích là do HS thiếu động cơ hoặc thiếu sự hỗ trợ và các điều kiện học trực tuyến ở nhà. Ông Stephan Huber cũng cho biết, ở Thụy Sĩ, một số trường phổ thông phải mua quyền truy cập Internet cho HS để các em có điều kiện học tập, trong khi ở quốc gia này từ lâu Internet đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong mỗi gia đình.

Nói cách khác, đối với hệ thống giáo dục, dạy học từ xa không những là một cơ hội mà còn là rủi ro, dẫn đến sự gia tăng khoảng cách giữa các gia đình có điều kiện kinh tế khác nhau. “Còn ở phía ngược lại, có khoảng 1/3 tổng số HS dành 25 giờ/tuần, thậm chí nhiều hơn cho việc học trực tuyến” - ông Stephan Huber nói trong một cuộc trò chuyện với phóng viên báo swissinfo.ch. Còn 1/3 số HS khác dành trung bình khoảng 20 giờ/tuần cho việc học tập.

Bất bình đẳng trong GD

Học sinh Thụy Sĩ: Kỳ nghỉ mang tên “cách ly” ảnh 3
HS Thụy Sĩ đang học trực tuyến ở nhà.

Gần đây các chuyên gia giáo dục Thụy Sĩ tỏ ra lo ngại về việc chuyển sang học từ xa có thể góp phần làm gia tăng khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các gia đình có điều kiện kinh tế khác nhau, tuy nhiên, khoảng cách này từ lâu là một vấn đề nan giải ở nước này.

Ví dụ, các số liệu cho thấy rất rõ, con của những người có trình độ đại học thường có nhiều khả năng vào học những trường phổ thông, nơi HS được chuẩn bị vào đại học hơn con của các gia đình không thuộc giới hàn lâm và bố mẹ có trình độ học vấn thấp hơn (50,6% so với 12,2% tương ứng).

Ông Stephan Huber cũng cảnh báo, nhà trường đóng cửa càng lâu, khoảng cách giáo dục này sẽ càng lớn. Đồng thời, theo số liệu nhiều nghiên cứu được thực hiện ở các quốc gia khác nhau, chính thời gian dành cho việc học tập là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định kết quả cuối cùng của quá trình giáo dục.

GV được đánh giá cao

Tuy nhiên, vẫn còn có những thông tin lạc quan. Kết quả khảo sát cũng cho thấy có đến 50% số HS nói rằng các em thấy “thiếu bạn bè”, các em “nhớ trường”. Ngạc nhiên không kém là các bậc phụ huynh bắt đầu tỏ ra tôn trọng GV hơn.

“Báo cáo khảo sát trích dẫn một số ý kiến của phụ huynh HS nói, sau khi ngồi ở nhà vài tuần hướng dẫn con học tập, bỗng nhiên họ bắt đầu đánh giá cao công việc của GV. Và điều này thật dễ hiểu: Từ kinh nghiệm của chính mình, các bậc phụ huynh phát hiện ra việc dạy con khó khăn như thế nào”, ông Stephan Huber nhấn mạnh.

Cuộc khảo sát cũng phát hiện ra “một bộ phận lớn GV, hiệu trưởng các trường phổ thông và trường phổ thông sử dụng tình huống bắt buộc này để thúc đẩy việc dạy học kỹ thuật số” - ông Stephan Huber bổ sung - “Ngay cả khi việc trang bị kỹ thuật của các trường khác nhau, thậm chí của các lớp khác nhau trong cùng một trường có thể ở những mức độ khác nhau, thì dù sao ở đây, vấn đề động cơ vẫn đóng vai trò quan trọng”.

“Các trường phổ thông sử dụng môi trường dạy học kỹ thuật số để phân hóa các nhiệm vụ và điều chỉnh việc dạy học theo nhu cầu của mỗi HS. Không loại trừ khả năng, sau khi kết thúc việc cách ly phòng dịch ở Thụy Sĩ, hình thức dạy học kết hợp học trên lớp với học kỹ thuật số từ xa - sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai” - ông Stephan Huber kết luận.

Theo swissinfo.ch

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ