Học tập tham quan trải nghiệm: Bình an cho mỗi chuyến đi

Học tập tham quan trải nghiệm: Bình an cho mỗi chuyến đi

25 năm của cuộc đời làm nghề dạy học là ngần ấy năm tôi tổ chức và đồng tổ chức cho các em học sinh tham quan, du khảo ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Thường là mỗi năm một chuyến. Có năm hai chuyến. Số lượng dao động từ bốn năm mươi em cho đến một hai trăm em.

Phương tiện có lúc là xe, có lúc là tàu. Nếu gần trường thì thầy trò cùng đi xe đạp như về thăm làng hoa Sa- Đéc chẳng hạn. Thông thường thời gian đi gói gọn trong một ngày. Thi thoảng có chuyến học sinh được qua đêm như về nguồn thăm lại quê hương Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu (Long Đất - Bà Rịa - Vũng Tàu) mà trường được mang tên.

May mắn là trong suốt chừng ấy năm không xảy ra sự cố gì. Học sinh an toàn tuyệt đối. Nhớ lại cách làm, tôi thấy có mấy điều cần chia sẻ với đồng nghiệp.

Kế hoạch tham quan, ngoại khóa phải chu đáo

Kế hoạch tham quan, ngoại khóa phải báo cho cha mẹ học sinh biết ngay từ đầu năm. Nội dung cụ thể cũng được báo cáo hiệu trưởng nhà trường. Thời gian tổ chức, các điểm đi, đến, giờ giấc xuất phát, trở về phải chính xác. Các em học sinh được giới thiệu mục đích chuyến đi cũng như yêu cầu của thầy cô là gì. Cha mẹ học sinh đồng ý cho con tham gia phải ghi rõ ý kiến vào thông báo của thầy gởi cho gia đình.

Trước ngày đi, các em được sinh hoạt về những điều được làm và không được làm để đạt độ an toàn tốt nhất. Số điện thoại cá nhân, cha mẹ được cập nhât nhanh nhất để có sự liên hệ khi cần thiết. Thuốc phòng bệnh, sơ cứu thương tích luôn được chuẩn bị chu đáo, ngay cả túi nôn cũng không được quên. Tôi luôn nhắc nhở học sinh thông tin về tình hình sức khỏe cá nhân để quyết định có nên tham gia hay không. Trong lúc tham gia nếu thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, các em cần báo ngay cho thầy cô để có cách giải quyết tốt nhất như uống thuốc hay ghé vào trạm xá gần nhất…

Các em được nhắc nhở chuẩn bị quần áo, giày dép, mũ nón… cho phù hợp. Tuyệt đối không mang vật trang sức quý giá và quá nhiều tiền. Sử dụng điện thoại như thế nào để an toàn, tránh bị kẻ gian lợi dụng. Việc ăn uống phải chọn nơi có độ tin cậy cao, nhắc học sinh không tự ý vào hàng quán, sử dụng thức ăn, thức uống không rõ nguồn gốc. Trên đường đi, luôn coi trọng thông tin về sức khỏe học sinh cho gia đình biết.

Phân công nhân sự kỹ lưỡng để theo sát học sinh

Điều cần thiết là có sự phân công để theo sát học sinh. Các thầy cô tham gia chuyến tham quan cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, không để sai sót xảy ra. Ngay cả vị trí trên xe cũng được chú ý, không nên ngồi gom một chỗ, bỏ mặc học sinh. Nhắc nhở học sinh thường xuyên về việc chấp hành nội quy của đoàn. Tuyệt đối không được tách đoàn hay có những hoạt động cá nhân tự phát. Việc thực hiện giờ giấc phải nghiêm túc. Khi hoạt động, học sinh được khuyến cáo nên có bạn đi cùng để có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết. Mỗi lần lên xuống xe, ra vào điểm tham quan luôn kiểm tra số lượng học sinh cẩn thận, không để học sinh thất lạc hay tự ý đi nơi khác.

Để lãnh đạo nhà trường và gia đình biết được hoạt động của đoàn, thầy trò thường xuyên gửi hình ảnh, thông tin có liên quan về trường. Kết thúc chuyến đi, hình ảnh và các clip của đoàn sẽ được giới thiệu cho toàn trường biết để học hỏi tổ chức cho chuyến sau.

Một điều đáng lưu ý là khi sử dụng phương tiện tàu thuyền, các em được nhắc nhở tuân theo quy định an toàn đường thủy như phải mặc áo phao, giữ trật tự trên tàu khi lên xuống… Nói chung không chọn địa điểm mà các em có thể gặp tai nạn đuối nước như sông, biển…

Lịch hoạt động của chuyến đi được tính toán sao cho phù hợp với sức khỏe của các em. Thời gian nghỉ ngơi cũng phải đủ cho việc hồi phục để tham gia tiếp tục. Nước uống được cung cấp đầy đủ tranh hiện tượng say nắng, suy kiệt. Ngay cả trang phục, tôi luôn nhắc học sinh mang theo bộ dự phòng để khi cần thiết có thể thay đổi cho hợp vệ sinh. Các trò chơi vận động được xem xét kỹ tránh gây thương tích, khó giải quyết trên đường đi.

Cuối cùng, khi tổ chức tham quan, thầy cô luôn ghi nhớ an toàn cho học sinh là điều quan trọng nhất. Đến trước để đón các em nhưng lên xe sau các em, ăn uống sau các em, chỉ về sau khi các em đã được cha mẹ đón về.

Có lẽ luôn tuân thủ những điều nói trên, tôi đã có những chuyến đi thành công như vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.