Hồng Kông (Trung Quốc): Tỷ lệ bỏ học dự kiến tăng cao do Covid-19

Hồng Kông (Trung Quốc): Tỷ lệ bỏ học dự kiến tăng cao do Covid-19

Tao Xiaorong đã dành một tháng tiền thuê nhà để mua cho cậu con trai 12 tuổi một chiếc máy tính xách tay đã qua sử dụng, sau khi các trường học ở Hồng Kông đóng cửa và chuyển sang giảng dạy trực tuyến. Do kết nối Internet thiếu ổn định, cậu bé thường gặp khó khăn khi học.

“Thằng bé rất thất vọng và lấy đó làm cớ để không học hành chăm chỉ. Điểm thi của con tôi thường dưới mức trung bình và tôi sợ tình hình sẽ tồi tệ hơn”, bà mẹ đơn thân nói.

Họ nằm trong số 1,4 triệu cư dân - 20% dân số, sống tại khu vực dành cho người nghèo. Tình trạng của gia đình bà Tao được coi là một trong những ví dụ về sự phân chia GD đang trở nên tồi tệ trên khắp thế giới. Đại dịch buộc các trường học đóng cửa, khiến HS khó khăn có nguy cơ bỏ học cao hơn, không vào được trường ĐH và phải đối mặt với trầm cảm, suy dinh dưỡng.

Trước bối cảnh Hồng Kông chuẩn bị mở lại trường học sau 4 tháng đóng cửa, các nhà GD đang tìm cách thu hẹp khoảng cách học tập giữa người học. Sự chênh lệch GD ở Hồng Kông được cho là đã đưa ra một cái nhìn thoáng qua về cuộc đấu tranh mà nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt.

“Chúng ta sẽ thấy sự chênh lệch lớn hơn. HS từ các gia đình có thu nhập thấp và không được hỗ trợ sẽ khó khăn gấp đôi và đại dịch khiến họ càng khó bắt kịp hơn”, ông Cheng Yong Tan - Giám đốc Trung tâm Vì sự tiến bộ trong GD hòa nhập và đặc biệt tại Trường ĐH Hồng Kông, nhận định.

Theo UNESCO, có tới gần 160 quốc gia phải đóng cửa trường học do đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến hơn 1,2 tỷ HS. Một báo cáo của UNESCO vào tháng 3 đã cảnh báo về tỷ lệ bỏ học gia tăng, suy dinh dưỡng, cô lập và tăng cường tiếp xúc với bạo lực cũng như bị bóc lột do trường học đóng cửa dài ngày.

Tại Mỹ, cứ 5 phụ huynh được phỏng vấn sẽ có một người nói rằng, con họ gặp khó khăn trong việc học vì không có máy tính ở nhà hoặc kết nối Internet. Trong khi đó, có tới 40% trong tổng số gia đình nghèo gặp tình trạng này.

“Đây là trường hợp khủng hoảng lớn nhất từ trước tới nay. Chúng ta sẽ thấy sự gia tăng trong tỷ lệ bỏ học của HS. Tác động của đại dịch sẽ trở nên nghiêm trọng hơn ở những khu vực khó khăn”, ông Douglas Harris - Giáo sư kinh tế và Giám đốc của Liên minh Nghiên cứu GD tại Trường ĐH Tulane ở New Orleans (Mỹ), cho biết.

Tại Hồng Kông, sự chênh lệch trong mạng lưới trường học của 1,22 triệu HS được cho là ngày càng lớn, từ các trường công và trường tư thục nhận trợ cấp, cho tới những trường quốc tế được tài trợ.

Trong khi học phí cho các trường quốc tế hàng đầu có thể vượt quá 25.000 USD/năm đối với cấp tiểu học, khoảng 23% người dưới 18 tuổi đang sống trong nghèo đói. Hồng Kông cũng là khu vực được ghi nhận có sự bất bình đẳng lớn so với các nền kinh tế khác trên thế giới.

Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 3 được thực hiện bởi Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng, có 1/5 hộ gia đình Hồng Kông không có kết nối Internet đủ tốt hoặc máy tính.

Ông Harris và các nhà GD khác nói rằng, rất khó để ước tính tỷ lệ bỏ học có thể tăng lên bao nhiêu, vì sẽ mất vài tháng để thấy được tác động của việc học trực tuyến. “Nếu các nhà lãnh đạo đưa ra những biện pháp để giải quyết bất bình đẳng bằng cách tài trợ cho trường học hè, tổ chức chương trình dạy kèm, con số này có thể sẽ giảm”, ông Harris nhận định.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, chỉ các trường được tài trợ mới có khả năng tổ chức những chương trình như vậy để đưa trẻ em trở lại nhịp độ học tập bình thường. Mới đây, Trường Quốc tế Hồng Kông tuyên bố sẽ cung cấp các chương trình đào tạo hè miễn phí cho HS cấp ba, với mong muốn mang đến cho người học nhiều cơ hội hơn trong việc giao tiếp xã hội.

Theo Japan Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ