Khí phách trai Cầu Vồng

Khí phách trai Cầu Vồng

Tinh thần của người lính

Tân Yên hiện là nơi có phong trào tập luyện võ thuật sôi động nhất tỉnh Bắc Giang, phát triển cả chiều sâu lẫn bề rộng. Điều này được thể hiện ở số lượng câu lạc bộ võ thuật, môn sinh tham gia tập luyện thường xuyên và thành tích thi đấu nổi bật tại các giải võ thuật cổ truyền do ngành thể thao tổ chức.

Trong giới thể thao nói chung, võ thuật nói riêng tại Bắc Giang, nhiều người biết đến cựu chiến binh Nguyễn Văn Thịnh không chỉ bởi sự gan dạ mà còn là sự tận tâm, say nghề, cũng như có nhiều đóng góp cho phong trào võ thuật tại địa phương từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay. 

Ông Thịnh cho biết, mình yêu thích võ thuật từ nhỏ, thường theo học võ các bậc đàn anh ở võ đường trong vùng. Ông nhập ngũ tháng 5/1978 vào Trung đoàn 141, Sư đoàn 3, Tiểu đoàn 7 với nhiệm vụ làm trinh sát từ Cột mốc 25 đến Cột mốc 27 tại Lạng Sơn trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Cũng chính thời gian trong quân ngũ đã giúp ông có điều kiện được học tập, bồi đắp nâng cao trình độ võ thuật thông qua các khóa đào tạo trong quân đội.

Xuất ngũ năm 1982 với một lưng vốn tương đối dầy dặn về võ thuật, ông Thịnh trở về địa phương, ban đầu chỉ tham gia dạy võ cho những người thân trong gia đình, làng xóm với mục đích để rèn luyện sức khỏe. 

Thời gian này ông cũng thường xuyên tự tìm hiểu nâng cao kiến thức từ những người đi trước, đặc biệt là 6 lần tham gia các khóa tập huấn võ thuật do Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tổ chức tại Hải Phòng, Huế, Hà Nội và Bình Định... Từng là trinh sát nên các bài võ mà ông Thịnh trao truyền cho học trò sau này cũng mang đậm dấu ấn và bản sắc của những người lính.

Năm 1999, ông chính thức mở võ đường đầu tiên đặt tại chùa làng Đầu, xã Cao Thượng (huyện Tân Yên) với khoảng 20 em theo học, lớp võ cứ mối ngày một đông thêm. Sau đó không lâu nhận thấy võ đường phát huy hiệu quả và đạt một số thành tích nên ngành thể thao huyện Tân Yên đã mời cựu chiến binh Nguyễn Văn Thịnh làm Chủ nhiệm CLB võ thuật Tân Yên đặt tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện.

Được sự quan tâm của huyện, ông Thịnh đã phát triển phong trào rộng khắp, trong đó mở thêm các lớp võ trong trường học và tại các xã Việt Lập, Cao Xá, Hợp Đức, Phúc Hòa, Quang Tiến, Phúc Sơn... Có thời điểm mỗi lớp võ này lên đến hàng trăm môn sinh theo học.

Gây dựng và “truyền lửa”

Khí phách trai Cầu Vồng ảnh 1
Võ sư Thịnh là người xây dựng nền tảng cho phong trào tập luyện võ thuật ở Tân Yên.

Cựu binh Nguyễn Văn Thịnh cho biết: Có 3 yếu tố quan trọng đối với người học võ là nhanh, mạnh và chính xác. Tuy nhiên để có được những điều trên là cả quả trình rèn luyện cộng thêm các kỹ năng khác. Khi mới vào học, võ sinh sẽ được học tấn, pháp, quyền, cước, tiếp đó mới đến học thủ và công. 

Điểm cơ bản của võ cổ truyền là có sự phối hợp cả nhu lẫn cương trong từng động tác di chuyển lẫn các thế đòn nên không tốn nhiều sức lực mà đem lại hiệu quả cao, hơn nữa lối đánh này rất phù hợp với sức vóc người Việt Nam.

 Do là môn có tính đối kháng cao nên ông Thịnh luôn yêu cầu các học trò ngoài học võ còn phải học “đạo”. Theo đó, các em không chỉ được giáo dục học võ là để rèn luyện sức khỏe, có lối sống lành mạnh, học những điều hay lẽ phải mà còn phải tuân thủ kỷ luật, các quy tắc, quy định, nhất là không được vi phạm pháp luật. Đây cũng là một cách để ông khơi dậy niềm tự hào truyền thống của vùng đất anh hùng, khiến nhiều bậc phụ huynh tin tưởng gửi con em theo học.

Hiện, Tân Yên là địa phương duy nhất trong tỉnh Bắc Giang duy trì hàng năm Ngày hội võ thuật vào dịp hè. Đây là dịp tổ chức thi đấu giao lưu và thi nâng đai, đánh giá kết quả huấn luyện của các câu lạc bộ. Đồng thời, ngày hội là tạo sân chơi và môi trường thi đấu cọ sát nâng cao trình độ cho các học viên. 

Trong hai năm qua, mặc dù đã giao lại công tác huấn luyện cho các học trò của mình song ông Thịnh vẫn có vai trò đậm nét trong chuyên môn. 

Thỉnh thoảng ông vẫn đến thăm các võ đường, trao đổi chuyên môn cùng các huấn luyện viên, hướng dẫn, chỉ bảo môn sinh. Trong dịp chuẩn bị thi đấu giải hoặc thi nâng đai ông dành nhiều thời gian hơn để tổ chức, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho các em. 

Ông Dương Văn Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Tân Yên đánh giá: Môn võ thuật cổ truyền đang được duy trì có hiệu quả tại Tân Yên là nhờ tâm huyết của võ sư Nguyễn Văn Thịnh. Không chỉ có công gây dựng mà ông còn “truyền lửa” cho phong trào võ cổ truyền suốt hơn 20 năm qua tại địa phương. Từ các lớp võ năng khiếu ở cơ sở này một số em được vào chọn vào đội tuyển của tỉnh, của huyện tham gia thi đấu các giải võ thuật lớn.

Hiện, Tân Yên có 7 lớp võ đặt tại cơ sở với hàng trăm em theo học, nhiều huấn luyện viên từ các lớp này do học trò của ông Thịnh đứng lớp, trong đó có 1 lớp ở xã Quang Tiến thuộc lớp năng khiếu do Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đặt tại đây, võ sư tại võ đường này là anh Nguyễn Văn Lộc cũng là học trò của thầy Thịnh”, ông Thảo cho biết. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ