Kính chào cái … cổng!

Kính chào cái … cổng!

Sở dĩ mạng xã hội mấy bữa nay nóng lên với cái cổng này vì nó quá xấu. Cổ nhân từng nói "đắt xắt ra miếng" nhưng ở đây quá đắt mà xắt cũng chả ra miếng nào. Cổng vừa xấu về bố cục, màu sắc lại vừa thô vụng về ý tưởng dù chủ nhân của cổng chào nói rằng bảng thiết kế này được chọn lựa sau một cuộc thi khá gay cấn.

Theo giải thích của chủ đầu tư công trình thì đây là mô phỏng lại ngôi nhà của Chủ tịch Tôn Đức Thắng thời niên thiếu. Ai cũng biết, Bác Tôn là biểu tượng của Long Xuyên, An Giang nhưng ngôi nhà thời niên thiếu của Bác thì chỉ có ý nghĩa khi dựng lại mô hình trong bảo tàng lịch sử để hậu thế hiểu thêm về Bác chứ lấy đó làm mô hình của cổng chào thì liệu có nên chăng?

Dù có nhân danh những điều thiêng liêng như thế nào đi nữa thì biểu tượng được nhân danh ấy, trước hết là phải đẹp, tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách khi đến An Giang. Chủ đầu tư cũng giải thích rằng, xây cổng chào "hoành tráng" là nhằm thu hút du khách khi đến Long Xuyên - An Giang. Đủ các lý do để người ta trưng ra nhằm bao biện cho việc xây cổng chào tiền tỷ nhưng ai cũng biết, không một du khách nào đến Long Xuyên - An Giang vì cái cổng chào cả. 

Vùng đất ấy có mê dụ du khách hay không là ở cái cách hành xử của con người nơi đó; là sự chăm chút, giữ gìn và tôn tạo cảnh quan nơi ấy để hấp dẫn người đến thưởng ngoạn; là sự lịch duyệt của chủ nhà khi tiếp đón khách phương xa… chứ hoàn toàn không phụ thuộc vào sự "hoành tráng" của cái cổng chào!

Những ai từng đi du lịch châu Âu, qua hàng chục nước nhưng chả thấy bất cứ một cái cổng chào nào. Qua mỗi nước, người ta chỉ để một tấm biển khá "khiêm nhường" để du khách biết là mình chuẩn bị qua vùng đất đó hoặc nước đó. Không màu mè lòe loẹt, không sơn son thếp vàng, không biểu trưng biểu chiếc gì cả, một tấm biển chỉ để ghi một vài thông tin vắn tắt cho du khách biết. Ấy thế mà khách năm châu bốn biển nườm nượp đổ về. Những nhà quản lý ở các địa phương của Việt Nam sẽ lý giải sao về điều này khi họ luôn nhân danh thu hút du khách bằng việc xây cổng chào đồ sộ?

Long Xuyên không phải là trường hợp cá biệt xây cổng chào tiền tỷ. Bây giờ đi đến tỉnh nào, trước khi đặt chân vào địa phận tỉnh đó cũng gặp một cổng chào to vật vã, như thể, nếu không xây cổng chào thì người ta "xem thường" tỉnh mình vậy. 

Mà đâu phải chỉ cấp tỉnh mới xây cổng chào! Từ tỉnh về địa phận các huyện lại gặp cổng chào; từ huyện về xã, lại cổng chào. Cổng chào giăng mắc khắp nơi. Thậm chí có những làng đồng bào dân tộc thiểu số, quanh năm nhận gạo cứu trợ nhưng vẫn xây một cổng chào 300 triệu đồng như ở xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), chỉ để được công nhận là "làng văn hóa"!

Đến đây thì ta hiểu vì sao lãnh đạo các địa phương lại "chăm chỉ" xây cổng chào đến vậy! Cổng chào giúp địa phương thu hút du khách hay không - chưa ai tỏ, nhưng xây cổng chào có làm đầy thêm túi tiền của các chủ đầu tư hay không thì lại khiến nhiều người thắc mắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ