Kinh nghiệm quý trong dạy học trực tuyến của một trường vùng quê

Kinh nghiệm quý trong dạy học trực tuyến của một trường vùng quê

Ông Trần Xuân Trà, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Thúy, cho biết: Hiểu rõ đặc điểm, tình hình của trường, cũng như tâm lý đội ngũ giáo viên, tập thể lãnh đạo nhà trường đã bàn bạc, thống nhất, xây dựng và triển khai kế hoạch, với những bước đi phù hợp để trang bị kiến thức, cũng cố niềm tin cho cán bộ, giáo viên (CB, GV) thực hiện có hiệu quả kế hoạch dạy học đã đề ra.

Khơi dậy tinh thần giáo viên tự học

Trước hết, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho CB, GV các phần mềm hỗ trợ trực tuyến do Sở GD&ĐT Nam Định giới thiệu. Qua đó, mỗi CB, GV đều sử dụng thành thạo ít nhất 2 phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến.

Đồng thời, thầy cô tiếp tục tự học, tự nghiên cứu, tìm hiểu các phần mềm dạy học tiện ích phù hợp khác để ứng dụng vào công tác dạy học, đặc biệt là “Kênh kết nối” của website Thuvienhoclieu.vn.

“Hơn lúc nào hết, phong trào tự học, tự nâng cao trình độ công nghệ thông tin (CNTT) của CB, GV nhà trường diễn ra sôi nổi, khẩn trương, khơi dậy niềm đam mê, nhiệt huyết, tích cực, chủ động tiếp cận với hình thức dạy học mới của đội ngũ nhà giáo.

Các cuộc trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau, cùng sẻ chia những khó khăn, vướng mắc trong quá trình khai thác, sử dụng các phần mềm dạy học qua điện thoại diễn ra mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi quá nửa đêm đã giúp các thầy cô giáo vượt lên chính mình” – ông Trần Xuân Trà chia sẻ.

Đến nay, 100% CB, GV Trường THPT Nguyễn Trường Thúy sử dụng tích hợp một số phần mềm dạy học cả miễn phí và tự mua bản quyền, cùng với hệ thống các phương tiện CNTT khác hỗ trợ cho công tác dạy học trực tuyến…

Niềm đam mê, nhiệt huyết của các thầy cô đã lan tỏa tới phụ huynh và học sinh, được cha mẹ học sinh (CMHS) đồng tình, hưởng ứng, trang bị đủ phương tiện CNTT và phối hợp chặt chẽ với GV trong việc quản lý các em khi học tập ở nhà.

Kinh nghiệm quý trong dạy học trực tuyến của một trường vùng quê ảnh 1
Một số hình ảnh thực tế triển khai dạy học qua mạng của Trường THPT Nguyễn Trường Thuý.

Lộ trình 3 bước

Nhưng phương tiện CNTT chỉ là công cụ dạy học. Đều cốt yếu là tinh thần trách nhiệm, tận tâm với nghề, nhất là ý thức nỗ lực vượt khó vươn lên, tự khẳng định mình của toàn thể CB, GV, HS toàn trường.

Theo ông Trần Xuân Trà, tập thể lãnh đạo trường đã xây dựng lộ trình cụ thể, chia thành các bước (giai đoạn), có những định hướng chỉ đạo sát thực, luôn theo dõi, đồng hành, kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học của GV và HS, trong đó chia thành 3 bước với những nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng:

Bước 1: Chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch, tạo không gian lớp học trực tuyến. Lớp học có sự tham gia của BGH (để theo dõi chỉ đạo), giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn (để phối hợp tổ chức dạy học và quản lý HS), tập trung củng cố, ôn tập những kiến thức, kỹ năng cơ bản đã học cho học sinh, đảm bảo tính thống nhất, vừa sức, tránh chồng chéo. Phương châm đi từ dễ, đến khó, từ đơn giản đến phức tạp để HS từng bước làm quen và hứng thú, say mê với hình thức học học tập mới.

Trong đó, GV cần đặc biệt chú trọng giao nhiệm vụ học tập cụ thể cho HS và kiểm tra kết quả thông qua các phương tiện CNTT làm cơ sở để đánh giá quá trình học tập của các em. Nhờ hình thức này mà HS đã từng bước vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, tích cực tương tác với GV, tự giác, tự học, hoàn thành các nhiệm vụ học tập được giao.

Kinh nghiệm quý trong dạy học trực tuyến của một trường vùng quê ảnh 2
Kết quả thi khảo sát chất lượng trực tuyến trên Thuvienhoclieu.vn (môn GDCD của lớp 12A7, Trường THPT Nguyễn Trường Thúy.

Bước 2: Các tổ/nhóm chuyên môn tổ chức họp trực tuyến, rà soát chương trình giảm tải của Bộ/Sở GD&ĐT. Xác định rõ thời lượng và đơn vị kiến thức cụ thể của từng môn, từng chủ đề/bài học để tập trung xây dựng các bài dạy trực tuyến song song với việc giới thiệu HS lịch học trực tuyến trên truyền hình và cung cấp các bài dạy tương ứng trên Youtube để các em tham khảo.

Trong đó, việc giao nhiệm vụ học tập trước, trong và sau khi nghe giảng của HS vẫn là khâu đặc biệt quan trọng để HS tích cực, chủ động tiếp thu kiến thức bài giảng. Bên cạnh hệ thống câu hỏi định hướng để HS tự nghiên cứu SGK trước khi tiếp xúc với bài giảng.

GV còn yêu cầu học sinh ghi chép cẩn thận những nội dung, kiến thức cơ bản của bài học để vừa chụp lại gửi qua các phương tiện CNTT cho GV kiểm tra, vừa là hồ sơ, minh chứng để các thầy cô đánh giá ý thức, thái độ và quá trình học tập của các em khi đi học trở lại.

Cuối mỗi bài giảng, GV xây dựng hệ thống câu hỏi/bài tập củng cố cho HS và yêu cầu HS nộp lại sản phẩm qua các phần mềm ứng dụng, hoặc Thuvienhoclieu.vn, Zalo, Facebook,… để các thầy cô đánh giá, cho điểm.

Nhờ vậy, GV có thể quản lý tốt quá trình học tập của HS và nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến, giúp HS không chỉ nâng cao năng lực ứng dụng CNTT của bản thân, mà còn ngày một hứng thú hơn trong hình thức học tập này, khơi dậy niềm vui và niềm tin cho GV và phụ huynh HS.

Bước 3: Động viên, khích lệ và tạo điều kiện thuận lợi cho GV tự xây dựng các bài học/tiết dạy trực tuyến, có sự tương tác tích cực giữa thầy và trò trong không gian lớp học. Đẩy mạnh khai thác hiệu ứng phần mềm Thư viện học liệu, tổ chức thi trực tuyến giữa học kỳ II cả 9 môn cơ bản cho HS toàn trường; thống kê kết quả cụ thể coi đó là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng dạy của thầy, hiệu quả học của trò, củng cố thêm niềm tin cho phụ huynh và học sinh để họ yên tâm hơn, nếu dịch bệnh kéo dài.

“Đến nay, 100% CB, GV, HS Trường THPT Nguyễn Trường Thúy đã làm quen và khai thác, sử dụng có hiệu quả hình thức dạy học trực tuyến với tinh thần say mê, nhiệt huyết. Nề nếp dạy học và kiểm tra, đánh giá thường xuyên được duy trì. Các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực và đổi mới kiểm tra, đánh giá được phát huy tác dụng, khơi dậy hứng thú học tập cho HS” – ông Trần Xuân Trà cho hay. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ