Lãi suất giảm rón rén, nhà kinh doanh sốt ruột

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây tiếp tục giảm lãi suất điều hành lần thứ hai kể từ đầu năm nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) dễ hơn trong tiếp cận vốn vay giá thấp. Đơn cử lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất khủng

Giải thích về việc giảm mạnh lãi suất điều hành, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết: “Quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất của NHNN cùng với việc quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới. Qua đó góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho các DN và nền kinh tế” - ông Hà cho hay.

Sau động thái mới của NHNN, hàng loạt ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất để hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. Trong đó không ít ngân hàng tuyên bố đã dành hàng chục ngàn tỉ cho vay với lãi suất ưu đãi, thậm chí lãi suất siêu thấp chỉ 4,5%-5%/năm.

Đơn cử Agribank tuyên bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 5%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Vietcombank cũng tuyên bố giảm đồng loạt lãi suất tiền vay giai đoạn 3. Theo đó, giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ đời sống tại thời điểm trước khi triển khai biện pháp hỗ trợ giai đoạn 3.

“Với đợt giảm lãi suất lần này, chúng tôi đã hỗ trợ toàn bộ khách hàng DN và cá nhân ở cả mục đích vay sản xuất, kinh doanh lẫn tiêu dùng” - đại diện Vietcombank khẳng định.

Nhiều doanh nghiệp mong lãi suất giảm hơn để giúp họ vượt qua khó khăn do dịch. Ảnh: TL

Nhà kinh doanh mòn mỏi chờ lãi vay giảm

Một số nhà kinh doanh cho biết họ đã tiếp cận được các chính sách ưu đãi từ ngân hàng. Đại diện Công ty TNHH Vico chia sẻ đã được ngân hàng hỗ trợ giải ngân vốn vay, hỗ trợ lãi suất cho vay ưu đãi. Ví dụ, ngân hàng đã giảm lãi suất vay đối với các khoản vay VND kỳ hạn đến năm tháng từ mức 6,5%/năm xuống còn 6,0%/năm. “Việc giảm lãi suất cho vay của ngân hàng rất thiết thực, giúp công ty tiết giảm được đáng kể chi phí lãi vay, cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh” - đại diện công ty cho biết.

Thế nhưng, khảo sát thực tế trên thị trường cho thấy mặc dù lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn đa phần đã hạ nhiệt nhưng mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn trung và dài hạn vẫn ở mức cao. Chẳng hạn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng tại các ngân hàng như OCB, ABBank, NCB, Bản Việt, SHB… ở mức 8%-8,55%/năm, thậm chí có nơi lên tới 9,2%/năm. Do lãi suất huy động cao dẫn đến lãi suất cho vay cao.

Bà Nguyễn Thị Chi, một khách hàng tại Gia Lai, cho biết hiện bà đang có khoản vay 1 tỉ đồng tại một ngân hàng với lãi suất trên 11%/năm. Tháng nào bà cũng phải đều đặn trả tiền lãi khoảng 9,2-9,3 triệu đồng. Mức lãi suất này không hề thay đổi kể từ khi bà đặt bút ký hợp đồng vay vốn trong suốt 16 tháng qua.

“Tôi thấy báo, đài, tivi nói rần rần về việc giảm lãi suất cho vay nhưng thực tế chúng tôi vay vốn để làm ăn mà không thuộc nhóm đối tượng ưu tiên thì lãi suất vẫn đứng yên mà không hề giảm chút nào” - bà Chi cho biết. Trường hợp bà Chi không phải là cá biệt. Rất nhiều nhà kinh doanh than thở chưa thể tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp, hoặc nếu muốn tiếp cận được thì phải qua quy trình thủ tục quá phức tạp nên đành bó tay.

TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia kinh tế, cho rằng khi NHNN giảm lãi suất điều hành thì tác động ngay lên lãi suất qua đêm, lãi suất thị trường liên ngân hàng. Song NHNN chỉ điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn nên chỉ có những khoản vay ở kỳ hạn ngắn sáu tháng, chín tháng hay 12 tháng mới có thể được hưởng lãi suất thấp hơn. Còn đối với những khoản vay dài hạn thì rất khó. “Chừng nào lãi suất huy động kỳ hạn dài tiếp tục neo ở mức cao thì việc mong chờ giảm lãi suất cho vay khó có thể xảy ra” - TS Minh nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng các ngân hàng sẵn sàng cho vay, nguồn vốn không thiếu. Tuy nhiên, vấn đề là thiếu nhu cầu tín dụng thực, thiếu những DN thực sự có phương án tài chính tốt để tiếp cận vốn vay.

Theo plo.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ