Lưu ý những vi phạm liên quan “công nghệ thấp”

Lưu ý những vi phạm liên quan “công nghệ thấp”

Công nghệ thủ công

Nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực coi thi và thanh tra thi, ThS Trần Thị Nguyệt Sương (Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Trường ĐH Tôn Đức Thắng TPHCM - TDTU) cho rằng: Vi phạm liên quan đến "công nghệ thấp" (phao, ghi vào tay...) của thí sinh vẫn là vấn đề các giám thị cần lưu ý.

"Thí sinh có thể sử dụng nhiều hình thức khác nhau như: Viết giấy nhỏ, viết lên tay, lên thước, nắp máy tính. Việc thí sinh vi phạm hay không phụ thuộc vào khâu phổ biến quy chế, làm việc kỹ với thí sinh, kiểm tra đầu vào cẩn thận trước khi cho thí sinh vào phòng thi; thông báo với thí sinh các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý ở mức độ nào. Như ở TDTU, sinh viên đem tài liệu vào phòng thi dưới bất kỳ hình thức nào sẽ bị đình chỉ thi môn đó đồng thời đưa ra hội đồng kỷ luật sinh viên ở mức cảnh cáo", ThS Sương chia sẻ.

Theo ông Đinh Hồng Vân - Phụ trách Ban Khảo thí Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT), trong quá trình coi thi còn phát hiện trường hợp thí sinh viết kiến thức cần nhớ ra mặt sau máy tính bằng bút chì, giấu phao trong ruột bút, thậm chí viết trên móng tay…

"Việc viết kiến thức cần nhớ ra mặt sau máy tính bằng bút chì là cách làm truyền thống nhưng được nhiều người đánh giá hiệu quả. Khi học sinh sử dụng phương pháp này, giám thị phải nhìn rất kĩ mới có thể phát hiện được nội dung", ông Đinh Hồng Vân nhận định.

Theo ông Vân, viết công thức lên móng tay tuy khó nhưng vẫn xảy ra. Một số thí sinh sử dụng cách này để ghi các công thức toán, lý, hóa. Hay giấu phao trong ruột bút là một phương pháp được cho là truyền thống và thịnh hành nhất. Giấu phao trong bút cũng có nhiều biến thể phức tạp. Nhiều người còn chế tạo ra cách để có thể rút ruột phao ra ngoài dễ dàng rồi lại cuốn lại ngay ngắn.

Ngoài ra theo một số cán bộ có nhiều năm kinh nghiệm coi thi, chống tiêu cực trong thi cử cần chú ý tới lực lượng giám thị coi thi. Bởi phần lớn giáo viên THPT coi thi chéo nhưng vẫn trên "sân nhà" nên dễ có tình trạng gửi gắm hay dễ dãi với thí sinh.

ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc (Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM) chia sẻ: "Trong khi gác thi, thỉnh thoảng tôi phát hiện vài trường hợp thí sinh trao đổi, hỏi bài nhau. Một số ít chuẩn bị cả tài liệu photo thu nhỏ để dùng. Với trường hợp trao đổi qua lại tại phòng thi, tôi cũng thông cảm và nhắc nhở để các em không tái phạm. Tuy nhiên, trường hợp dùng tài liệu đã chuẩn bị sẵn, tôi phải lập biên bản theo quy định vì đây là việc các em đã dành thời gian chuẩn bị chứ không phải tự phát. Ngoài ra, một số em viết tài liệu vào một số dụng cụ học tập để dùng. Những trường hợp này không hiếm và cũng dễ qua mắt nếu giám thị không tinh ý".

Cách gì để phòng chống

Một kỳ thi nghiêm túc, phản ánh đúng thực chất luôn là kỳ vọng của ngành Giáo dục, dư luận. Tuy để phòng ngừa những vi phạm có thể xảy trong kỳ thi liên quan đến các yếu tố "công nghệ thấp", giám thị coi thi cũng không thể chủ quan.

Theo ThS Trần Thị Nguyệt Sương, Hội đồng thi cần làm kĩ quy trình coi thi, tập huấn chi tiết cho giám thị, tập huấn các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, hệ thống giám sát giám thị và thí sinh phải phát huy hiệu quả thông qua hoạt động giám sát liên tục các phòng thi, bảo đảm giãn cách giữa các thí sinh, kiểm tra kĩ vật dụng được mang vào phòng thi. Mỗi phòng thi có khoảng 24 thí sinh, giám thị làm việc đúng vị trí của mình, dù các em gian lận như thế nào đi nữa cũng phát hiện được.

"Cách ngăn ngừa khá hiệu quả là chất lượng đề thi, việc thí sinh viết tài liệu mang vào phòng thi do các câu hỏi chỉ ở mức nhớ, biết. Trong khi tập trung mức vận dụng, phân tích, so sánh và sáng tạo, phao chẳng giúp ích gì cho quá trình làm bài" - ThS Trần Thị Nguyệt Sương chia sẻ.

Ở góc độ khác, ông Đinh Hồng Vân cho rằng: Hiện tượng vi phạm quy chế vẫn thường xảy ra đối với các môn thi đề đóng, môn phải học bài thuộc lòng. Do đó, để hạn chế, giám thị cần phổ biến kĩ nội quy thi và mức độ xử lý khi vi phạm để thí sinh biết và có "quyền lựa chọn". Bên cạnh đó, giám thị cần quan sát, kiểm soát được phòng thi, nhắc nhở khi thấy thí sinh có dấu hiệu muốn vi phạm.

ThS Ngọc cho rằng, giám thị cần nghiêm túc khi kiểm tra thông tin thí sinh, quan sát kĩ và chú ý đến không gian làm bài chung cho tất cả thí sinh. Đề thi ra cần bám sát chương trình học, tránh để các em mất tự tin mà mang theo phao thi. Thầy cô giáo cần nhắc nhở các em không học tủ, học gạo, cũng đừng mang theo những thứ không cho phép vào phòng thi, nhiều trường hợp đã bị kỉ luật và ảnh hưởng tương lai về sau của các em. Phụ huynh cũng không nên quá tạo áp lực bởi các con có thể vì lo sợ bị la mắng vì điểm thấp mà dễ làm điều không đúng.

Để hạn chế gian lận khi thi cử, tôi nghĩ nên kiểm tra kĩ tất cả vật dụng thí sinh mang theo người vào phòng thi, nhất là những em mang theo cả áo khoác. Bên cạnh đó, tâm lý thí sinh khi gian lận cũng không được ổn định, các em sẽ có những hành động khác thường. Giám thị cần chú ý sẽ phát hiện được. - ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ