Mẹo để dạy trẻ tính kỷ luật mà không mất bình tĩnh

Mẹo để dạy trẻ tính kỷ luật mà không mất bình tĩnh

Thực hiện theo những quy tắc đơn giản này sẽ cải thiện đáng kể tâm trạng của bạn và của trẻ trong khi đảm bảo rằng trẻ có hành vi tốt và kỷ luật.

Bình tĩnh trước khi phản ứng

Chị Thuý Hà (Long Biên) chia sẻ, chị cảm thấy “muốn bùng cháy” khi phát hiện ra đứa con 5 tuổi nghịch và cho cả cuộn giấy vệ sinh vào bồn cầu. Thật sự lúc đó chị không biết nói gì khi chứng kiến cảnh này sau cả một ngày quay như chong chóng trong bốn bức tường những ngày trường học chưa mở cửa trở lại để đón học sinh. 

Nhưng thôi, đành phải hít thở sâu, chị giải thích với con rằng như thế là lãng phí, là tắc cống, là không còn chỗ đi vệ sinh, là nước Mỹ đang phải chắt chiu từng tí để đủ dùng. Rồi hai mẹ con cùng bịt mũi gắp bằng sạch chỗ giấy vệ sinh ra khỏi bồn cầu.

Kinh nghiệm cho thấy, việc đầu tiên bạn cần làm khi thấy mình đang rơi vào trạng thái căng thẳng hay nóng giận là hãy hít một hơi thật sâu. Đừng hành động vội vàng vì những hành động bạn làm trong lúc mất bình tĩnh chắc chắn sẽ khiến bạn hối tiếc. 

Hãy nhắm mắt lại đếm đến 10, để giảm lượng adrenaline (chất do tuyến thượng thận tiết ra khi tức giận, hăng máu) trong não của bạn, sau đó hít thở sâu để bình tĩnh lại.

Thực tế và kỳ vọng

Những ngày trẻ phải nghỉ dịch ở nhà, nhiều bố mẹ có cơ hội ở bên con, chơi và học cùng con. Chị Hải Yến (Long Biên) chia sẻ về chuyện ăn uống của con, con bé nhà chị khả năng chỉ ăn nửa bát cơm nhưng mấy ngày nghỉ dịch ở nhà bữa nào chị cũng xới một bát đầy con ăn thêm, để rồi bữa cơm của con kéo dài cả tiếng đồng hồ không xong. Con ăn không hết, vừa ăn vừa bị thúc ép, có lúc còn mẹ mắng.

Việc học cũng vậy, sức học của con lớn nhà chị chỉ ở mức khá nhưng trước kia chị luôn đặt mục tiêu học tập cho con ngang bằng các bạn có sức học giỏi khác. 

Mấy ngày nghỉ dịch ở nhà cùng học với con chị mới nhận ra là mình quá kỳ vọng về sức học của con nên hay có cảm giác thất vọng. Mà khi đã thất vọng, mình sẽ rất khó nhìn ra được bao nhiêu cố gắng, nỗ lực, những tiến bộ nho nhỏ mỗi ngày của con. Những so sánh, chê bai, không công nhận đều chẳng bao giờ khiến con tốt lên được.

Một nguyên nhân thường khiến bố mẹ liên tục la mắng trẻ chính là vì chúng không đạt được kỳ vọng mà họ mong muốn. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên ở gia đình bạn, rất có thể bạn đang kỳ vọng quá nhiều vào con cái rồi đấy. 

Bố mẹ phải nhớ rằng, khả năng và sở thích của mỗi đứa trẻ là khác nhau. Đối với bạn, việc đó có thể rất dễ, nhưng nó có thể là một việc rất khó so với trẻ. Việc bạn đặt nhiều kỳ vọng sẽ tạo nên áp lực rất lớn cho trẻ.

Quy tắc và phần thưởng

Quy tắc tạo nên nề nếp, thói quen kỉ luật tốt cho trẻ. Vì vậy, bố mẹ thường xuyên cùng con thảo luận với trẻ các quy tắc yêu cầu trẻ thực hiện. Các quy tắc đặt ra phải thật sự công bằng giữa trẻ và các anh chị em của trẻ, để trẻ hiểu rằng đó là quy tắc mà tất cả mọi người đều phải thực hiện không có sự khác biệt. 

Không làm trẻ quá tải với các quy tắc bởi ngay một lúc trẻ sẽ không thế nhớ ngay toàn bộ những quy tắc bạn đặt ra. Hãy để trẻ nhớ dần dần, dạy trẻ qua những tình huống cụ thể.

Với phần thưởng chỉ là biện pháp ngắn hạn. Bạn hãy nói với trẻ rằng, con sẽ nhận được một phần thưởng nào đó nếu như thực hiện tốt các quy tắc đã đề ra. Việc này có thể gây ra tác dụng ngược lại nếu như trẻ nghĩ rằng, trẻ sẽ nhận được phần thưởng mỗi khi làm bạn hài lòng. 

Hãy dạy cho trẻ rằng, hành vi tốt là điều nên làm và nó thực sự có lợi cho chính bản thân trẻ. Quan trọng là bố mẹ và các người lớn khác trong gia đình cần thống nhất quan điểm và phương pháp giáo dục trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ