Nàng tiên cá: Thần thoại nghìn năm

Nàng tiên cá: Thần thoại nghìn năm

Sự kiện 80% đại dương trên Trái đất vẫn chưa được khám phá càng khiến cho sự tưởng tượng của con người về những sinh vật bí ẩn sống dưới nước ngày càng bay bổng. Câu hỏi luôn được đặt ra là: Nàng tiên cá có thật không? 

Thực hư tiên cá

Theo truyền thuyết, nàng tiên cá là một sinh vật sống dưới nước, có đầu và thân là của người, từ thắt lưng trở xuống là đuôi cá. Trong nhiều thế kỷ qua, không ít người được cho là đã “nhìn thấy” sinh vật huyền thoại này. Tuy nhiên, những vụ “mục sở thị” như vậy không hề được xác thực.

Huyền thoại nàng tiên cá dường như xuất phát từ tiên chim (Siren) của Hy Lạp. Khởi thủy, tiên là một phụ nữ nửa người, nửa chim, thường quở trách các thủy thủ bằng những bài hát có sức mạnh gây đắm tàu. Theo thời gian, tiên chim tiến hóa thành sinh vật nửa người nửa cá. Trước đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện những hình dạng giống người cá trên những bức vẽ trong hang động thuộc thời kỳ đồ đá, khoảng 30.000 năm qua, trùng hợp với lúc con người bắt đầu biết đóng thuyền đi biển.

Niềm tin về người cá đến từ các thủy thủ, phổ biến nhất là vào thời Trung cổ. Theo một số người được cho là đã nhìn thấy nàng tiên cá thì sinh vật này có đặc điểm như Siren, thường gây ra chết chóc, chìm tàu, nếu không thì quyến rũ thủy thủ để họ phân tâm, khiến tàu đi lạc hướng.

Việc trông thấy người cá nổi tiếng nhất trong lịch sử có liên quan đến Christopher Columbus, người được cho là đã khám phá ra châu Mỹ. Vào năm 1493, ông cho biết đã nhìn thấy những nàng tiên cá gần Haiti. Theo lời ông mô tả, người cá trông xấu xí và có hình dáng giống nam giới, khác với những gì ông tưởng tượng.

Chuyện nàng tiên cá nổi tiếng không kém đến từ Thuyền trưởng John Smith trong thời gian ông còn là thủy thủ. Năm 1614, ông cho biết đã thấy một nàng tiên cá với đôi mắt to và tóc xanh ở vùng biển gần đảo Newfoundland (Canada). Theo ông, nếu không có cái đuôi cá thì nàng là một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp.

Cũng có một câu chuyện về nàng tiên cá trôi giạt đến Hà Lan theo một con sông đào vào những năm 1600 rồi bị thương trên đường đi. Một người đàn ông đã cứu mạng nàng, mang đến một cái hồ, chăm sóc cho đến khi nàng bình phục. Sau đó, nàng trở thành thành viên của xã hội Hà Lan và cả học nói tiếng nước này.

Ở Fukuoka, Nhật, có một ngôi đền lưu giữ “hài cốt của nàng tiên cá” bị trôi giạt vào bờ biển năm 1222. Một tu sĩ tin rằng, đó là nàng tiên cá phát xuất từ một lâu đài của thần rồng ở đáy biển nên lưu giữ những gì còn lại của nàng ở đây. Bộ xương đã được trưng bày khoảng 800 năm, hiện nay chỉ còn lại một ít. Do chưa từng được phân tích khoa học, nên nguồn gốc thực sự của hài cốt này vẫn không rõ.

Sau đó, vào những năm 1800, nhiều tin thổi phồng về nàng tiên cá xuất hiện khiến mọi người tin rằng loài sinh vật huyền thoại này đang lang thang ở các đại dương. Vào những năm 1840, một người chuyên lừa đảo tên là P.T. Barnum tổ chức rầm rộ cuộc trưng bày “FeeJee Mermaid”. Người ta phải trả tiền mới được xem “nàng tiên cá” của ông ta, nhưng thật ra đây chỉ là một thi thể giả, với nửa trên là của một con khỉ và nửa dưới là cá.

Khơi dậy niềm tin

Nàng tiên cá: Thần thoại nghìn năm ảnh 1
Tượng nàng tiên cá được đặt tại bờ vịnh ở thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) vào năm 1913.

Niềm tin về nàng tiên cá lại được khơi dậy vào khoảng năm 2011, khi kênh Animal Planet, chiếu bộ phim tài liệu có tên là Mermaids: The Body Found (Nàng tiên cá: Thi thể được tìm thấy) Những người làm chương trình cho đây chỉ là phim khoa học giả tưởng, dựa trên một số sự kiện có thật và lý thuyết khoa học. Bộ phim nói về các nhà khoa học ở Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia (NOAA) tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của nàng tiên cá, qua sự việc có một người cá trôi giạt vào bờ biển của Israel năm 2009. Theo “bộ phim tài liệu” này, các nhà khoa học đã cố tình che giấu sự thật về người cá với công chúng.

Do thủ thuật của những người làm chương trình nhằm câu khách nên nhiều người bắt đầu tin tưởng về sự tồn tại của nàng tiên cá. Cho đến nay, nó là chương trình được nhiều người xem nhất của Animal Planet. Niềm tin vào người cá tăng cao, khiến NOAA phải lên tiếng phủ nhận sự tồn tại của loài sinh vật huyền thoại này.

Tuy nhiên, theo những người tin vào người cá, khoảng 71% diện tích Trái đất bị bao phủ bởi nước, nên có phần hợp lý khi nghĩ rằng có một số sinh vật giống người sống dưới nước, phát triển trong suốt hàng tỷ năm tiến hóa. Nếu cá và các loài có vú khổng lồ sống được ở đại dương, tại sao một số loài sinh vật giống như người không có ở đó?

Cũng có nhiều giả thuyết cho rằng, nàng tiên cá phát xuất từ những gì được gọi là “lý thuyết vượn thủy sinh”. Theo đó, một số loài linh trưởng đã ra biển, nơi có ít sự cạnh tranh về thực phẩm, trước con người rất lâu. Săn tìm thực phẩm ở biển khiến loài linh trưởng này tiến hóa đầy đủ dưới nước, dần dần trở thành “nàng tiên cá” hoặc con người có vây và đuôi. 

Theo những người ủng hộ giả thuyết này, con người không phát triển lông khắp cơ thể để bơi cho nhanh, các ngón tay co lại trong nước để dễ cầm nắm, có thể giữ hơi thở dài hơn các loài vật có vú trên cạn khác và có một ít “màng” giữa ngón tay và ngón chân. Những điểm này chắc chắn không phải là bằng chứng vững chắc về sự tồn tại của người cá, nhưng với một số người thì bấy nhiêu đó cũng đủ cho họ mơ về một cuộc gặp với nàng tiên cá trong tương lai.

Theo Science

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ