“Nở nồi”... bảo tàng

Để em “bép xép” cho bác hay: Mới đây dư luận lại được phen lao xao, không biết nên mừng hay nên lo, quanh chuyện bảo tàng nước nhà “nở nồi” với những đề án xây mới bảo tàng của Đà Nẵng, Vĩnh Long cho địa phương mình đấy.

Cụ thể là thế này, theo như đề án thì đến năm 2022, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ được dịch chuyển đến “cơ ngơi” mới ở 42 Bạch Đằng. Đây là địa chỉ nằm bên bờ sông Hàn thơ mộng, gồm tòa nhà có tuổi đời lên đến hơn 120 năm, vốn thuộc trụ sở UBND TP Đà Nẵng trước đây và hiện là HĐND TP. Là một trong những công trình đầu tiên người Pháp xây dựng tại Đà Nẵng, tòa nhà ấy sẽ được cải tạo, nâng cấp trong 2 năm và dự toán tiêu tốn khoảng hơn 500 tỉ đồng.

Bác đừng sốt ruột, em sẽ kể tiếp về đề án Bảo tàng Nông nghiệp ở Vĩnh Long đây. Đề án ấy kể tiến trình lịch sử nông nghiệp nước nhà qua 4 giai đoạn, được đặt trên khu đất rộng hơn 11ha, với tổng kinh phí ước tính là 400 tỉ đồng. Dự kiến năm 2022 dự án sẽ được khởi công và năm 2027 là bác có thể ghé chơi đấy.

Sao lúc nào bác cũng “cằn nhằn” chuyện tiền bạc rằng ngân sách Nhà nước lại tốn hàng trăm tỉ mới có thể “nở nồi” được một bảo tàng ở địa phương cơ đấy. Thì đã sao khi trước đó có không ít bảo tàng còn tiêu tốn đến nghìn tỉ mới thành hình, thành hài cơ mà. Nói như thế không có nghĩa là em không biết tiếc. Em cũng tiếc lắm chứ. Tiếc những bảo tàng được xây mới, hoành tráng khánh thành trong mỗi dịp kỷ niệm của địa phương để rồi sau đó im lìm “ngủ đông”. Tiếc cho “sự sống” của rất nhiều bảo tàng cứ chết dần chết mòn trong trạng thái: Cửa mở mà khách lại hững hờ... lướt!

Ở đây là bài toán về hiệu quả “nở nồi” cho bảo tàng đấy bác ạ. Đừng nói là chi vài trăm tỉ thậm chí cả nghìn tỉ là đảm bảo bảo tàng sẽ hút khách bác nhé. Đồ sộ, to lớn mà không có điểm nhấn, không có sự khác biệt thì cũng vứt. Gom nghìn nghìn hiện vật mà không biết kể câu chuyện, lúc nào cũng nhai đi nhai lại mô típ: Tiến trình lịch sử thì cũng nhàm. Thậm chí, có là lần đầu tiên song cái lần đầu tiên ấy đi chực theo lối mòn của các bảo tàng trước đó thôi thì khách cũng đành phải hững hờ... vì nhàm và tẻ nhạt lắm rồi. Vậy nên, làm bảo tàng đâu chỉ là cứ xây lên một tòa nhà thật to sau đó nhét vào đó hiện vật là xong đâu. Thế nên, giữa muôn sự “nở nồi” là nở thêm niềm vui thì buồn thay sự “nở nồi” bảo tàng cứ khiến chúng ta “nở” thêm nỗi lo, nỗi tiếc, nỗi băn khoăn... đấy bác!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.