Nước rút chọn sách

Nước rút chọn sách

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh mà là tài liệu tham khảo, phương tiện giảng dạy của giáo viên. Đây là bước tiến mới, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế. Theo ghi nhận của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các bộ sách được Bộ GD&ĐT công nhận đều có giá trị về học thuật. 

Tuy nhiên, giá trị cuộc sống cần có thời gian thực tế để kiểm nghiệm. Ngoài ra, hầu hết các sở GD&ĐT đã tổ chức tiếp cận trực tiếp giữa nhà trường với các tác giả, đơn vị xuất bản những bộ sách giáo khoa được phê duyệt. Qua đó giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của giáo viên liên quan đến chất lượng, nội dung và giá sách.

Ai cũng biết, học sinh là đối tượng trực tiếp được thụ hưởng Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Vì vậy, các sở GD&ĐT đã ban hành tiêu chí, để trường tiểu học có cơ sở lựa chọn cuốn sách phù hợp nhất. Theo đó, một trong những tiêu chí quan trọng để cơ sở giáo dục lựa chọn là sách giáo khoa phải phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học.

Ngoài tiêu chí chung của sở GD&ĐT, các trường đã phát huy quyền tự chủ để lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp với điều kiện dạy – học của trường mình. Nhiều trường quan tâm đến sách được viết theo hướng hoạt động, tạo cơ hội cho học sinh tự học, hợp tác và phát triển năng lực. Ngoài ra, sách giáo khoa mới phải có sự tiếp nối với hình thức tổ chức, phương pháp dạy học mà nhà trường đang thực hiện hiệu quả; sự đồng bộ giữa sách giáo khoa với tư liệu điện tử, đáp ứng mô hình trường học thông minh hiện nay. Kết quả, đến nay hầu hết trường đã hoàn tất các bước, quy trình chọn sách giáo khoa, sẵn sàng công bố công khai cho phụ huynh, học sinh và xã hội.

Như vậy, câu chuyện về chọn sách giáo khoa mới đối với lớp 1 cơ bản đã ổn định. Vấn đề tiếp theo là tập huấn cho đội ngũ giáo viên để sử dụng hiệu quả sách giáo khoa mới. Qua đó, đội ngũ nhà giáo thiết kế bài giảng và tổ chức dạy học hiệu quả, bảo đảm chất lượng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ từng nói: Năm 2020, sẽ tiếp tục bồi dưỡng các nội dung chuyên sâu về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và xây dựng kế hoạch dạy học cho giáo viên phổ thông cốt cán và mở rộng bồi dưỡng giáo viên đại trà, trong đó ưu tiên giáo viên lớp 1.

Trên tinh thần ấy, các trường sư phạm sẽ là nòng cốt tham gia vào quá trình bồi dưỡng. Bộ trưởng chỉ đạo, đội ngũ giảng viên cần được sàng lọc về chuyên môn và trách nhiệm để bảo đảm những ai được “đứng lớp” bồi dưỡng cho giáo viên phải là người tốt nhất. Còn các giáo viên được cử đi bồi dưỡng cốt cán phải đúng người, đúng việc. Đồng thời cần thay đổi nhận thức và hành động, biến quá trình được bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng.

Dẫu biết rằng, phía trước chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi toàn ngành phải đồng tâm, hợp lực, quyết tâm thực hiện thành công Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta bi quan, nản trí, mà để lường trước những tình huống trở ngại có thể xảy ra trong thực tế, từ đó có kịch bản ứng phó.

Việc áp dụng một chương trình, nhiều bộ sách được ví như cuộc cách mạng mới, đòi hỏi thời gian và tâm sức. Nhưng nếu chúng ta vượt qua và làm được sẽ là bước tiến quan trọng, kết nối tri thức với cuộc sống, mang lại niềm vui cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ