Paul Ducuing – nhà điêu khắc Pháp với Đông Dương

Paul Ducuing – nhà điêu khắc Pháp với Đông Dương

Sơ lược về tác giả và tác phẩm

Năm 1886, Paul Ducuing thi đỗ vào Khoa Điêu khắc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Toulouse, được 2 nhà điêu khắc Alexandre Laporte và Henri Maurette tận tình giảng dạy. Nhanh nhạy tiếp thụ và khéo léo vận dụng kiến thức chuyên ngành, Paul Ducuing sáng tác tượng tròn lẫn phù điêu, liên tục đoạt nhiều giải thưởng, mà đáng kể nhất là học bổng toàn phần nhằm tiếp tục theo học Khoa Điêu khắc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris với 2 nhà điêu khắc Alexandre Falguière và Antonin Mercié. Ở “kinh đô ánh sáng”, Salon des Artistes Français / Phòng triển lãm của các nghệ sĩ Pháp trưng bày loạt tác phẩm tạo hình của Paul Ducuing đem lại cho tác giả loạt huân huy chương sáng giá:

* Năm 1898, huy chương hạng Ba.

* Năm 1901, huy chương hạng Nhì.

* Năm 1905, huy chương hạng Nhất và Huân chương cao quý nhất của nhà nước Pháp gọi là Ordre national de la Légion d’honneu / Bắc Đẩu Bội Tinh.

Cũng tại thủ đô Paris, ngày 8/5/1922, Paul Ducuing kết hôn với Françoise de Simard de Pitray.

Trước đó khá lâu, từ năm 1901, Paul Ducuing nhận đơn đặt hàng đầu tiên làm tượng đồng Nữ ca sĩ opera Pierre de Jéliotte (1713 - 1793), đặt trong công viên Beaumont, TP Pau. Đáng tiếc xiết bao, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, bom đạn của phát xít Đức phá hủy tác phẩm điêu khắc đó, tuy nhiên ảnh chụp tượng đó vẫn còn bảo lưu.

Paul Ducuing – nhà điêu khắc Pháp với Đông Dương ảnh 1
Tượng đồng do Paul Ducuing dựng năm 1921 trong đài anh hùng tử sĩ ở TP Hadaye, Pháp. Ảnh: Micheline Casier

Loạt tác phẩm khác của nhà điêu khắc Paul Ducuing đặt trên nước Pháp, bảng kê chưa đầy đủ, tính theo năm thực hiện:

* Năm 1905, tượng cẩm thạch Surprise / Bất ngờ ở Lézignan.

* Năm 1908, tượng đồng Nhà thơ Achille Mir trong quảng trường Gambetta ở Carcassone.

* Năm 1911, tượng đồng Charles Floquet ở Saint-Jean-Pied-de-Port.

* Năm 1911, tượng đồng Tiến sĩ Raphaël Blanchard ở Les Andelys.

* Năm 1921, tượng đồng trong đài anh hùng tử sĩ hình bán nguyệt ở TP Hadaye.

* Năm 1923, đài tưởng niệm bằng đồng Clémence Isaure, còn được gọi Gloire de Toulouse/ Vinh quang của TP Toulouse, ở đô thị này.

* Năm 1928, tượng đồng Jean Jaurès ở Saint-Juéry.

* Năm 1936, phù điêu Chân dung Jean Mermoz ở Enghien-les-Bains, tỉnh Val-d’Oise.

* Năm 1938, tượng đồng Joseph Poux trong công viên Pardo ở Carcassone.

* Năm 1938, tượng bán thân Jean Jaurès ở Carmaux.

Ngày 9/3/1949, tại TP Toulouse ở tây nam nước Pháp, Paul Ducuing từ trần, hưởng thọ 82 tuổi.

Có duyên với Đông Dương

Nhờ kết thân với Albert Pierre Sarraut (1872 - 1962), Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, cựu Toàn quyền Đông Dương, Paul Ducuing được đến Đông Dương từ tháng 12/1921 - 2/1922, hân hạnh yết kiến vua Khải Định ở An Nam, vua Sisavong ở Lào, vua Sisowath ở Campuchia. Chuyến thực địa nọ giúp Paul Ducuing nhận nhiều hợp đồng thực hiện tác phẩm điêu khắc. Tượng đồng vua Sisowath của Paul Ducuing lâu nay trưng bày trong Bảo tàng Hoàng gia ở thủ đô Phnom-Penh. Còn tượng vua Khải Định chất chứa lắm điều thú vị.

Chủ yếu thông qua ảnh chụp, Paul Ducuing ở Paris tạc tượng bán thân hoàng đế Khải Định đội khăn đóng, mặc thường phục mà ngực áo đeo kim bài và Huy chương An Nam Long Bội Tinh.

Năm 1922, đến cảng thị Marseille dự Triển lãm Thuộc địa, vua Khải Định thích thú ngắm nghía pho tượng nọ, đoạn cho làm các bản sao, đồng thời đặt Paul Ducuing thực hiện pho tượng toàn thân mình. Paul Ducuing đặc tả hoàng đế xứ An Nam đội mão cửu long, khoác long bào, đôi bàn tay cầm hốt, ngồi trên ngai vàng với tư thế thiết triều. Tượng này được xưởng Ferdinand Barbédienne ở Paris đúc đồng rồi vận chuyển hàng hải về Huế, đặt ở cung Thiên Định trong Ứng Lăng tức lăng vua Khải Định.

Paul Ducuing – nhà điêu khắc Pháp với Đông Dương ảnh 2
Tượng đồng do Paul Ducuing đặc tả hoàng đế Khải Định đặt trong Ứng Lăng ở Huế. Ảnh: Trần Thành Nhân

Bản gốc tượng bán thân vua Khải Định bằng thạch cao, cao 77,5cm, do Paul Ducuing tạc, hiện của nhà sưu tập Bùi Tường Hùng ở Hà Nội. Tượng này, phiên bản kích cỡ tương tự bản gốc hoặc thu nhỏ, do đích thân Paul Ducuing thực hiện bằng thạch cao hoặc đồng thanh. Có phiên bản đồng thanh được bán đấu giá trong Trung tâm Drouot Paris ngày 9/6/1997 đạt mức 3.800 francs… Duy nhất một phiên bản đồng thau, kích cỡ y hệt bản gốc, trên tượng có dấu niêm “Cire perdue F.Barbédienne Paris” được hãng Sotheby’s bán đấu giá tại New York, Hoa Kỳ, ngày 14/4/2008 đạt mức 15.000 USD.

Sau khi tạc 2 pho tượng vua Khải Định bán thân rồi toàn thân, nhà điêu khắc Paul Ducuing tạc thêm tượng chân dung mấy “đại nhân” của triều Nguyễn:

* Tượng thạch cao vua Đồng Khánh đội khăn đóng, mặc áo thường triều mà ngực đeo kim khánh, cao 74cm, hiện Bảo tàng Quai de Branly sở hữu.

* Tượng đồng thanh hoàng tử Vĩnh Thụy, sau lên ngôi vua Bảo Đại, lâu nay được bài trí trong Nhà lưu niệm Hoàng thái hậu Từ Cung ven đường Phan Đình Phùng, phường Vĩnh Ninh, TP Huế.

* Phác thảo tượng Phụ chính đại thần Tôn Thất Hân bằng thạch cao, cao 79cm, hiện Bảo tàng Quai de Branly bảo quản.

Nhà điêu khắc Paul Ducing khá có duyên với Huế và Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn.

Pho tượng đồng toàn thân Quách Đàm (1863-1927) do Paul Ducuing thực hiện từng được đặt tại trung tâm chợ Bình Tây, còn gọi Chợ Lớn Mới, do thương gia này đầu tư xây dựng. Lâu nay, tượng đồng kia được trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM.

Đặc biệt, đôi pho tượng bằng cẩm thạch do Paul Ducuing tạc vô cùng điêu luyện, tinh tế, sống động, đậm tình sâu nghĩa, thể hiện rõ chất Việt Nam: Toàn thân ông Lê Phát An (1868 - 1946) và bà Trần Thị Thơ (1872 - 1932) đặt trên mộ hai người này ở đôi bên hông, ngay trước cung thánh, trong giáo đường Hạnh Thông Tây, ven đường Quang Trung, quận Gò Vấp. Đây là mộ song táng vợ chồng được thiết kế và thi công dẫu nhỏ gọn nhưng đẹp và sang nhất nước ta. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ