Quan tâm đào tạo giáo viên tại chỗ cho vùng đồng bào dân tộc

Quan tâm đào tạo giáo viên tại chỗ cho vùng đồng bào dân tộc

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến chủ trì buổi làm việc.

Liên quan đến Bộ GD&ĐT, Nghị quyết 33 của Quốc hội có nội dung: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, thực hiện hiệu quả chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, gắn đào tạo với nhu cầu và bố trí việc làm tại địa phương; nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, giải quyết việc làm tại địa phương cho sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi là người dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc thiểu số.

Chia sẻ về chính sách cử tuyển, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Từ năm 2007 đến 2013 có tổng số 12.805 học sinh cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng; số học sinh cử tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp là trên 2.000 học sinh. Đây là một nỗ lực lớn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng nảy sinh những hạn chế, bất cập, từ việc chọn cử, chất lượng đầu vào, quá trình đào tạo, đầu ra, việc làm cho sinh viên cử tuyển sau tốt nghiệp… Các bất cập này đã phân tích rất kỹ và đưa vào 2 Điều trong Luật Giáo dục 2019, được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 năm 2019, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.

"Thực hiện Luật Giáo dục 2019, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Dự thảo đã tập trung vào giải quyết một số vấn đề cơ bản, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP" – Bộ trưởng thông tin.

Quan tâm đào tạo giáo viên tại chỗ cho vùng đồng bào dân tộc ảnh 1

Với nhóm chính sách về hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, giải quyết việc làm tại địa phương cho sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi là người dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: 

Bộ GD&ĐT luôn cố gắng phát hiện, tuyển chọn người có năng khiếu, năng lực vượt trội để có chính sách ưu tiên đào tạo; sau này trở thành cán bộ cốt cán trước hết cho các vùng có đông đồng bào dân tộc, sau đó góp phần đóng góp nguồn nhân lực cho đất nước. Hệ thống giáo dục chuyên biệt (trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học) ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Bộ GD&ĐT đã tổ chức tổng kết 10 năm trường Phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008 – 2018, qua đó thấy được những kết quả đạt được cũng như hạn chế cần khắc phục.

Liên quan đến giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, theo Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu nhân tài; còn chính sách tuyển dụng thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ và thực hiện lại là địa phương. Một đối tượng nhưng có nhiều cơ quan tham gia; Bộ GD&ĐT đã và đang tích cực để phối hợp.

Đặc biệt quan tâm đến đào tạo giáo viên tại chỗ cho vùng đồng bào dân tộc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, khi thầy cô trưởng thành từ thôn bản, được đào tạo bài bản, sau đó quay về công tác tại địa phương sẽ rất hiệu quả, tạo độ ổn định, lâu dài. "Đây là một nội dung quan trọng" – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đưa ra các đề xuất liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cơ cấu ngành nghề cần phải thay đổi, ưu tiên tăng cường những ngành cần cho đồng bào dân tộc nhưng khó thu hút người học. Chỉ tiêu cử tuyển được xây dựng và đề xuất từ UBND cấp xã lên cấp huyện, tỉnh, nhằm khắc phục cơ bản tình trạng chỉ tiêu cử tuyển được đưa từ cấp trên xuống. Quy định cụ thể thời gian tối đa người học cử tuyển phải hoàn thành chương trình đào tạo. Người học dự bị được học lưu ban 1 năm, sau năm lưu ban vẫn không đạt đủ điều kiện vào học chính thức thì chuyển xuống học cử tuyển hệ trung cấp để nâng cao chất lượng đầu vào… 

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc kiên quyết bảo đảm chất lượng, cùng với việc tạo điều kiện để học sinh được chuẩn bị các điều kiện tốt nhất trước khi vào học.

Quan tâm đào tạo giáo viên tại chỗ cho vùng đồng bào dân tộc ảnh 2
Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phát biểu tại buổi làm việc.

Thay mặt đoàn công tác, ông Hà Ngọc Chiến đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Bộ GD&ĐT đối với giáo dục nói chung và giáo dục dân tộc nói riêng. "Kết quả này đã được Quốc hội đánh giá cao" – ông Hà Ngọc Chiến nhận định, đồng thời yêu cầu Bộ GD&ĐT hoàn thiện báo cáo, bám sát yêu cầu của Nghị quyết 33; sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. 

Bộ GD&ĐT cũng cần tiếp tục nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo thu hút nhân tài, giải quyết việc làm tại địa phương cho sinh viên là người dân tộc thiểu số; trong đó, cập nhật số liệu, kiến nghị giải pháp để khắc phục tồn tại hạn chế, liên quan đến từng Bộ, ngành, địa phương.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cùng trao đổi, góp ý cho dự thảo báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ GD&ĐT, dự thảo báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc Quốc hội; từ đó thống nhất những kết quả đạt được, cũng như vấn đề còn tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị để thực hiện tốt hơn chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ