Quỹ bảo hiểm thất nghiệp: “Giá đỡ” rủi ro cho người lao động

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp: “Giá đỡ” rủi ro cho người lao động

Điểm tựa an sinh trong dịch bệnh

Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ LĐ,TB&XH), trong tháng 3, cả nước đã có 59.276 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp quý I lên 132.320 người, tăng 10% so với quý I năm 2019. Tổng chi 3 tháng đầu năm từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp là 2.744 tỷ đồng. Trong đó, riêng chi cho trợ cấp thất nghiệp là 2.590 tỷ đồng, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là 3,7 triệu đồng/người/tháng.

Trong đại dịch, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm đã phát huy hiệu quả chức năng quản trị thị trường lao động, thông qua việc thực thi chính sách BHTN, hỗ trợ người lao động bảo đảm, duy trì cuộc sống. Bên cạnh việc thực hiện các thủ tục hưởng BHTN, hệ thống này đã chủ động thu thập thông tin, nắm bắt, cập nhật tình hình biến động lao động. Khai thác vị trí việc làm trống để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và cung cấp thông tin về thị trường lao động cho người sử dụng lao động, góp phần điều tiết thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Chính sách BHTN có được kết quả nêu trên là do công tác triển khai được thực hiện đồng bộ, kịp thời của ngành LĐ,TB&XH từ Trung ương tới địa phương và có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành có liên quan, trong đó bao gồm vai trò quan trọng của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm. Cho thấy BHTN đã thực sự giúp người lao động bảo đảm, duy trì cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.

Công cụ quản trị thị trường lao động

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Việc làm, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Trong đó, chính sách BHTN đã có một bước phát triển mới mà đích đến là chính sách bảo hiểm việc làm được thông qua việc bổ sung thêm chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Đồng thời mở rộng đối tượng tham gia BHTN và cải tiến quy trình tổ chức thực hiện BHTN.

Ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, hiệu quả của các chính sách BHTN trong dịch Covid-19 là một ví dụ điển hình về vai trò là “giá đỡ” rủi ro cho thị trường lao động. BHTN chính là bảo hiểm việc làm, gắn liền với thị trường lao động và gắn với quản lý Nhà nước về lao động. Khác biệt với các Quỹ hưu trí, tử tuất, Quỹ BHTN hỗ trợ cho người lao động bị mất việc trong vòng 3 tháng. Trong thời gian này, người lao động được hỗ trợ tập huấn, đào tạo, hướng dẫn… để họ có thể quay lại thị trường lao động.

Tiếp tục phát huy hiệu quả các chính sách BHTN, hướng tới phát triển thị trường lao động hiện đại, Cục Việc làm đang tập trung xây dựng Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHNT, nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện hiệu quả Luật Việc làm và hạn chế phát sinh trong quá trình tổ chức, thực hiện BHTN; Thực hiện cải cách hành chính, giảm chi phí cho người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan tổ chức thực hiện BHTN.

Xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN”, trong đó tập trung về tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ chế tài chính bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả để chính sách BHTN thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ