Ronaldo và Quaresma: Một con đường, hai ngã rẽ

Ronaldo và Quaresma: Một con đường, hai ngã rẽ

“Kẻ giang hồ”

Trong quá khứ, bóng đá Bồ Đào Nha đã sản sinh ra rất nhiều ngôi sao tấn công xuất sắc. Có thể kể ra những tên tuổi lớn như Eusebio hay Luis Figo. Ở giai đoạn chuyển sang thiên niên kỷ mới, Bồ Đào Nha xuất hiện 2 tài năng được đánh giá rất cao và được coi là “Figo mới”. Họ đều là những cầu thủ chạy cánh xuất phát từ Sporting Lisbon, đó là Cristiano Ronaldo và Ricardo Quaresma.

Quaresma hơn Ronaldo 1 tuổi rưỡi. Anh được đánh giá cao hơn CR7 về tài năng tự nhiên. Ngôi sao này sinh ra và lớn lên ở thủ đô Lisbon, được đặt biệt danh “kẻ giang hồ” vì ngang tàng và có cá tính. Nhìn diện mạo bề ngoài của Quaresma, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được cái tôi rất lớn của cầu thủ thích tự do và sự phóng khoáng.

Nói về điểm xuất phát, Quaresma hơn hẳn Cris Ronaldo. Anh sớm gia nhập lò đào tạo trẻ của Sporting Lisbon và trở thành cái tên rất nổi bật. Ở đội trẻ Sporting Lisbon, Quaresma là cầu thủ duy nhất thể hiện được những kĩ thuật khó. HLV đội B của Sporting, ông Vitor Damas phải thốt lên: “Cậu ta sẽ trở thành tài năng lớn của bóng đá thế giới”. Ngược lại, Ronaldo rất bình thường.

Ở vòng loại U21 châu Âu năm 2003, cả Ronaldo và Quaresma đều góp mặt trong màu áo U21 của Bồ Đào Nha. Họ có trận đấu gặp U21 Anh, đội bóng sở hữu nhiều tài năng như Barry, Joe Cole, Carrick, Crouch hay Defoe... Sau này, Peter Crouch tiết lộ rằng trong buổi họp đội trước trận, anh và các đồng đội được HLV cảnh báo rất nhiều về Quaresma. Còn khi đó, Cristiano Ronaldo hoàn toàn vô danh và không đáng quan tâm.

Nhờ tài năng, Quaresma bắt đầu sự nghiệp bóng đá khá dễ dàng. Anh được HLV Vitor Damas kéo lên đội B Sporting Lisbon ở tuổi 14. Chỉ sau 3 năm, tiền vệ người Bồ Đào Nha tiếp tục được đôn lên đội 1 của Sporting. Ngay ở mùa giải 2001 - 2002, ở tuổi 18 - 19, Quaresma đã có 36 lần ra sân trên mọi đấu trường, ghi được 5 bàn thắng. Còn với Cristiano Ronaldo, phải tới mùa giải sau đó (2002 - 2003), ngôi sao này mới có trận đấu đầu tiên cho đội 1 Sporting.

Có sự đồng điệu nhất định giữa Quaresma và Ronaldo ở mùa giải 2002 - 2003 khi họ đều ghi được 5 bàn thắng và trở thành mục tiêu săn đón của nhiều ông lớn châu Âu. Và kết thúc mùa giải đó, cả 2 đều “xuất ngoại”. Quaresma quyết định đến Barcelona, còn Cristiano Ronaldo chạy theo tiếng gọi của Man Utd. Đó cũng là ngã rẽ của 2 ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Bản năng giết chết tài năng

Ronaldo và Quaresma: Một con đường, hai ngã rẽ ảnh 1
Quaresma được đánh giá cao hơn Ronaldo khi còn khoác áo Sporting.

Rời Sporting Lisbon ở tuổi 20, Quaresma hội tụ đầy đủ các phẩm chất để trở thành ngôi sao lớn của bóng đá thế giới, nhất là khi anh chọn đội bóng có lối chơi tấn công như Barcelona. HLV của Barcelona thời đó, Frank Rijkaard không phải là người không để ý Quaresma. Ông thậm chí đánh giá rất cao tài năng trẻ này và tạo cơ hội để cầu thủ người Bồ Đào Nha thể hiện ở nhiều vị trí khác nhau. Nhưng Quaresma không phải là người có ý thức kỷ luật chiến thuật. Đó được xem là thái độ không phù hợp với một tài năng trẻ đang ở giai đoạn bắt đầu sự nghiệp.

Cái tôi quá lớn đã khiến Quaresma thất bại ngay ở bến đỗ lớn đầu tiên trong sự nghiệp. Anh chua chát nói rằng: “Ở Sporting, tôi được chơi tự do. Tôi cũng được hứa sẽ được chơi theo cách tương tự khi tới Barcelona. Nhưng họ đã quên điều đó và tôi cũng không nhận được sự tin tưởng của HLV”. Sự thất vọng khiến mối quan hệ giữa Quaresma và HLV Rijkaard ngày càng căng thẳng và ngay trong mùa hè năm sau (2004), Quaresma đã bị Barcelona bán cho Porto.

Trở lại quê nhà khoác áo Porto, Quaresma đã lấy lại mình bởi anh được đặt vào trung tâm, được chơi tự do. Đây cũng là giai đoạn anh chơi tốt nhất trong sự nghiệp. Tại Dragao, tiền vệ người Bồ Đào Nha đã mài giũa kỹ năng mà sau này trở thành thương hiệu của mình, đó là những cú sút má ngoài được gọi là “Trivela”. Sự thăng hoa của Quaresma có công rất lớn của HLV Jesualdo Ferreira, người đã biết cách tận dụng cá tính đặc biệt của tiền vệ này.

Cũng nhờ 4 mùa giải thành công trong màu áo Porto, Quaresma có cơ hội trở lại bóng đá đỉnh cao. Mùa hè năm 2008, anh cập bến Inter Milan theo tiếng gọi của HLV Jose Mourinho. Nhưng tại Giuseppe Meazza, Quaresma lại thất bại. Vấn đề lớn nhất của tiền vệ này chính là cái tôi quá lớn. Anh không tìm được tiếng nói chung với HLV và đi xa khỏi sự kỳ vọng. Trong năm 2008, khi Cristiano Ronaldo lần đầu tiên giành danh hiệu Quả bóng Vàng thì Quaresma lại bị đánh giá là cầu thủ tệ nhất Serie A.

Ở mùa giải 2008 - 2009, Quaresma bị đẩy tới Chelsea theo bản hợp đồng cho mượn nhưng mọi chuyện vẫn vậy. Ngôi sao người Bồ không thể thay đổi tính cách của mình và bị Chelsea trả lại chỉ sau vỏn vẹn 5 lần ra sân. Ở mùa giải 2009 - 2010, Inter của Mourinho bùng nổ với cú “ăn 3” lẫy lừng nhưng Quaresma là cái tên đáng quên.

Trái ngược với Quaresma, với thái độ đúng đắn và tác phong chuyên nghiệp, Cristiano Ronaldo đã có sự nghiệp lừng lẫy với 5 danh hiệu Quả bóng Vàng và rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Càng nhìn thành công của CR7, NHM bóng đá Bồ Đào Nha lại càng thấy tiếc cho Quaresma...

Những năm cuối sự nghiệp, Quaresma phiêu dạt tới Besiktas, Al Ahli, Porto và hiện đang khoác áo CLB Kasimpasa (Thổ Nhĩ Kỳ). Đến lúc này, Quaresma mới thừa nhận sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp của mình: “Tôi không có được sự kiên nhẫn ở Barcelona. Tôi không chịu ngồi yên trên băng ghế dự bị. Đó là thái độ ngu ngốc. Đáng ra tôi đã có sự nghiệp tốt hơn thế rất nhiều”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.