Sự tương tác biểu tượng trong “Bài ca ngắn đi trên bãi cát”

Sự tương tác biểu tượng trong “Bài ca ngắn đi trên bãi cát”

Quá trình tương tác biểu tượng được tạo ra bởi nghệ sĩ ngôn từ đem đến những khám phá mới cho người đọc. Đó cũng là một dấu ấn riêng, độc đáo của bài thơ “Bài ca ngắn đi trên bãi cát”của Cao Bá Quát.

Cao Bá Quát không chỉ là một nhân vật lịch sử mà còn là một tác giả tiêu biểu trên thi đàn thế kỷ XIX. Ông được mệnh danh là Thánh Quát, "Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán". Thơ văn của ông bộc lộ thái độ phê phán mạnh mẽ chế độ phong kiến trì trệ, bảo thủ và chứa đựng tư tưởng khai sáng có tính chất tự phát, phản ánh nhu cầu đổi mới của xã hội Việt Nam trong giai đoạn giữa thế kỉ XIX.

"Bài ca ngắn đi trên bãi cát" (Sa hành đoản ca) là một trong khá nhiều sáng tác của Cao Bá Quát thể hiện tâm tư, tình cảm của ông trước thực tế của xã hội Việt Nam giai đoạn giữa thế kỉ XIX. Nhiều ý kiến cho rằng "Bài ca ngắn đi trên bãi cát" được Cao Bá Quát sáng tác vào thời gian đi thi Hội. Vì vậy, bài thơ vừa mang dấu ấn quang cảnh thực mà Cao Bá Quát được chứng kiến trên đường đi thi lại vừa hiện diện như một biểu tượng nghệ thuật về con đường đời qua sự cảm nhận của một trí thức vốn lận đận với cử nghiệp.

Hình ảnh biểu tượng bãi cát dài

Hình ảnh biểu tượng bãi cát dài (trường sa) xuất hiện xuyên suốt bài thơ. Hình ảnh này xuất hiện trực tiếp trong các câu thơ: "Bãi cát lại bãi cát dài/ Đi một bước như lùi một bước", "Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!", "Anh đứng làm chi trên bãi cát?". Đó chính là những bãi cát dài của miền Trung đầy nắng gió mà thi nhân từng chứng kiến trong những lần đi thi Hội. Hình ảnh những bãi cát dài nối tiếp tưởng như vô tận, không thấy điểm dừng chân, không biết bao giờ mới đi đến đích cuối. Điệp từ "bãi cát", "bước" càng tô đậm con đường gian khổ, khó khăn. Trên con đường cát dài thăm thẳm ấy, con người trở nên thật bé nhỏ, đường dài rộng lớn, mờ mịt, không thể xác định được phương hướng, bốn bên chỉ toàn là cát và cát, dễ dẫn đến cảm giác mệt mỏi, chán nản "Đi một bước như lùi một bước".

Thơ ca không phản ánh hiện thực khách quan một cách thuần tuý. Ẩn đằng sau tầng ngôn từ là ý nghĩa triết lý nhân sinh mà tác giả muốn gửi gắm. Hình ảnh bãi cát dài ở trong bài thơ có ý nghĩa biểu tượng. Nếu hiểu bãi cát dài nối tiếp nhau như vô tận là cuộc đời rộng lớn mênh mông thì hình ảnh bãi cát dài trong bài thơ chính là ẩn dụ cho cuộc đời nhà thơ nói riêng và cuộc sống rộng lớn nói chung đầy những khó khăn, gian khổ. Từ đó, khái quát về con đường đời không hề bằng phẳng mà lắm chông gai.

Hình ảnh con đường cùng

Cộng hưởng với hình ảnh bãi cát dài là hình ảnh con đường cùng. Ai đã từng đi qua miền Trung hẳn đều ấn tượng với những bãi cát dài mênh mông nối tiếp nhau được bao bọc bởi một bên là dãy Trường Sơn, một bên là biển Đông. Cao Bá Quát cũng phác họa lại khung cảnh thực này trong hai câu thơ:

"Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,

Phía nam núi Nam, sóng dào dạt"

Khung cảnh ấy gợi cảm giác sâu sắc về sự bó buộc, ngột ngạt, bế tắc của con người. Con đường ấy đi mãi không có điểm dừng, khách bộ hành đã cất lên khúc ca đường cùng đầy bi phẫn, thách thức: "Hãy nghe ta hát khúc "đường cùng". Bốn phương trập trùng núi cao, biển rộng, chỉ có mênh mông cát trắng. Con người đứng giữa không gian ấy càng nhỏ bé, tuyệt vọng, mệt mỏi. Không thể đi tiếp, cũng không thể quay lại hòa nhập vào đám người tất tả trên con đường danh lợi, vì vậy, khúc đường cùng là khúc cuồng ca bi phẫn tuyệt vọng về con đường đời bế tắc, ngột ngạt. Cao Bá Quát ấp ủ hoài bão khát vọng cao đẹp nhưng không tìm được con đường thực hiện lí tưởng đó. Vì thế, tác giả đã cất lên khúc hát "đường cùng" về sự bi quan tuyệt vọng của bản thân.

Hình ảnh người đi trên bãi cát

Trên con đường dài, vô tận ấy nổi bật khách bộ hành - hình ảnh người đi trên bãi cát nhỏ bé, đầy mệt mỏi, mất phương hướng. Tác giả lẻ loi, cô độc giữa bầu trời cao rộng, một mình biết, một mình hay.

Mặt trời đã lặn, chưa dừng được,

Lữ khách trên đường nước mắt rơi.

Bước chân ấy trở nên nặng nề, khó khăn, chậm dần, cái thách thức trên con đường đã làm chùn bước chân lữ khách. Mặt trời đã lặn, trời sắp tối, thời điểm vạn vật nghỉ ngơi đã đến nhưng con người vẫn phải tiếp tục đi, không thể nào dừng lại được. Tác giả dường như cảm nhận được rằng mình đang hành hạ chính thân xác bé nhỏ này, áp nó phải chịu bao gian khổ để theo đuổi con đường lợi danh. Tác giả rải những bước chân mệt mỏi trên bãi cát mênh mông, bao la với tâm trạng đầy ai oán, lo âu, suy tư vì con đường mình đang đi, con đường xa xôi, đầy chông gai đi mãi mà chưa tới đích. Nhưng vì lí trí, ông muốn lập nghiệp, xây dựng cơ nghiệp với tiếng thơm công danh nên không đành rời đi. Hình ảnh con người thật nhỏ bé trên bãi cát rộng lớn.

Ở bốn câu đầu bài thơ, hình tượng con người được đặt trong thế đối lập với không gian, thời gian để ấn tượng về nỗi cô đơn hiện lên càng thăm thẳm. Đến sáu câu tiếp theo, hình ảnh con người lại đối lập với chính con người ("khách bộ hành"- kẻ phàm trần - đối lập với "tiên ông" - người có phép lạ; khách bộ hành nhọc nhằn "đi một bước như lùi một bước" - đối lập với những kẻ tất tả đua chen say theo mồi vinh hoa:

Không học được tiên ông phép ngủ,

Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!

Xưa nay, phường danh lợi,

Tất tả trên đường đời.

Đầu gió hơi men thơm quán rượu,

Người say vô số, tỉnh bao người?

Từ hình ảnh ông tiên Hạ Hầu Ấn có phép ngủ giỏi, vừa nhắm mắt ngủ ngon, ngáy đều vừa leo núi lội nước đến hình ảnh con đường đời ngược xuôi "bôn tẩu" của phường danh lợi, cho đến hình tượng "tỉnh giả/ tuý giả" (người say, người tỉnh) thường gặp trong thơ ca cổ Trung Hoa và Việt Nam, ba nhóm hình ảnh này có liên quan gì với hình tượng bãi cát dài và người khách bộ hành đơn độc?

Mượn tích xưa về tiên ông phép ngủ với nhịp điệu chậm, buồn, câu thơ chất chứa sự tự trách chính bản thân mình của khách bộ hành: Không có khả năng như người xưa, mà phải tự hành hạ thân xác của mình, chán nản mệt mỏi vì công danh. Đằng sau lời tự trách đó là hình ảnh một trang nam nhi đã chán ngán việc theo đuổi lí tưởng mờ mịt và công danh sự nghiệp.

Từ cuộc đời mình, khách đã có những suy ngẫm khái quát về hạng người ham danh lợi trong cuộc sống. Kẻ ham danh lợi cũng giống người đời thấy có rượu ngon thì đổ xô đến, "Người say vô số, tỉnh bao người?" Câu hỏi tu từ, hình ảnh gợi tả "hơi men" không chỉ là lời ca thán của tác giả mà còn là lời đánh giá đúng bản chất của xã hội đương thời. Sự cám dỗ của danh lợi đối với con người. Danh lợi cũng là thứ rượu thơm làm say lòng người, là sự cám dỗ ghê gớm mà khó ai có thể cưỡng lại được. Những kẻ ham danh lợi đều phải chạy ngược xuôi, bôn tẩu nhọc nhằn.

Sáu câu thơ cho thấy tư tưởng rất rõ ràng của tác giả về con đường công danh, sự nghiệp. Tác giả đã nhận ra tính chất vô nghĩa của con đường khoa cử, của con đường công danh theo lối cũ. Khi nhận thức ra con đường danh lợi khó khăn, tác giả như đặt ra cho mình một chọn lựa: Phải thoát ra khỏi con đường danh lợi. Câu thơ cuối cùng: "Quân hồ vi hồ sa thượng lập" – nỗi hoang mang đến cùng cực, tâm trạng đau đớn đến bế tắc trong câu hỏi nhức nhối – " Anh đứng làm chi trên bãi cát?". Một câu hỏi đến ngày nay còn vang lên thống thiết. Không thể tiếp tục trên bãi cát mãi như vậy mà cần tìm một con đường khác, một hướng đi khác. Câu thơ khắc khoải một khát khao thay đổi cuộc sống, một khát khao canh tân của thi nhân trong bối cảnh ngột ngạt của chế độ phong kiến thế kỉ XIX.

Mối quan hệ liên văn bản

Sự tương tác biểu tượng không chỉ là sự tương hỗ giữa các biểu tượng trong thi phẩm còn được thể hiện dựa trên mối quan hệ liên văn bản. Hình ảnh con đường và hình tượng người đi đường đã từng xuất hiện không ít lần trong văn học. Ta từng nghe Lý Bạch cảm thán trong câu thơ "Hành lộ nan, hành lộ nan! Đa kì lộ, kim an tại?" (Đường đi khó, đường đi khó! Nhiều ngả rẽ giờ đang ở nơi nào?). Cũng thấm thía chiêm nghiệm về con đường trong phần kết "Cố hương" (Lỗ Tấn), hình ảnh cùng đồ trong thơ chữ Hán Nguyễn Du... Đó là hình ảnh con đường đời và những người tìm lối đi trên con đường ấy. Vì vậy, khi đọc "Bài ca ngắn đi trên bãi cát" (Cao Bá Quát), độc giả nhận thức được hình ảnh con đường đã trở thành biểu tượng cho đường công danh nhọc nhằn, bế tắc, mệt mỏi tác giả và bao trí thức đương thời phải đi.

Sáng tạo riêng, mới mẻ, độc đáo của Cao Bá Quát trong bài thơ chính là hình tượng bãi cát dài, con đường đi trên cát. Bãi cát đã từng xuất hiện trong thơ xưa với những ý nghĩa biểu tượng khác nhau. Trong "Chinh phụ ngâm" (Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm), vùng cát trắng diễn tả sự gian khổ của người chinh phu:

Ôm yên gối trống đã chồn

Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh

Trong "Truyện Kiều", Nguyễn Du lại mượn hình ảnh cát vàng để diễn tả nỗi buồn và sự cô đơn của nàng Kiều:

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia

Có khi bãi cát gợi tả thiên nhiên hùng vĩ, mỹ lệ trong thơ ca cổ.

Nhưng ở "Bài ca ngắn đi trên bãi cát" của Cao Bá Quát, bãi cát lại được khắc họa như con đường đời dài vô tận và đường đi trên cát mệt mỏi, bế tắc như con đường cùng. Đó là con danh của kẻ sĩ lúc bấy giờ. Hình ảnh thơ đã rũ bỏ khuôn sáo ước lệ, đem đến nét nghĩa biểu tượng mới mẻ, độc đáo của riêng Cao Bá Quát. Bãi cát và con đường dài là biểu tượng cho con đường công danh xa xôi, mịt mù, đầy nhọc nhằn và bế tắc.

Bài thơ đã xây dựng hình ảnh một người trí thức tự nhiệm, trung thực, đầy tinh thần trách nhiệm với đất nước, với cuộc đời mình nhưng do hoàn cảnh mà phải luôn băn khoăn, day dứt về con đường đang đi. Bài thơ đã khắc họa một Cao Bá Quát với nhân cách cao cả, không chịu thỏa hiệp với dục vọng bản thân và với thực trạng xã hội đang tiềm chứa nhiều suy thoái.

"Bài ca ngắn đi trên bãi cát" là lời than bi phẫn của người lữ khách về sự gian truân trên đường đời, về sự mờ mịt ghê sợ của con đường danh lợi. Bài thơ là một bài học, một triết lí về con đường danh lợi và cái giá của khách danh lợi trên mọi nẻo đường gần xa, xưa và nay phải trả giá nặng nề, đau đớn.

Sự tương tác giữa các biểu tượng đã khiến câu chữ không còn xơ cứng trên trang giấy mà hiển lộ những tầng nghĩa sâu sắc, chuyển tải nỗi niềm tâm sự đau đáu của thi nhân trước cuộc đời. Chính vì vậy, hình ảnh biểu tượng bãi cát dài và người đi trên bãi cát dài lúc mặt trời đã lặn cứ ám ảnh mãi tâm hồn những ai đã từng một lần lắng nghe khúc ca bi phẫn của Cao Bá Quát - "Bài ca ngắn đi trên bãi cát".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.