Sửa đổi nghị định phải phát huy sức sáng tạo của các nghệ sĩ

Sửa đổi nghị định phải phát huy sức sáng tạo của các nghệ sĩ

Ngày 14/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Quy định quản lý lỗi thời

Báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP đã phát sinh một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực thi.

Sửa đổi nghị định phải phát huy sức sáng tạo của các nghệ sĩ ảnh 1
Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Q.Khánh

Việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước và biện pháp quản lý cụ thể đối với từng hoạt động nghệ thuật biểu diễn chưa hiệu quả dẫn đến nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng nhưng không bị ngăn chặn, xử lý.

Quy định cấp giấy phép trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa thống nhất với hệ thống quy định pháp luật trong lĩnh vực khác (như xuất, nhập cảnh; lao động; thương mại; thi đua, khen thưởng...) đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng sự chồng chéo giữa các quy định để trục lợi.

Biện pháp quản lý đối với hoạt động tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn chưa phù hợp với thực tiễn, trong khi nhu cầu của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động này có xu hướng tăng lên.

Biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ tổ chức thi người đẹp, người mẫu và hoạt động dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài chưa phù hợp với thực tiễn dẫn đến những vướng mắc, bất cập trong hoạt động này.

Biện pháp quản lý tác phẩm âm nhạc, sân khấu còn nhiều bất cập dẫn đến các tác động tiêu cực từ dư luận trong hoạt động công vụ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Để hệ thống pháp luật về hoạt động nghệ thuật biểu diễn phù hợp với thực tiễn, tạo khung pháp lý phù hợp với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong thời gian tới, việc xây dựng Nghị định là cần thiết và hợp lý hơn việc xây dựng luật, pháp lệnh.

Hai phương án quản lý thi người đẹp

Trong quá trình lấy ý kiến, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều thống nhất quan điểm cần có quy định quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu nhưng còn ý kiến khác nhau về biện pháp quản lý. Bộ VH,TT&DL đã báo cáo xin ý kiến thành viên Chính phủ về nội dung này theo hai phương án.

Phương án 1: Bộ VH,TT&DL quy định điều kiện để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu theo địa bàn. Bộ VH,TT&DL nhất trí với Bộ Tư pháp và lựa chọn phương án này nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, bảo đảm nội dung quản lý nhà nước vừa hạn chế những tiêu cực, bất cập như hiện nay.

Phương án 2: Tiếp tục quản lý theo hình thức hạn chế số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu trong một năm. Cách này có thể kiểm soát được số lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng việc kiểm soát số lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu chưa hợp lý với mục tiêu quản lý, dễ tạo cơ chế xin cho hoặc tổ chức "chui" như hiện nay.

Đến ngày 9/6, có 23/25 thành viên Chính phủ đã gửi phiếu ghi ý kiến, trong đó 20/23 thành viên Chính phủ chọn phương án 1; 23/23 thành viên Chính phủ biểu quyết thông qua nội dung dự thảo.

Sửa đổi nghị định phải phát huy sức sáng tạo của các nghệ sĩ ảnh 2
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành với phương án 1. Ảnh: Q. Khánh

Về quản lý các cuộc thi biểu diễn nghệ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành với phương án 1 mà Chính phủ đưa ra quy định hạn chế các cuộc thi trong 1 năm ở trên địa bàn sang hình thức quy định điều kiện để UBND cấp tỉnh có thể chấp thuận là phương thức quản lý tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương, tránh được cơ chế xin - cho, tránh tiêu cực.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển không đồng thuận theo ý kiến đa số của Chính phủ là phân cấp cho UBND tỉnh được phép phê duyệt mà cần có sự kiểm soát chặt chẽ, không nên phân cấp.

Quy định rõ hoạt động cấm biểu diễn

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao dự thảo Nghị định đã cắt giảm 5/10 thủ tục hành chính như cắt giảm cấp giấy phép cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cấp giấy phép cho cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu...

Tuy nhiên, việc cắt giảm cấp giấy phép cho cá nhân ra nước ngoài biểu diễn, giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu nhưng nhìn vào việc cấp giấy phép thực tế là chuyển sang văn bản chấp thuận. Đây là hai hình thức khác nhau để quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chứ không phải là hoàn toàn cắt giảm thủ tục hành chính như đề cập.

Sửa đổi nghị định phải phát huy sức sáng tạo của các nghệ sĩ ảnh 3
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Q. Khánh

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến, dự thảo Nghị định chưa quy định rõ việc tổ chức, cá nhân ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật nên cần làm rõ và có chế tài quản lý chặt chẽ hơn. Ngoài ra cũng cần có sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ đối với hoạt động biểu diễn ở ngoài đường phố, biểu diễn ở các đám cưới. Những cuộc thi người đẹp, người mẫu; các cháu nhỏ nhảy múa, hát các bài hát của người lớn cũng cần kiểm soát kỹ vì không phù hợp với lứa tuổi của mình.

Sửa đổi nghị định phải phát huy sức sáng tạo của các nghệ sĩ ảnh 4
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng hoạt động cấm biểu diễn cũng cần nêu rõ. Ảnh: Q. Khánh

Đồng ý với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, người từ nước ngoài về Việt Nam hoạt động biểu diễn nghệ thuật hay ngược lại phải có sự kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ chứ không thể dựa vào Luật Xuất nhập cảnh vì đây là hoạt động liên quan đến văn hóa. Còn những hoạt động cấm biểu diễn cũng cần nêu rõ, chứ không nên đưa là không được hoạt động biểu diễn.

Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao ý kiến đóng góp của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định, còn có những nội dung chưa rõ ràng, không còn phù hợp, vẫn tạo cơ chế xin - cho, phân cấp quản lý không rõ ràng.

Liên quan đến việc cấp phép cho người nước ngoài về Việt Nam biểu diễn hay ra nước ngoài biểu diễn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Bộ VH,TT&DL cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, cơ quan quản lý để thực hiện tốt hơn.

Về hoạt động quản lý, cấp phép cho các cuộc thi người đẹp, người mẫu, việc phân cấp cho các địa phương cần phải có sự cẩn trọng vì liên quan đến quyền con người và các luật liên quan, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Việc sửa đổi nghị định phải phát huy sức sáng tạo của các nghệ sĩ để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ