Tại sao Trung Quốc “đi trước về sau” trong phát minh khoa học?

GD&TĐ - Nhà Sử học Joseph Needham (Anh) là người đầu tiên lập ra một bảng liệt kê những phát minh của Trung quốc (TQ) mà phương Tây mãi về sau mới bắt đầu nghiên cứu. Nhưng vì sao TQ không có được những Newton, Galillée… của mình?

Joseph Needham
Joseph Needham

Dưới con mắt của phương Tây, TQ là một “vương quốc bất động” trong thời gian và truyền thống. Fernand Braudel (Pháp) cố gắng giải thích lý do của “sự bất động văn hóa” đó. Lý do tôn giáo, tục thờ cúng tổ tiên và cấu trúc xã hội: quyền lực bảo hoàng, truyền thống gia đình, tầng lớp “ông đồ” chỉ lấy thơ văn làm bậc thang danh vọng.

Có một người đã bác bỏ ý kiến đó, đó là ông Joseph Needham. Trong một tác phẩm đồ sộ nói về khoa học và kỹ thuật TQ, ông chứng minh rằng TQ không phải là một đất nước bất động, đóng cửa với mọi sự cải tiến kỹ thuật và phát minh khoa học. Hoàn toàn ngược lại, trong một số lĩnh vực họ còn đi trước cả phương Tây.

Bốn công trình phát minh

Trong cuốn sách “Khoa học và nền văn minh TQ”, J.Needam liệt kê các công trình mà phương Tây “nợ” TQ: ống thổi dùng pít-tông, xe hai bánh (như xe cút-kit), bộ bánh răng truyền động (trong một máy công cụ), cái nỏ, công nghệ đúc, cống của kênh, bánh lái của trục (sống đuôi tàu), v.v…

Có bốn cải tiến cơ bản làm thay đổi lịch sử của phương Tây: la bàn (địa bàn), giấy, thuốc súng và công nghệ in.

1/ La bàn. La bàn được phát hiện từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Lúc đầu la bàn dùng để xác định phương hướng các ngôi mộ hay là những tòa nhà, mãi về sau dưới triều nhà Tống (960-1279) mới dùng la bàn cho tàu bè trên biển.

La bàn được truyền cho thủy thủ Ý vào thế kỷ 12, có thể là từ các thủy thủ A-rập. Chắc chắn rằng la bàn do người TQ phát minh. Không có la bàn, việc đi lại trên biển của Colombus, Magellan, Vasco de Gama… không thể thực hiện được.

2/ Nghề in. Trong nhà trường người ta nói rằng Gutenberg là người phát minh ra nghề in, tức là cách dùng những con chữ rời sắp thành một bài.

Tuy nhiên người TQ đã sử dụng kỹ thuật này từ thế kỷ thứ 8 (tức 6 thế kỷ sớm hơn). Dưới đời nhà Tống (thế kỷ thứ 10) người TQ đã in giấy bạc, sách dạy trồng trọt và kinh kệ. Phần lớn những bài viết được khắc thành khối trên những tấm gỗ hay kim loại.

Cách in này rất phức tạp, công phu, thời gian kéo dài. Từ thế kỷ 11, một người TQ tên Bi Sheng (990-1051) là người đầu tiên phát minh ra kỹ thuật dùng con chữ rời bằng đất sét.

Từ đó nghề in bằng cách sắp các con chữ rời được phổ biến từ thế kỷ 11, tức là trước Gutenberg 4 thế kỷ. Tuy vậy sự phổ biến rộng rãi nghề in (tức là sản xuất lại những tác phẩm phức tạp gồm có nhiều chữ di động) ở TQ chỉ mới được thực hiện từ thế kỷ 19, sau Châu Âu rất lâu.

3/ Giấy. Nghề in không thể phát triển nếu không có nguyên liệu mới, ít tốn kém hơn và mềm hơn da (cừu, dê). Cho tới thời Trung cổ, người Châu Âu viết trên da súc vật. Nguyên liệu này hiếm và đắt vì vậy những người chép bản thảo không ngần ngại dùng những tấm da cũ, cào bỏ bài viết cũ để chép bài mới.

Chính người TQ làm ra một chất liệu mới từ sợi thực vật khoảng 2 thế kỷ trước Công nguyên. Kỹ thuật này được phổ biến sang phương Tây qua những người A-rập và việc dùng giấy ở Châu Âu được bắt đầu từ thế kỷ 12. Đến thế kỷ 14 thì việc sản xuất và dùng giấy được phổ biến trên thế giới.

4/ Thuốc súng. Thời gian đầu người TQ dùng “bột đen” để làm pháo và pháo hoa. Những người phương Tây sau này dùng bột đen- gọi là thuốc súng, cho những mục tiêu quân sự. Sự thực người TQ đã dùng thuốc súng để phóng hỏa tiễn từ thế kỷ 13, trước khi người Châu Âu dùng thuốc súng trong pháo binh vào thế kỷ 14, thông qua người Mông Cổ và A-rập.

Người TQ không phải chỉ là những nhà kỹ thuật. Trong lĩnh vực Thiên văn, Toán, Y học…, họ cũng đã có những phát minh đôi khi trước cả người phương Tây.   

Bộ sách đồ sộ về văn minh Trung Quốc do Needham biên soạn

Bộ sách đồ sộ về văn minh Trung Quốc do Needham biên soạn

Nghịch lý của Needham

Nếu TQ đi trước phương Tây rất xa trong nhiều lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, tại sao họ không có một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật như phương Tây?

Họ đã có những kiến thức về Thiên văn tiên tiến và những kiến thức về Toán không kém gì Toán học thời Phục hưng, tại sao TQ không sản sinh ra một Galilée hay một Newton? Đó là vấn đề ám ảnh J. Needham suốt đời. Nghịch lý đó - gọi là nghịch lý J.Needam - làm cho các nhà Sử học băn khoăn tìm cách giải đáp.

Họ tạm chấp nhận lý do sự trì trệ của khoa học kỹ thuật TQ là do tính bảo thủ của đạo Khổng và những cấm kỵ do quyền lực thứ bậc ban ra. Từ đó nhiều người cũng thử giải đáp câu hỏi đó. Ba lý do chính đã được đưa ra.

Lý do đầu tiên là hệ thống quan lại tù túng của sự quan liêu thiên triều. Tiếp cận này phù hợp với lý luận Mác-xít khi đề cập đến “phương thức sản xuất Á châu”, một phương thức bị “đóng băng” do tính quan liêu của Nhà nước.

Một tiếp cận thứ hai do phái Weber đề ra. Đó là cách nhìn thế giới theo kiểu TQ: cơ chế của thiên nhiên không thể được coi như cơ chế của đồng hồ (có thể mô tả, phân tích theo kiểu Toán học, Cơ học) mà thiên nhiên là một cơ chế vĩ đại được điều hành bởi những lực siêu nhiên con người không thể tiếp cận được.

Ở TQ, cách nhìn biện chứng bị phủ định, làm cho khoa học và kỹ thuật không thể cất cánh được, trong khi Châu Âu chuyên về tiếp cận, mô tả, phân tích, tìm ra quy luật phổ biến để áp dụng vào thực tế.

Một cách tiếp cận thứ ba do nhà nhân chủng học Anh Jacques Goody chủ trương: trên thực tế không có sự khác nhau đáng kể giữa phương Tây và phương Đông trong công cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật.

Theo ông, trong thế kỷ 18 TQ cũng có sự phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật có thể so sánh với phương Tây. Họ chỉ kém trong một vài lĩnh vực, điều mà họ đang phấn đấu để đuổi kịp. Và ở một vài lĩnh vực, họ có thể vượt phương Tây.

Với cách nhìn đó của Jacques Goody, những khác biệt về con đường đi giữa TQ và phương Tây trở nên nhỏ hơn: không có đối lập toàn diện giữa hai nền văn hóa, hai nền kinh tế, hai xã hội khác nhau tận gốc rễ mà chỉ có những khác nhau nhỏ - nhưng những khác nhau nhỏ đó lại dẫn đến sự cách biệt lớn.

Nói tóm lại, với thời gian, phương Đông và phương Tây tuy có những phong tục tập quán khác nhau, nhưng trên con đường nghiên cứu và ứng dụng khoa học, họ sẽ cùng đi với nhau.

Theo Hồ sơ Khoa học Nhân văn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.