Tháng Sáu - Cuộc gặp gỡ thi vị và ngẫu hứng của ba họa sĩ

Tháng Sáu - Cuộc gặp gỡ thi vị và ngẫu hứng của ba họa sĩ

Một cuộc bày tranh ngẫu hứng của ba người. Tháng Sáu cũng được chọn một cách ngẫu nhiên thành tựa đề cho triển lãm này.

Họ là 3 họa sĩ dòng hiện thực ở lứa tuổi khác nhau, cùng chung một ý tưởng về vẻ đẹp thuộc về con người được thiên nhiên ban tặng và cùng sống ở Hà Nội.

Cả ba họa sĩ đều sử dụng chất liệu sơn dầu với bút pháp hiện thực và mỗi tác giả sẽ bày chừng 10 đến 15 bức kích cỡ khác nhau nhưng không bức nào có khổ to hơn 1m2 mặc dầu ai cũng đã vẽ khổ tranh lớn hơn như vậy.

Hội họa cũng tương tự như âm nhạc, có nhiều trường phái khác nhau, từ người sáng tạo đến công chúng thụ hưởng đều có chung một điểm trường phái/ cách biểu hiện không quan trọng, quan trọng nó có tạo được hiệu quả cảm xúc hay không mà thôi. Ba họa sĩ cũng nghĩ như vậy, họ tin vào cách biểu đạt của mình.

Người trẻ nhất là Bùi Văn Tuất (1982) tốt nghiệp khoa sư phạm trường Đại học MT Hà Nội năm 2007, đã có triển lãm cá nhân “TUỔI THƠ NHƯ THẾ” năm 2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật VN và một số các triển lãm nhóm khác. Bùi Văn Tuất là tác giả của những bức tranh về nông thôn miền núi với những gương mặt ngây thơ của trẻ nhỏ vùng cao, góc bếp với những mảng tường trình độc đáo và ánh lửa ấm áp ngày đông, với những con vật gần gũi như con trâu, con chó con gà cùng gam màu trầm sâu lắng…

Tháng Sáu - Cuộc gặp gỡ thi vị và ngẫu hứng của ba họa sĩ ảnh 1
 Tranh của họa sĩ Hải Kiên

Người thứ hai là họa sĩ Hải Kiên (1973) Hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam. Giảng viên Đại học sư phạm Nghệ thuật TW. Tốt nghiệp thạc sĩ hội họa, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, năm 2010. Đã tham gia triển lãm nhóm, triển lãm mỹ thuật do Hội Mỹ Thuật Việt Nam tổ chức. Họa sĩ Hải Kiên với gam màu tươi sáng, chủ đề gần gũi như tĩnh vật, chân dung và đặc biệt là hoa. Những tác phẩm về hoa như: “Sa lem”, “Hồng bạch”, “Thủy tiên”… Anh có bút pháp tinh tế.

Tháng Sáu - Cuộc gặp gỡ thi vị và ngẫu hứng của ba họa sĩ ảnh 2
Tranh của nhà văn Trần Thị Trường

Và cuối cùng là nhà văn Trần Thị Trường, người từng thi đỗ Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp VN khóa 1973-1978 đã học và bỏ dở nửa chừng, sau nhiều năm làm báo viết văn lại quay về với hội họa sau thời gian được họa sĩ Hải Kiên hướng dẫn. Trần Thị Trường chọn tĩnh vật là đối tượng sáng tác chính, coi tĩnh vật có linh hồn và có thể “trò chuyện” trong đời sống, ngoài ra cũng có những bức về nội thất, phong cảnh… Bà đã có triển lãm tranh cá nhân mang tên “NHỮNG CẢM XÚC BẰNG MÀU” tháng 12/2019. Cả ba đều sáng tác bằng chất liệu sơn dầu, và cùng thấy “THÁNG SÁU” là một cuộc gặp gỡ thi vị giữa các họa sĩ với người thưởng thức nghệ thuật hội họa tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Cả ba họa sĩ thuộc dòng hiện thực, họ thích vẽ trực họa nhưng không sao chép tự nhiên mà có khả năng xử lý tương quan màu đã rất đẹp từ tự nhiên để làm nên tác phẩm. Tranh của họ là những gì gần gũi với con người nên màu sắc họ ưa dùng cũng là màu sắc của đời sống xung quanh.

Như “những người hát rong” yêu đời, cả ba đều có một lượng “khán giả” nào đó, và mỗi lần họ “hát” (bày tranh) của mình ra triển lãm hay trên mạng xã hội thì đều nhận được những khích lệ đáng kể.

Lần này, họ cùng nhau hát bài ca Tháng Sáu. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ