Thi THPT quốc gia: Rèn kĩ năng làm bài Ngữ văn

GD&TĐ - Cô Hoàng Thị Bằng - Tổ trưởng Tổ Xã hội Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) – chia sẻ những kinh nghiệm ôn tập, rèn kĩ năng giúp thí sinh hoàn thành tốt bài thi môn Ngữ văn trong Kỳ thi THPT quốc gia.

Thi thử THPT quốc gia tại Trường THPT Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Hải Bình
Thi thử THPT quốc gia tại Trường THPT Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Hải Bình

Những chia sẻ này cũng đồng thời giúp thí sinh cả trong kĩ năng nhận diện, trả lời và trình bày câu trả lời.

3 kĩ năng làm phần đọc hiểu

Với phần Đọc hiểu trong đề thi Ngữ văn, giáo viên khi ôn tập cần nhắc thí sinh không nên quan tâm đến văn bản ngay mà nên chú ý đến hệ thống câu hỏi sau đó mới quay ngược trở lại đọc văn bản.

Sau đó, đọc kĩ ngữ liệu và các yêu cầu từ ngữ liệu để chuẩn bị thực hiện các yêu cầu; xác định xem văn bản thuộc thể loại văn học hay thông tin; xác định nội dung văn bản: Căn cứ vào câu chủ đề, nhan đề, các từ khóa ở phần văn bản.

Để nhận diện câu hỏi, giáo viên hướng dẫn học sinh căn cứ vào câu lệnh (câu hỏi) để từ đó xác định phạm vi câu trả lời.

Với kĩ năng trả lời những câu hỏi ở mức độ nhận biết, kinh nghiệm ôn tập cho học sinh như sau: Các dạng câu hỏi yêu cầu “chỉ ra”, “nêu”… giáo viên hướng dẫn học sinh hệ thống hóa kiến thức cơ bản: Từ loại; câu; các biện pháp tu từ; phong cách ngôn ngữ; phương thức biểu đạt; hình thức ngôn ngữ; phương thức trần thuật; các phép liên kết; thể thơ; thể loại; thao tác lập luận; hình thức lập luận.

Với các dạng câu hỏi có yêu cầu “căn cứ vào văn bản”, “theo tác giả”… giáo viên hướng dẫn học sinh nắm bắt các từ khóa, câu chủ đề, ý chính trong văn bản để xác định câu trả lời.

Với dạng câu hỏi thông hiểu và vận dụng, giáo viên lưu ý học sinh cần bám sát vào văn bản; dựa vào kiến thức trong thực tiễn cuộc sống để lí giải.

Câu trả lời phải bày tỏ được quan điểm riêng, quan điểm ấy phải phù hợp với chuẩn mực xã hội. Học sinh sử dụng các thao tác: Phân tích, tổng hợp, lí giải để trả lời câu hỏi dạng này.

Thời gian làm bài thi môn Ngữ văn là 120 phút nên phần Đọc hiểu, học sinh chỉ nên sử dụng từ 15 đến 20 phút. Vì vậy, câu trả lời phải ngắn gọn, chính xác và đầy đủ, tuyệt đối không lan man, dài dòng.

Kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội

Đề bài văn nghị luận xã hội thường yêu cầu viết đoạn văn 200 chữ, học sinh cần trình bày trong một đoạn văn (không được ngắt xuống dòng), dung lượng an toàn khoảng 2/3 tờ giấy thi (khoảng trên dưới 20 dòng viết tay), có thể nhiều hơn vài dòng cũng không bị trừ điểm (tối đa 1 trang giấy thi).

Khi đặt bút viết, học sinh cần trả lời câu hỏi: Chủ đề/ luận điểm đoạn văn mình viết là gì? Để làm sáng tỏ chủ đề/luận điểm ấy, cần phải nêu luận cứ cụ thể nào? Để viết tốt đoạn văn, học sinh cần nắm vững bố cục cơ bản của một đoạn văn nghị luận xã hội, cách triển khai ý, cách viết câu... Trong khi viết đoạn văn, học sinh sử dụng các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, so sánh, bình luận...

Để viết được đoạn văn nghị luận xã hội đạt điểm cao, ngoài những kỹ năng cứng như trên, học sinh cần có những kỹ năng mềm như nắm bắt tình hình xã hội, những vấn đề nóng của xã hội đang diễn ra mang tính thời sự... Học sinh bắt buộc phải đưa dẫn chứng vào bài làm nhưng tránh đưa vào bài quá nhiều dẫn chứng hoặc những dẫn chứng đã quá quen nhàm. Tránh hô khẩu hiệu, lan man, dài dòng.

Kĩ năng viết bài nghị luận văn học

Để làm tốt bài nghị luận văn học, học sinh phải nắm chắc kiến thức chung của tất cả tác phẩm văn học trong chương trình môn Ngữ văn THPT, đặc biệt là các tác phẩm văn học 12. Khi nắm chắc nội dung, học sinh sẽ có lợi thế xác định chính xác vị trí, bối cảnh, tình huống… mà các ngữ liệu so sánh đề cập.

Học sinh cũng phải nắm chắc các bước làm bài với kiểu đề mới 2019. Tăng cường luyện tập với những kiểu đề theo định hướng đề minh họa. Mạnh dạn trao đổi với bạn bè, hỏi thầy/cô những thắc mắc liên quan đến đề thi mới.

Theo định hướng đề thi tham khảo năm 2019, học sinh có thể làm bài theo các bước như sau:

Bước 1: Nhận dạng kiểu bài, xác định yêu cầu trọng tâm (lệnh chính – lệnh phụ của đề và phạm vi dẫn chứng cần sử dụng) bằng cách gạch chân từ - cụm từ quan trọng trong đề.

Bước 2: Lập dàn ý đại cương. Khung ý cần có mở bài, thân bài, kết luận.

Mở bài: Giới thiệu chung, dẫn dắt vào vấn đề nghị luận, nêu cảm nhận khái quát về vấn đề.

Thân bài: Với lệnh đề chính, nêu cảm nhận về hai ngữ liệu được đưa ra từ đề bài. Khái quát thêm về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ tác phẩm, sơ lược nội dung tư tưởng tác phẩm.

Phân tích ngữ liệu thứ nhất: Nêu vị trí và bối cảnh xuất hiện, làm nổi bật đặc sắc nội dung và nghệ thuật…; chốt ý, nâng cao bình giá. Phân tích ngữ liệu thứ hai: Nêu vị trí và bối cảnh xuất hiện, làm nổi bật đặc sắc nội dung và nghệ thuật…; chốt ý, nâng cao bình giá. Nhận xét, đánh giá (vị trí, nội dung, nghệ thuật, vai trò ý nghĩa trong toàn bộ văn bản…).

Với lệnh đề phụ: Dựa vào đặc sắc về cảm hứng, quan điểm sáng tác, đặc trưng phong cách nghệ thuật tác giả hoặc căn cứ vào diễn biến, quá trình thay đổi của các ngữ liệu để đánh giá, nhận xét, lí giải phù hợp.

Kết bài: Khái quát lại vấn đề nghị luận và đánh giá sau cùng; nêu ấn tượng bản thân về vấn đề…

“Để chuẩn bị tốt cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, ngay từ đầu năm, nhóm chuyên môn đã xây dựng kế hoạch ôn tập theo từng đợt bám sát vào nội dung chương trình. Từ kế hoạch chung của nhóm, mỗi giáo viên lại căn cứ vào thực tế lớp mình giảng dạy để điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng học sinh. Sau mỗi đợt ôn tập sẽ có một bài thi thử, giáo viên chấm, chữa bài để rút kinh nghiệm cho bài thi thử sau.
Căn cứ vào kế hoạch ôn tập nhóm chuyên môn xây dựng phiếu bổ trợ kiến thức theo cấu trúc đề thi THPT quốc gia nhằm giúp cho học sinh củng cố và nắm chắc kiến thức của bài học đồng thời luyện kĩ năng làm bài. Khi có đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, thực hiện điều chỉnh và bổ sung thêm các dạng đề cho phù hợp”.  Cô Hoàng Thị Bằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ