“Thước thợ” không... chuẩn

Theo bà Phạm Thị Trâm - Giám đốc NXB Đại học Quốc gia Hà Nội thì lý do thu hồi cuốn sách trên do "thấy quan điểm của tác giả trong một số mục từ chưa phù hợp với chính tả hiện hành".

Cùng với việc thu hồi sách, hoàn tiền cho bạn đọc, bà Trâm cho biết NXB Đại học Quốc gia Hà Nội cũng ngừng cấp phép tất cả các loại từ điển của tất cả đối tác liên kết để xem xét và chấn chỉnh, "tránh gây những hệ lụy đến NXB".

Có thể thấy, đây không phải lần đầu tiên NXB Đại học Quốc gia Hà Nội phải ra quyết định thu hồi sách, đặc biệt là sách từ điển tiếng Việt. Trước đó, ngày 10/6, NXB này đã ra văn bản yêu cầu tạm đình chỉ phát hành cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của PGS.TS Hà Quang Năng (chủ biên) và thạc sĩ Hà Thị Quế Hương.

Cũng liên quan đến từ điển và cũng chính là NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, vào tháng 2 vừa qua, cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của nhóm tác giả Đặng Thúy Hằng, Dương Thị Dung, Nguyễn Thảo Nguyên vi phạm bản quyền sách của ông Hoàng Tuấn Công. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội đã phải ban hành quyết định thu hồi, tổ chức tiêu hủy cuốn sách đồ sộ gần 1.000 trang được in đẹp.

Việc NXB Đại học Quốc gia Hà Nội liên tục có những cuốn từ điển bị phát hiện sai sót nghiêm trọng phải thu hồi khiến độc giả nghi ngờ về năng lực của biên tập viên và quy trình kiểm soát chất lượng sách của NXB này.

Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên thì cho rằng, đây là việc đáng tiếc của ngành xuất bản, nhưng đây không phải là một tỉ lệ lớn khi mỗi năm có hơn 30.000 đầu sách được xuất bản, trong đó từ điển và sách công cụ chiếm 0,4%.

Từ điển là sách dùng làm phương tiện để phục vụ cho cả những cuốn sách khác, nếu sai sót thì gây hệ lụy rất lớn. Với ngành ngôn ngữ, từ điển được ví như "thước thợ mộc". Nếu thước thợ mà còn không chuẩn thì sản phẩm, công trình làm ra sẽ méo mó thế nào.

Chính vì vậy, việc biên soạn từ điển nên có người hiệu đính, có cơ quan chuyên môn thẩm định độc lập. Tên người hiệu đính và cơ quan thẩm định cũng phải được đưa vào sách để họ chịu trách nhiệm, nếu xảy ra sai sót.

Hiện nay, chưa có văn bản pháp lý nào quy định về chuẩn chính tả tiếng Việt. Mới chỉ có một số quy định chính tả được đưa ra sử dụng trong một số lĩnh vực và việc đưa ra văn bản mang tính pháp quy về chuẩn chính tả vẫn còn là công việc của tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ