Tích cực chuẩn bị cho năm học mới ngay khi vừa bế giảng

Tích cực chuẩn bị cho năm học mới ngay khi vừa bế giảng

Khen thưởng học sinh phải đảm bảo thực chất

Tuần qua, tại hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị việc đánh giá, khen thưởng học sinh phải đảm bảo thực chất, tránh lạm dụng giấy khen dẫn đến "tác dụng ngược".

Các địa phương cần chú ý đến việc khen thưởng học sinh cuối năm học, việc đánh giá phải đảm bảo thực chất, vì sự tiến bộ của học sinh, tránh lạm dụng giấy khen dẫn đến "tác dụng ngược" trong việc khen thưởng. Đặc biệt, chuẩn bị cho tổng kết năm học 2019-2020 và bước vào năm học mới 2020-2021 - năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1.

Bộ trưởng cũng yêu cầu, các cơ sở giáo dục không tổ chức tựu trường trước ngày 1/9 và thống nhất toàn quốc tổ chức khai giảng năm học mới vào ngày 5/9. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học, thiếu sách giáo khoa cho năm học mới. Căn cứ vào thực tiễn, Bộ sẽ ban hành Chỉ thị năm học mới sát với tình hình của địa phương.

Tích cực chuẩn bị cho năm học mới ngay khi vừa bế giảng ảnh 1
Ảnh minh hoạ (nguồn: IT)

Giáo viên phải có nghỉ hè

"Đã là giáo viên phải có nghỉ hè, bởi đây là thời gian rất có ý nghĩa, giúp giáo viên tái tạo năng lượng, tái tạo sức lao động". Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi tới thăm và trò chuyện với giáo viên Trường THCS&THPT Cồn Tiên, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Tuần qua, nhiều trường phổ thông đã tổ chức lễ bế giảng năm học 2019-2020 và cho học sinh được nghỉ hè.

Với cả thầy và trò, 2019-2020 là một năm học rất đặc biệt. Ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lần đầu tiên học sinh cả nước có kỳ nghỉ kéo dài 3 tháng để phòng dịch. Học sinh và giáo viên gặp nhau qua màn hình máy tính, khắc phục khó khăn để thực hiện dạy học trực tuyến.

Dịch bệnh cũng khiến thời gian kết thúc năm học muộn 1,5 tháng so với mọi khi (các năm học trước học sinh bắt đầu nghỉ hè từ 31/5), nhưng cũng là cơ hội để ngành giáo dục trả lại ý nghĩa ngày khai giảng, chấm dứt việc tựu trường trước cả tháng rồi mới khai giảng năm học. Bộ GD&ĐT đã quyết định, từ năm học tới, các trường công lập không tổ chức dạy học và tựu trường trước 1/9.

Với quyết định này, năm nay học sinh trường công lập sẽ có 1,5 tháng nghỉ hè , bắt đầu từ ngày 15/7.

Từ năm học 2020-2021, đối với các trường công lập, nếu kết thúc năm học vào 31/5 như thường lệ, thì học sinh sẽ có trọn vẹn 3 tháng nghỉ hè. Cơ sở giáo dục công lập nào dạy học trước 5/9 sẽ bị xử lý nghiêm. Với các trường tư thục, vẫn sẽ thực hiện như mọi năm là có thể tựu trường vào tháng 8.

Tích cực chuẩn bị cho năm học mới ngay khi vừa bế giảng ảnh 2
Ảnh minh hoạ (nguồn: IT)

GV phải đạt yêu cầu để dạy chương trình mới

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khi chia sẻ về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020 - 2021.

"Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Đây cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng cấp tỉnh/thành phố, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Do đó, nếu khởi đầu tốt đẹp sẽ góp phần vào thành công của cả năm học", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Hiện nay, các địa phương đã hoàn thành việc chọn sách giáo khoa lớp 1 và đang bước vào tập huấn sách giáo khoa. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị, cần tiếp tục hoàn hiện tài liệu giáo dục địa phương, tiếp tục chuẩn bị đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên dạy lớp 1 với tinh thần "không bố trí giáo viên không đạt yêu cầu đứng lớp", tiếp tục chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất cho dạy và học...

Năm học 2020 - 2021, cả nước có 14.332 trường tiểu học với gần 2 triệu học sinh lớp 1. Đánh giá của Bộ GD&ĐT: Về cơ bản, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ đều được địa phương ưu tiên cao nhất cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đến nay, đa số cơ sở giáo dục đều sẵn sàng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1.

Được biết, việc tập huấn cho giáo viên theo chương trình, sách giáo khoa mới có nhiều phức tạp và bị chậm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhưng đến nay, các địa phương cũng đang rốt ráo thực hiện việc tập huấn sách giáo khoa mới cho giáo viên để chuẩn bị vào năm học mới.

Tích cực chuẩn bị cho năm học mới ngay khi vừa bế giảng ảnh 3
Ảnh minh hoạ (nguồn: gdtd.vn)

Kỳ thi vào lớp 10 thể hiện "giảm tải"

Kỳ thi vào lớp 10 năm nay khiến tất cả phụ huynh cũng như học sinh lo lắng hơn bởi trước đó, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập của các em.

Bắt đầu từ tuần qua, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập và trường THPT chuyên trên địa bàn.

Theo ghi nhận, đề thi vào 10 năm nay đã thể hiện sự "giảm tải" đáng kể để một mặt vẫn đảm bảo chất lượng học sinh đầu vào, một mặt không làm khó thí sinh, do ảnh hưởng và gián đoạn của dịch Covid-19.

Phần lớn các địa phương tổ chức kỳ thi vào lớp 10 trong khoảng thời gian từ 16 – 19/7. Một số địa phương tổ chức thi muộn nhất sẽ tập trung vào cuối tháng 7 và những ngày đầu tháng 8/2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.